Người tài và giáo dục

Thứ năm, ngày 29/08/2013 10:25 AM (GMT+7)
“Ngày hội đưa con đến trường” đã đến. Năm học mới bắt đầu. Học sinh nao nức, phụ huynh bồn chồn. Và những vị cao niên, bậc chí nhân đang quặn lòng với “hàng năm, thế giới này có thêm 1,75 triệu đơn xin cấp bằng sáng chế.
Bình luận 0
Nghĩa là, cứ 1 phút trôi qua, loài người có 3 đơn xin cấp bằng sáng chế. Trong khi đó, ở nước ta, thì 1.500 phút trôi đi mới có 1 đơn xin cấp, cần bảo hộ”.

Là một dân tộc dũng cảm, thông minh, chẳng thiếu những anh tài, nhưng Việt Nam lại đóng góp vào kho phát minh thế giới thật… nhỏ.

Có nhiều lý do giải thích, lý do nào cũng đầy lý lẽ. Rằng ở xứ ta, “Tiên học lễ, hậu học văn”. Học “lễ” đóng cửa tu thân, học tiết độ tu nhân để thành “người hiền - kẻ sĩ”. Cái nền Nho học bị ảnh hưởng từ ngoài biên giới Việt ấy đã tạo ra vô số những trói buộc rườm rà, đôi khi ngăn cản cả cá nhân, cộng đồng, thậm chí một dân tộc không dám thách thức với đương đại, với các giá trị mới được tạo ra ngay từ cuộc sống. Cho đến hôm nay, không ít người vẫn còn “học lễ” là số 1, đặt “học văn” là thứ tiếp theo. Mấy ai! Lật lại vấn đề “văn - tri thức” mà đi sau thì liệu có đủ để “học lễ – làm người”? Có bậc trí nhân than rằng, cái bóng cũ đã tàn mà dư âm hàng ngàn năm chưa tan biến!

“Hậu học văn”, mà chương trình nội dung sách giáo khoa cái thì thừa, cái thì thiếu. Thiếu dạy cho con em mình - những chủ nhân tương lai của đất nước - về năng lực sống, năng lực cạnh tranh, năng lực giao tiếp, giao thông, kỹ năng học nghề, làm việc và cả những kiến thức, kỹ năng ứng xử với những biến động mau lẹ của cuộc sống thường ngày. Bốn trụ cột giáo dục “Học để biết, học để làm, học để khẳng định, học cùng chung sống” đã vang lên trên các quốc gia từ lâu. Tiếc rằng việc tiếp thụ ở nước ta chưa được đủ đầy và coi trọng. Có người cho rằng, ngành giáo dục nước nhà đang bận đi tìm phương thuốc chữa 4 trọng bệnh: Bệnh thành tích, bệnh cào bằng, bệnh suy dinh dưỡng, bệnh gian dối.

Giáo dục - vườn ươm tài năng đất nước. Muốn có tài năng thì trẻ tới trường ngoài học giỏi toán, văn, sinh, lý, sử, địa... còn cần được khuyến khích học phát hiện cái mới và học cách ráng sức giải quyết chúng. Nên, dạy học cần có sự tham gia, tương tác của thầy và trò. Trong cộng đồng và cao hơn là trong chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội giáo dục phải khơi thông ý tưởng và tạo môi trường đẹp nhất, công bằng nhất, an lành nhất cho ý tưởng, sáng tạo được bay cao như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu - những vì sao Việt trên bầu trời nhân loại.

Chung quy lại, đất nước chưa có nhiều người tài, nguyên nhân đầu tiên thuộc về đường hướng giáo dục, chính sách giáo dục, phương pháp giáo dục... và sự trong sáng, giỏi giang, mô phạm của người thầy. Phải dũng cảm làm điều mới - đó là yêu cầu số 1 của cách tân!
Hoàng Hải Sơn (Hoàng Hải Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem