Người lao động chọn hưởng BHXH 1 lần: Lợi trước mắt, hại lúc ốm đau...

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 21/07/2020 06:04 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, số lượng lao động mất việc, giãn việc gia tăng, nhiều lao động đã chọn dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), chọn hưởng BHXH 1 lần. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hay, bởi vì người lao động sẽ mất hết mọi quyền lợi và chỉ nhận về một số tiền rất nhỏ so với đóng góp của họ.
Bình luận 0

Số người nhận BHXH 1 lần tăng mạnh

Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam dẫn chứng báo cáo của Bộ LĐTBXH cho thấy, ước tính đến hết quý II/2020, số người thất nghiệp tăng lên khoảng 1,5 triệu người, tăng thêm khoảng 200.000 người so với quý I/2020. Đây là những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 đến tình hình việc làm, đời sống và việc tham gia chính sách của người lao động trên cả nước.

Người lao động chọn hưởng BHXH 1 lần: Lợi trước mắt, hại lúc ốm đau... - Ảnh 1.

Lao động nên tỉnh táo đưa ra quyết định phù hợp, không nên vì lợi trước mắt mà rút BHXH một lần (Ảnh minh họa: Công nhân Công ty ty May TNG Thái Nguyên). Ảnh: T.N

"Mục tiêu trọng tâm của 6 tháng cuối năm của Bộ LĐTBXH chính là giữ vững sự ổn định của thị trường lao động. Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, giữ vững việc làm cho người lao động, tạo việc làm mới".

Ông Đào Ngọc Dung -

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH

Qua khảo sát trong số 16 triệu lao động tham gia BHXH thì đã có hơn 1,7 triệu người trong diện các đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp báo giảm và chốt sổ BHXH. Ông Đào Việt Ánh cho rằng con số giảm này là tương đối lớn. Trong đó, lĩnh vực về sản xuất may mặc, da giầy chiếm nhiều nhất, khoảng 594.400 người; tiếp đó là các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản, vận tải hàng không, đường bộ, đường thủy, nhà hàng khách sạn du lịch; văn hóa thể thao và các lĩnh vực khác.

Thông tin thêm về tình hình chi trả chế độ BHXH 1 lần, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho hay, hàng năm có khoảng 600.000-700.000 người đăng ký hưởng chế độ 1 lần (ngừng tham gia BHXH). Tuy nhiên, năm nay, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm đã có 391.000 người đăng ký hưởng chế độ với số tiền chi trả là 14.774 tỷ đồng. Như vậy, số người đăng ký hưởng chế độ BHXH 1 lần đã tăng khoảng 10%, và tăng 18% về số tiền hưởng so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Ánh cũng cho biết thêm, trong 1,7 triệu người các đơn vị, doanh nghiệp đã báo giảm 6 tháng đầu năm, đã có 1,1 triệu người chốt sổ BHXH. Trong số này, sẽ có người tiếp tục tham gia tại các đơn vị khác, nhưng cũng có những người sẽ sử dụng sổ đã chốt này để 1 năm sau nhận chế độ. Điều này một lần nữa cho thấy số lượng người nhận BHXH 1 lần tăng gấp đôi so với hàng năm.

Về số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, số người đăng ký giải quyết chế độ hưởng mới là 430.000 người, đây cũng là mức tăng tương đối cao so với cùng kỳ so năm 2019, ước tăng khoảng 17% về số người (trong khi hàng năm chỉ tăng 5-6%) và tăng 26% về tiền.

Lao động nên tỉnh táo

"Trong tình thế bắt buộc, phải nghỉ việc thì người lao động mới phải dừng đóng BHXH. Tuy nhiên, trong trường hợp mất việc lao động vẫn có thể bảo lưu chế độ BHXH, yêu cầu công ty chốt sổ BHXH chờ đến lúc xin việc tại doanh nghiệp mới thì đóng tiếp" - ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết. Không nên đăng ký hưởng BHXH 1 lần bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi sau này.

"Lao động có thể vì khó khăn trước mắt mà rút BHXH 1 lần, nhưng về lâu dài họ sẽ mất đi quyền lợi cơ bản: Ốm đau không có bảo hiểm, về già không có lương hưu, hay khi gặp tai nạn lao động không được bảo vệ..." - ông Quảng nói.

Theo ông Quảng, thay vì rút BHXH 1 lần, lao động nên đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đủ điều kiện. Mức trợ cấp có thể không cao nhưng cũng đủ để lao động cầm cự qua giai đoạn khó khăn chờ đi làm lại.

Về phía Bộ LĐTBXH, đơn vị này đang thúc đẩy nhanh để các địa phương hoàn tất gói hỗ trợ cho lao động và các doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho biết, các doanh nghiệp đang rất nỗ lực để giữ chân lao động. Bản thân doanh nghiệp cũng ý thức được lao động là tài sản của doanh nghiệp. Nếu giờ sa thải lao động thì sau này khi hoạt động lại, họ sẽ phải tốn rất nhiều công sức, tiền của để tuyển dụng và đào tạo lại lao động. "Bởi vậy, lúc này người lao động và doanh nghiệp cần thương lượng với nhau để đưa ra được phương án tốt nhất" - ông Quân nói.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất "nới" các quy định để doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn vay trả lương cho người lao động. Ông Quân cũng khuyến nghị lao động nên chia sẻ với doanh nghiệp có thể chấp nhận phương án phải giảm lương để duy trì việc làm. Bởi vì kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn, diễn biến khó lường lao động rất khó để tìm việc. "Lao động cần có việc làm, thu nhập tối thiểu để ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh" - ông Quân nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem