Những năm tháng thanh xuân ông Sơn đã lưu dấu trên mảnh đất Lào. Giờ đây, khi ông đã "xưa nay hiếm" ông Sơn mang nhiệm vụ "hướng dẫn viên" trên đất Lào.
Cuộc trò chuyện giữa tôi với cựu chiến binh (CCB) Bùi Minh Sơn chốc chốc lại ngắt quãng. Ông Sơn phải nói câu "xin lỗi" để nghe và trả lời điện thoại. Tôi dĩ nhiên gật đầu, bởi tôi hiểu thời gian này ông Sơn đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến đưa các CCB đã ở tuổi ngoài bảy mươi từng có những tháng năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào sang thăm đất nước bạn. Chừng như cuộc điện thoại đã kết thúc, ông Sơn nở nụ cười mãn nguyện: "Đã 12 lần trở lại thăm nước bạn Lào nhưng lần nào tôi cũng bồi hồi ông ạ".
Từ anh lính tình nguyện...
Năm 1968, vào tháng 2, nghĩa là vừa đón xong cái Tết Mậu Thân sục sôi khí thế nổi dậy ở miền Nam, anh trai làng Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội tên là Bùi Minh Sơn đang học dở lớp 9/10 của Trường cấp 3 Đông Anh B, lên đường nhập ngũ. Tháng 4/1968, trở thành chiến sĩ công binh trẻ thuộc Tiểu đoàn Công binh Quân khu Tây Bắc, anh cùng đơn vị hành quân sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Bắc Lào. Nhiệm vụ của các chiến sĩ công binh chiến dịch là đi trước chuẩn bị mỗi khi quân ta tiến hành chiến dịch. Ông Sơn nhớ lại: "Vì là công binh nên chúng tôi không trực tiếp tham gia chiến đấu. Chỉ đi trước mở đường cho các đơn vị của ta áp sát mục tiêu địch. Kể thì cũng tiếc nhưng bù lại, chúng tôi được đi đến nhiều địa phương của vùng Bắc Lào. Ở đó đẹp lắm!".
Những lần đi "chuẩn bị chiến trường" đã cho ông Sơn trở thành "thổ địa Cánh Đồng Chum" bởi người lính công binh rất thông thạo địa hình, nhiều cảm nhận về đất và người nơi đây. Ông cho biết: "Khu vực Cánh đồng Chum nằm trên cao nguyên Xiêng Khoảng có độ cao 1.000m so với mực nước biển. Lần đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên đỉnh đèo Phu Lốc Cốc, con đèo mà dạo đó lính ta gọi là Đèo Phỉ bởi bọn phỉ thường tập kích xe của ta ở đây".
Theo đó, như ông Sơn nhớ, khi vừa chạm đỉnh đèo đã thấy mở ra trước mắt là một cao nguyên mênh mông bát ngát tận chân trời. Gió từ cao nguyên thổi ngược lên đỉnh đèo ngào ngạt một mùi hương nồng ấm của nhựa thông. Ở đó có rất nhiều thông, thông mọc bạt ngàn, mùi nhựa thông sộc vào huyết quản như làm trong người nóng lên. Ông Sơn cười: "Chúng tôi gọi mùi nhựa thông đó là "hương vị quê nhà". Vì hương vị ấy quấn quýt đến thân gần".
Đất nước Lào bỗng chốc trở nên gần gũi với người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam. Gần gụi đến nỗi, chiến sĩ trẻ Bùi Minh Sơn khi ấy đã bật nên câu thơ "Hoa dã quỳ lại đón chúng tôi sang/Màu vàng rực một góc trời Xiêng Khoảng" ấy là khi vào mùa khô đồng nghĩa với mùa thu ở Việt Nam, khắp một vùng cao nguyên bạt ngàn màu vàng của hoa dã quỳ nở. Hoa nở vàng ngỡ như đất trời chỉ chung một màu vàng. Những thân thương ấy đã làm ấm lên tình gắn kết giữa những chiến sĩ tình nguyện với đất và người Bắc Lào anh em.
Năm 1977, ông Bùi Minh Sơn chính thức cùng đơn vị kết thúc những tháng năm sống và chiến đấu trên đất nước Triệu Voi. Trở về Tổ quốc, xa mảnh đất hoa Chăm-pa xinh đẹp với bao kỷ niệm, với bao nỗi nhớ khôn khuây.
Trở thành hướng dẫn viên trên đất Lào
Năm tháng ào trôi, cuốn theo bao lo toan tất bật của cuộc sống thường ngày nên cho mãi tới năm 2006, tức là phải sau 29 năm thì ông Sơn mới thỏa được nỗi nhớ. Tháng 10/2006, ông Sơn cùng đoàn CCB trở lại thăm "chiến trường xưa". Thời gian quá dài nên nỗi nhớ cũng trở nên dằng dặc.
Ông Sơn bùi ngùi: "Được trở lại Lào tôi vô cùng sung sướng, bởi nơi đó, tôi đã dành cả tuổi thanh xuân của mình, từ năm 18 tuổi đến năm tôi 27 tuổi". Đúng là sống và chiến đấu suốt những năm tuổi trẻ nên bộ đội tình nguyện như chúng tôi có nhiều kỷ niệm, nhiều điều muốn tỏ. Ở nơi đó còn có nhiều anh em đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại tuổi thanh xuân tươi đẹp. Lần trở lại đầu tiên ấy, đoàn CCB chỉ có 20 người. Ông Bùi Minh Sơn là hướng dẫn viên cho đoàn bởi trong ông lúc nào cũng nguyên vẹn hình ảnh thân thuộc với mảnh đất Lào anh em.
Ông Sơn nhớ lại: "Sau 29 năm mới trở lại Lào nên trong tôi có nhiều suy nghĩ. Lúc đặt chân trên đất bạn, tôi có cảm giác như một người con xa quê lâu ngày, nay mới được trở lại". Rồi ông Sơn cười vui vẻ: "Lúc đó, tôi thấy trong người như bị huyết áp tăng ông ạ". Tôi hiểu "căn bệnh huyết áp" ấy chỉ có ở những quân tình nguyện suốt thời trai trẻ đã cống hiến không nghĩ suy cho vùng đất anh em, vùng đất nước "tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".
Thế rồi như có được động lực mãnh liệt, từ lần trở lại đầu tiên đó cho tới nay, ông Bùi Minh Sơn đã có 12 lần thăm lại nước Lào xinh đẹp với vai trò là hướng dẫn viên. Khi thì ông tham gia đoàn CCB Sư đoàn 312 anh hùng, Sư đoàn nổi danh "đánh rừng núi" của quân tình nguyện. Khi thì ông đi trong đội hình Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Và khi thì đi theo yêu cầu của các cựu chiến binh ở các đơn vị tình nguyện khác. Thông thạo địa hình, đọc thông viết thạo tiếng Lào và tình cảm gắn bó chính là điều kiện cần và đủ để ông Bùi Minh Sơn "tự nguyện" làm người dẫn đường, làm người hướng dẫn viên, phiên dịch cho các đoàn CCB thăm lại chiến trường xưa.
Làm lính công binh, rồi chiếu bóng và sau đó làm cán bộ chính trị, CCB Bùi Minh Sơn cho biết, nhờ có kiến thức văn hóa và sự ham tìm hiểu nên có được giờ phút rảnh là Bùi Minh Sơn lại "lao" vào học tiếng, học chữ và đặc biệt là ghi chép. Việc ghi chép đã giúp ông nhớ được nhiều hơn, nhớ kỹ hơn và nhớ lâu hơn. Nói rồi ông Sơn lấy cho tôi xem một cuốn sách do chính ông và đồng đội bỏ công nhiều năm để tập hợp, biên soạn. Cuốn sách dày gần 400 trang A4, in hai mặt, có ảnh minh họa. Ông Sơn gọi đó là "cuốn từ điển" do ông và đồng đội tự biên soạn, chứ thực ra khi mở ra xem thì ai cũng nhận thấy đây hẳn là một cuốn tra cứu khá công phu.
Tôi lật giở từng trang sách và thấy ông cùng các CCB đã bỏ công tìm hiểu cặn kẽ để thực hiện việc giải thích về những câu nói, những địa danh, những điều mà họ đã thấy, đã nghe và đã biết trong những tháng năm sống trên đất Lào. Ví dụ như các ông đã giải thích về "địa danh" mang tên là Đinh Đan. Thực ra "địa danh này không có trên thực địa. Khi quân đội Mỹ làm bản đồ đã đánh dấu là "Din Dan" do vùng đất này có màu đen của than bùn. Lính ta bắt được bản đồ Mỹ và sử dụng nó nên gọi luôn là Đinh Đan cho tiện. Lâu dần thành địa danh và nhóm biên soạn đã giải thích rất lý thú.
Năm nay đã 73 tuổi, CCB Bùi Minh Sơn vẫn miệt mài với "đất nước Lào anh em". Ông hiện là Phó trưởng tiểu ban Tuyên huấn của Ban Liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Ban liên lạc do Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào làm Trưởng ban. Công việc của Phó trưởng tiểu ban Tuyên huấn xem ra cũng tất bật. Nào là lo tổ chức cho các đoàn CCB sang thăm Lào; nào là lo biên soạn tài liệu...
Đặc biệt là với trí nhớ và phán đoán có cơ sở thực tế nên các CCB công tác tại Ban liên lạc còn giúp xác định danh tính các liệt sĩ ta khi tìm được hài cốt. Theo như ông Sơn cho biết thì khi cất bốc hài cốt liệt sĩ tại Lào thường trong mộ ghi chép rất đơn giản. Ví dụ như có mộ tìm được mảnh giấy cất trong lọ Penicillin chỉ ghi "Nguyễn Văn A... đơn vị e3" chẳng hạn. Bằng phân tích có cơ sở, các CCB có thể khẳng định đây là chiến sĩ của đơn vị nào. Và khu vực mộ liệt sĩ được phát hiện có trùng khớp với thời gian, thời điểm đơn vị đó hoạt động ở khu vực đó không? Từ đó các CCB đã giúp đơn vị đi tìm mộ liệt sĩ liên hệ với đơn vị đã chiến đấu để rà soát danh sách và tìm ra được danh tính liệt sĩ.
Tiết trời đã sang đông nhưng nắng vẫn vàng ửng, con đường đoạn chạy ngang thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) vẫn nắng chói chang. Ánh nắng như ùa vào trong nhà, ông Sơn đứng dậy tiễn tôi ra cửa. Bấy giờ tôi mới để ý thấy trên bức tường trong nhà treo mấy đồ mang dấu ấn nước bạn Lào. Đó là những phần thưởng mà Đảng và Nhà nước Lào đã tặng ông, "Huy chương Anh dũng chống Mỹ" và Ghi nhận "Đã nêu cao tinh thần Quốc tế vô sản cao cả góp phần vào sự nghiệp cách mạng Lào" mà ông được tặng năm 1980, cả hai tặng thưởng quý giá đó đều do Chủ tịch Souphanouvong ký tay trực tiếp.
Tôi bắt tay ông Sơn thật chặt: "Chúc đoàn thứ 13 đi thăm lại nước Lào lần này thật thành công". Ông Sơn cười vui: "Chúng tôi dự định có mặt đúng dịp ăn tết truyền thống với người Mông ở Lào!".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.