Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từng là Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết vụ án Năm Cam và đồng bọn

PVCT Thứ sáu, ngày 19/02/2021 14:32 PM (GMT+7)
Theo Trung tướng Nguyễn Việt Thành, thời điểm xử lý vụ Năm Cam và đồng bọn, ông Trương Vĩnh Trọng là Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo, còn ông là Trưởng Ban Chuyên án.
Bình luận 0

Vị lãnh đạo gần gũi, giản dị

Trao đổi với PV Dân Việt, Trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết: Ông rất đau buồn khi nghe tin nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từ trần ở tuổi 79.

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từng là Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết vụ án Năm Cam và đồng bọn - Ảnh 1.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từ trần ở tuổi 79 (ảnh TTXVN).

"Ông là một vị cán bộ đạo đức, mẫu mực, giản dị, liêm khiết từ trong công việc cho đến đời sống riêng tư. Ông luôn sống chan hòa, gần gũi, tình cảm với mọi người. Trước đây khi còn công tác ông luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc, không bao giờ kiểu "đao to búa lớn" với mọi người", Tướng Thành chia sẻ.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành cho biết, ông từng gắn bó với nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau đó gắn bó với nhau trong quá trình xử lý vụ án Năm Cam và đồng bọn.

Trước tình trạng băng nhóm tội phạm Năm Cam và đồng bọn lộng hành làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật TP.HCM, nhiều cán bộ lão thành và người dân đã bất bình, yêu cầu các cấp ủy phải làm rõ, đặc biệt ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng rất bức xúc yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ.

Ban Bí thư đã lập Ban Chỉ đạo giải quyết vụ án Năm Cam, ông Trương Vĩnh Trọng lúc đó là Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm Trưởng ban Chỉ đạo. Các thành viên gồm có Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Năm 2001, Cơ quan Công an khởi tố vụ án, bắt Năm Cam và những đối tượng phạm pháp hình sự. Theo Tướng Nguyễn Việt Thành, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, bởi băng nhóm tội phạm này không chỉ hoạt động có tổ chức, thủ đoạn hết sức tinh vi, điều đáng nói liên quan đến vụ án có không ít cán bộ, thậm chí có cả cán bộ cấp cao.

"Với tư cách Trưởng ban, ông Trương Vĩnh Trọng trong công tác chỉ đạo đã rất kiên quyết, rất tập trung, xử lý có trọng tâm, trọng điểm, không ngại va chạm, thể hiện dũng khí của một nhà lãnh đạo trước vấn đề tiêu cực, gây bức xúc dư luận xã hội", Tướng Thành đánh giá.

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng từng là Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết vụ án Năm Cam và đồng bọn - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng (áo đen) thăm các cháu nhỏ không may mang trong mình vi rút HIV tại Trung tâm Giáo dục lao động số II Hà Nội ngày 1/6/2009 (ảnh VGP).

Luôn quan tâm tới những người yếu thế

Bài viết của tác giả Nguyễn Đình Hải (từng là phóng viên chuyên trách khi ông Trương Vĩnh Trọng còn là Phó Thủ tướng) đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, đã kể: Trước đây ông đã được tháp tùng Phó Thủ tướng trong các chuyến công tác ở cả trong và ngoài nước, được thấy, được cảm nhận phong cách sống rất đỗi giản dị, bình dị và trên hết là một tấm lòng nhân ái, bao dung, tình cảm yêu thương con người tha thiết của Phó Thủ tướng đối với người dân, nhất là với nhóm người yếu thế như những người nghèo ở các vùng quê hẻo lánh, vùng núi, vùng sâu, vùng xa; người nhiễm "căn bệnh thế kỷ" HIV/AIDS; các cháu nhỏ mồ côi…

Ở cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, trong hoạt động chỉ đạo điều hành, nhất là trong các chuyến công tác tại địa phương, đặc biệt ở các địa phương vùng Tây Bắc, nơi địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn lớn thì công tác xóa đói, giảm nghèo, phòng chống HIV/AIDS… luôn là những vấn đề "nóng" được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đặc biệt quan tâm và tìm hiểu thông tin đến tận "ngọn nguồn", qua các chuyến thị sát thực tế để biết rõ cuộc sống, tâm tư, tình cảm và trăn trở về các giải pháp giúp đỡ họ.

Đến làm việc với các địa phương, các đơn vị, một yêu cầu xuyên suốt mà Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng luôn đặt ra đối với các cấp chính quyền là "cần có sự quan tâm đặc biệt" đối với những người không may mắn, những người yếu thế trong xã hội và phải luôn đặt mình trong hoàn cảnh của họ mới thấy những khó khăn, thiệt thòi mà họ phải gánh chịu.

Theo ông, phải đặt chính mình trong hoàn cảnh như vậy mới cảm thông, thấu hiểu và mới có sự chia sẻ sâu sắc với những người chịu thiệt thòi, vì: "Có đứt ruột thì mới thương người ruột đứt". Câu nói này luôn là nỗi niềm trăn trở, là mối quan tâm day dứt thường trực của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khi nói về công tác xóa đói, giảm nghèo, nói về hoàn cảnh của những người yếu thế.

Trong mỗi chuyến công cán, dù thời gian có sít sao, eo hẹp đến mấy, việc thị sát thực tế luôn là công việc được Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dành thời gian thích đáng. Mỗi lần đến địa phương, thăm bà con ở vùng quê nghèo, việc đầu tiên mà Phó Thủ tướng làm là vào gian bếp của người dân, bởi theo Phó Thủ tướng "có vào bếp mới biết được thực tế việc ăn uống, sinh hoạt của bà con như thế nào"…

*Trong bài viết chúng tôi có trích một phần từ bài viết "Bác Hai Nghĩa – Nhà lãnh đạo tận tâm và bình dị" của tác giả Nguyễn Đình Hải đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem