Người trẻ và quyết định “nhảy việc” sau Tết: Cơ hội hay chỉ là “bình mới rượu cũ”?

Trung Hiếu - Thuỳ Anh Thứ bảy, ngày 08/02/2025 17:00 PM (GMT+7)
Gần một năm "nhảy việc" sau Tết, anh Tuấn quyết định nghỉ việc lần nữa và quay trở lại lĩnh vực ban đầu – nơi anh từng gặt hái nhiều thành công. Tuy nhiên, lần trở lại này không hề dễ dàng khi phải bắt đầu lại từ con số 0...
Bình luận 0

"Nhảy việc" sau Tết, người trẻ được gì và mất gì?

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều người trẻ bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc thay đổi công việc, mong muốn tìm kiếm cơ hội mới với mức lương hấp dẫn hơn hoặc môi trường làm việc phù hợp hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn toàn diện về những được - mất khi quyết định “nhảy việc” vào thời điểm này.

Lê Linh (23 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một trong những bạn trẻ đã mạnh dạn thay đổi công việc sau Tết. Trước đây, chị Linh làm nhân viên xử lý hồ sơ tại một trung tâm du học gần một năm. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết, Linh quyết định nghỉ việc và chuyển sang làm giáo viên dạy tiếng Hàn tại một trung tâm ngôn ngữ khác.

“Mình cảm thấy công việc cũ khá nhàm chán và không có cơ hội phát triển nhiều. Sau Tết, mình quyết định nghỉ và chuyển sang một trung tâm tiếng Hàn để làm giáo viên. Công việc này không chỉ gần với ngành học mà lương cũng cao hơn”, chị Linh chia sẻ.

Với chị Linh, việc chuyển sang làm giáo viên không chỉ giúp chị phát huy được kiến thức đã học mà còn mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, chị thừa nhận rằng công việc mới đi kèm với không ít áp lực.

“Dạy học khác hẳn với việc xử lý hồ sơ. Mình phải chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, đứng lớp và tương tác trực tiếp với học viên. Áp lực từ việc truyền đạt kiến thức đúng và hiệu quả cũng khiến mình phải nỗ lực nhiều hơn", chị Linh cho biết.

Dù vậy, chị vẫn tin rằng đây là lựa chọn đúng đắn để có thể phát triển bản thân và tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Người trẻ và quyết định đổi việc sau Tết: Cơ hội mới hay chỉ là “bình mới rượu cũ”?- Ảnh 1.

Nhiều người trẻ có xu hướng chuyển đổi công việc sau Tết Nguyên đán. Ảnh minh hoạ: Quốc Hải.

Còn anh Nguyễn Minh Tuấn (27 tuổi, Hà Đông), từng là nhân viên kinh doanh xuất sắc tại một công ty bất động sản lớn ở Hà Nội. Sau 3 năm gắn bó và đạt được nhiều thành tích nổi bật, anh quyết định nghỉ việc ngay sau Tết năm ngoái để chuyển sang một công ty khởi nghiệp về công nghệ với vị trí quản lý, với mức lương cao gấp đôi và hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển.

“Mình nghĩ đây là bước ngoặt trong sự nghiệp. Từ một nhân viên bình thường, mình được mời làm quản lý ở một môi trường trẻ trung, năng động. Ai mà chẳng muốn thử sức với cơ hội như thế?”, anh Tuấn cho biết.

Thế nhưng, chỉ sau 6 tháng, anh nhận ra công việc mới không hề như kỳ vọng. Áp lực từ việc quản lý một đội ngũ chưa có kinh nghiệm, cộng thêm sự thiếu ổn định của một công ty khởi nghiệp non trẻ khiến anh cảm thấy căng thẳng và mất phương hướng.

“Mình phải làm gần như tất cả mọi thứ: từ lên kế hoạch, quản lý đội ngũ, đến cả những việc nhỏ nhặt như chăm sóc khách hàng hay xử lý sự cố kỹ thuật. Công việc quá tải và không có sự hỗ trợ cần thiết khiến mình dần kiệt sức”, anh Tuấn thừa nhận.

Sau gần một năm chật vật, anh Tuấn quyết định nghỉ việc lần nữa và quay trở lại lĩnh vực bất động sản – nơi anh từng gặt hái nhiều thành công. Tuy nhiên, lần trở lại này không hề dễ dàng khi phải bắt đầu lại từ con số 0.

Khi người trẻ "nhảy việc" sau Tết: Chuyên gia nhân sự nói gì?

Trao đổi về vấn đề này, chị Phạm Thị Gấm - Nhân viên tuyển dụng tại một công ty công nghệ ở quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Đứng trên khía cạnh của nhà tuyển dụng, tôi thấy các bạn trẻ đang có xu hướng "nhảy việc" khá nhiều. Phần lớn các bạn đang trong quá trình đi tìm tòi về một môi trường hay thử sức mình, tìm kiếm xem cái gì đang hợp với mình nhất. Tôi khuyến khích điều này”.

Theo chị Gấm, việc người trẻ thay đổi công việc trong một khoảng thời gian sẽ giúp họ có được nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm và hình thành nhiều kỹ năng. “Tôi nghĩ là khi các bạn có ý định chuyển đổi công việc thì nên “vạch sẵn” một mục tiêu. Có một số người lựa chọn công việc để kiếm thu nhập. Đến khi đã hoàn thành mục tiêu đó, họ hoàn toàn có thể lựa chọn tìm kiếm những cơ hội khác để thử sức”, chị Gấm cho hay.

Cũng theo nữ nhân viên tuyển dụng này, “công việc” và “nghề nghiệp” là hai khái niệm khác nhau: “Nghề nghiệp là danh từ mà bản thân mỗi người theo đuổi nó, còn công việc lại mang tính chất ngắn hạn. Để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp và có thể làm lâu dài, người trẻ nên trải qua nhiều công việc “có mục đích”. Và khi đã làm một nghề nghiệp rồi thì mỗi người nên tìm hiểu kỹ để có những kế hoạch phát triển chuyên sâu và giúp bản thân trở thành “chuyên gia”. Lúc đó, các bạn sẽ cảm thấy nghề mà mình theo đuổi là một thứ khiến bản thân yêu thích”.

Người trẻ và quyết định đổi việc sau Tết: Cơ hội mới hay chỉ là “bình mới rượu cũ”?- Ảnh 2.

Theo nhiều nhà tuyển dụng, phần lớn người trẻ "nhảy việc" sau Tết đều đang trong quá trình đi tìm tòi về một môi trường hay thử sức mình. Ảnh minh hoạ: Mỹ Quỳnh.

Nhấn mạnh thực trạng nhiều người lao động trẻ quyết định “nhảy việc” sau Tết, chị Nguyễn Trang - quản lý tuyển dụng tại một công ty truyền thông ở Hà Nội cho hay, xét từ góc nhìn của người lao động, họ hoàn toàn hiểu rằng thưởng Tết là quyền lợi của họ sau cả một năm làm việc vất vả, nên họ sẽ cố gắng nhận thưởng Tết xong rồi mới nghỉ việc.

“Tuy nhiên, về phía công ty, chắc chắn ít nhiều sẽ có sự “khó chịu” nhất định và có chút bị động về nhân lực, công ty có thể bị mất niềm tin vào một nhóm người lao động bởi họ mong muốn phần thưởng cuối năm là động lực cho cả năm sau chứ không phải chỉ là trả cho nỗ lực của năm vừa qua”, chị Trang chia sẻ.

Chị Trang cho biết, theo quan điểm của chị, việc người lao động xin nghỉ hay không sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người và phía công ty nên tôn trọng quyết định của họ.

“Người lao động nên hiểu rõ hoàn cảnh và điều kiện của chính bản thân mình và gia đình, cũng như phải lường trước những rủi ro có thể gặp phải và cả các phương án dự phòng cho việc mình chuyển việc nữa, chứ không phải bảo chuyển là chuyển ngay.

Theo điều 35 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động phải báo trước 3 - 45 ngày tùy hợp đồng khi nghỉ việc, nếu không sẽ mất trợ cấp thôi việc và phải bồi thường. Nếu ký thỏa thuận đào tạo (điều 62), nghỉ sớm có thể phải hoàn trả chi phí. Điều 21 quy định người lao động phải tuân thủ bảo mật thông tin, thỏa thuận không cạnh tranh, nếu vi phạm có thể bị kiện. Khi nghỉ việc, doanh nghiệp phải thanh toán lương, chốt sổ BHXH trong 14 ngày (điều 48, 96), nếu chậm, người lao động có quyền khiếu nại.

Đặc biệt là mỗi cá nhân cần xem lại điều gì là yếu tố ưu tiên khi lựa chọn công việc. Có người thì quan tâm về tiền lương, thu nhập, có người lại mong muốn có thời gian để cân bằng cuộc sống, cũng có người mong muốn làm một vị trí và công việc đầy thách thức… Người lao động cũng cần tìm hiểu kỹ xem công việc sắp tới có giúp họ có đạt được những điều ưu tiên đấy hay không rồi mới đưa ra quyết định. Đặc biệt, để tránh rủi ro, người lao động cần đọc kỹ hợp đồng lao động và tuân thủ quy định của pháp luật trước khi có ý định “nhảy việc”, chị Trang đưa ra lời khuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem