Người lao động làm khổ chủ tàu

Thứ tư, ngày 19/03/2014 14:04 PM (GMT+7)
Nhiều chủ tàu cá ở xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã gửi đơn lên chính quyền xã, huyện nhờ can thiệp vì họ cho người lao động mượn trước từ 20-30 triệu đồng/người, nhưng “bạn” lại bỏ sang làm công cho tàu khác và không trả nợ.
Bình luận 0
Giở chiêu với chủ tàu

Chiều 17.3, Công an huyện Đức Phổ cho biết đã tiếp nhận và đang điều tra làm rõ những trường hợp lao động mượn tiền của chủ tàu cá nhưng không trả. Ông Nguyễn Lưu (50 tuổi) - chủ tàu ở thôn Thạch By, xã Phổ Thạnh bức xúc cho biết: Anh Phan Thanh Hiếu ở cùng xã đã ứng trước 60 triệu đồng tiền công của vợ chồng ông.

Trong khi chưa trả hết nợ, vụ đánh bắt năm 2013, anh Hiếu bất ngờ bỏ sang làm cho chủ tàu khác. Dịp tết vừa rồi, ông Lưu đến nhà làm dữ nên anh Hiếu trả 8 triệu đồng, còn thiếu khoảng 30 triệu đồng. Anh Hiếu hứa sẽ mang xe máy đi cầm cố, lấy tiền trả nợ cho ông Lưu. Tuy nhiên sau đó, ngư dân Hiếu lẳng lặng rời quê đi biển.

Chủ tàu Nguyễn Lưu (trái) và cuốn sổ ghi nợ của các lao động.
Chủ tàu Nguyễn Lưu (trái) và cuốn sổ ghi nợ của các lao động.

Tức giận vì sự chây lì của Hiếu, ông Lưu đã gửi đơn đến UBND xã và Công an huyện Đức Phổ nhờ can thiệp. Và đây cũng là trường hợp đầu tiên ở xã Phổ Thạnh mà chủ tàu có đơn gửi cấp thẩm quyền kiện ngư dân vì mượn tiền mà không làm công để trả nợ.

Không chỉ ông Lưu, 4 chủ tàu khác ở cùng xã cũng gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ can thiệp để lấy lại số tiền đã ứng trước cho người làm công. Theo các chủ tàu cá ở địa phương, rất nhiều trường hợp lao động được chủ tàu cho mượn từ 5-7 triệu đồng/người, nhưng sau đó được chủ tàu khác cho mượn nhiều hơn, thì đem trả lại rồi từ chối khéo không đi, làm lỡ kế hoạch của họ.

Bà Mai Thị Kinh - chủ 4 chiếc tàu hành nghề giã cào ở thôn Thạch By cho biết: Số tiền mà lao động ứng, mượn hiện còn nợ tôi ước trên 500 triệu đồng; chủ tàu Phan Hải cho mượn trên 300 triệu đồng...

Xử lý nghiêm để không tạo tiền lệ xấu

Theo Công an huyện Đức Phổ, việc xử lý những trường hợp kiểu này không dễ. Bởi lẽ đại đa số khi cho ứng mượn, chủ tàu chỉ ghi vào sổ sách của mình mà thôi. Nhiều chủ tàu bộc bạch: Số lao động mượn tiền trước phần lớn ở cùng làng xóm; rồi lo chuyện ghe tàu, ra khơi bận tối mặt, bên cạnh đó lại ngại phải đưa nhau đến chính quyền... nên các chủ tàu thường khoanh nợ để khi nào họ quay trở lại đi tàu thì trừ. Mà dù có đến đòi thì con nợ cũng khất lần, rồi đưa ra nhiều lý do…

Nhiều chủ tàu bày tỏ, không thể “dùng bạo lực” vì mấy triệu đồng, cho nên không ít người xem như số tiền cho lao động ứng trước đã mất.

Nhiều chủ tàu bày tỏ, không thể “dùng bạo lực” vì mấy triệu đồng, cho nên không ít người xem như số tiền cho lao động ứng trước đã mất. Chủ tàu Phan Thanh Hiếu ở Thạch By 2 cho biết, 2 năm qua, số tiền đã cho bạn mượn mà không biết bao giờ mới đòi lại được ước trên 100 triệu đồng.

100% chủ tàu ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đều cho bạn ứng, mượn tiền công trước. Nhẩm tính, chỉ riêng số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của xã Phổ Thạnh lên đến gần 650 chiếc với 6.500 lao động và mức tiền cho mượn từ 5-20 triệu đồng/người, thì số tiền chủ tàu đã cho "bạn" ứng, mượn phải hàng chục tỷ đồng.

Vì vậy, việc một số chủ tàu cá gửi đơn tố cáo những lao động ứng tiền rồi bỏ cuộc như trên đã nhận được sự đồng tình của các chủ tàu ở địa phương. Đây cũng là lời cảnh báo cho những ai cố tình lật lừa, và cho cả các chủ thuyền về thủ tục pháp lý khi thực hiện việc cho lao động ứng trước tiền công.

Các cơ quan chức năng cũng cần phải xử lý nghiêm những trường hợp chây ỳ trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của mình để đảm bảo quyền lợi cho chủ thuyền và để không tạo nên tiền lệ xấu.
Công Xuân (Công Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem