Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong buổi giao lưu với các bậc phụ huynh mang tên: "Những lời khuyên của nhà thơ dành cho các ba mẹ trẻ" diễn ra tại Nhà sách Tân Việt – TP. Nam Định vào ngày 6/10, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, trong cuộc đời mình, ông đã đi rất nhiều nơi của quê hương Việt Nam, đặt chân đến nhiều bến bờ của trái đất nhưng Nam Định vẫn rất đặc biệt với ông. Thời còn học phổ thông (thời đó chỉ có hệ 10 năm, ông đang học dở lớp 10 thì phải nghỉ học vào lính), mỗi khi dạy học sinh cố gắng đạt thành tích tốt trong học tập, các thầy cô ở Hải Dương quê ông thường lấy thành tích của học trò Nam Định ra để làm gương. Đây cũng là vùng đất của rất nhiều tài năng văn chương mà ông vô cùng ngưỡng mộ.
Nói về mẹ mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ, mẹ ông là một người phụ nữ nông dân Bắc Bộ thuần phác. Bà là người không biết chữ theo đúng nghĩa đen vì ngày xưa các cụ quan niệm: "Con gái không cần phải biết chữ, biết nhiều chữ lại đi theo trai" nên không cho đi học.
"Mẹ tôi không biết chữ nhưng không mù chữ. Người giúp mẹ tôi "xóa mù chữ", dạy mẹ tôi biết chữ chính là đại thi hào Nguyễn Du. Không biết bằng cách nào mà mẹ tôi thuộc "Truyện Kiều" của cụ Nguyễn Du. Mẹ tôi có một bà cô (em ruột của bố) bị mù mắt và hành nghề thầy bói. Cụ không biết chữ nhưng lại thuộc "Truyện Kiều" và chính cụ đã truyền cho mẹ tôi, mẹ tôi lại truyền cho anh em tôi. Ngoài "Truyện Kiều", mẹ tôi còn thuộc hàng trăm, hàng nghìn câu ca dao, tục ngữ, thơ văn… Ngày xưa, nhà tôi nghèo lắm nên cứ đến tối là nhà phải tắt đèn để tiết kiệm dầu (ngày xưa chưa có điện phải thắp đèn dầu) và mẹ thường đọc "Truyện Kiều" cho chị em tôi nghe", nhà thơ Trần Đăng Khoa kể.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, cả cuộc đời này, ông luôn biết ơn mẹ mình. Nhờ có bà mà mấy anh em ông yêu văn chương, yêu vạn loài từ rất sớm. Không phải bỗng dưng một người mẹ "thất học" nhưng lại dạy được các con trở thành thi sĩ. Anh trai của nhà thơ Trần Đăng Khoa là nhà thơ, nhà văn Trần Nhuận Minh.
"Mẹ tôi là người thất học nhưng rất biết cách dạy con. Mẹ dạy chúng tôi yêu cây cối, cỏ hoa, con vật… Mẹ dạy tôi đi hái trầu mà nhân văn tới mức tôi xem cây trầu như một con người, đối xử với nó như một con người.
Tôi nhớ, một tối, mẹ tôi bảo tôi mang đèn ra vườn hái trầu, nhớ vặn to ngọn đèn, để cây trầu nhận ra chủ, không phải là kẻ trộm. Trước khi hái, phải nói: “Trẩu trẩu trầu trầu/ Mày làm chúa tao/ Tao làm chúa mày/ Tao không hái ngày/ Thì tao hái đêm/ Tỉnh dậy cho tao hái”. Không nói như vậy, giàn trầu sẽ lụi.
Thế nên sau này tôi mới có mấy vần thơ:
Đã ngủ rồi hả trầu
Tao đã đi ngủ đâu
Mà trầu mày đã ngủ
Bà tao vừa đến đó
Muốn xin mấy lá trầu
Tao không phải ai đâu
Đánh thức mày để hái!
Trầu ơi, hãy tỉnh lại
Mở mắt xanh ra nào
Lá nào muốn cho tao
Thì mày chìa ra nhé
Tay tao hái rất nhẹ
Không làm mày đau đâu...
Đã dậy chưa hả trầu?
Tao hái vài lá nhé
Cho bà và cho mẹ
Đừng lụi đi trầu ơi!
Cái câu: "Trẩu trẩu trầu trầu/ Mày làm chúa tao/ Tao làm chúa mày/ Tao không hái ngày/ Thì tao hái đêm" đầu bài thơ sau này tôi tìm hiểu thì không thấy trong bài ca dao hay văn thơ nào cả. Câu đó do mẹ tôi nghĩ ra để dạy tôi khi đi hái trầu nhằm không làm trầu khiếp sợ.
Ngày còn bé, mẹ tôi toàn dạy tôi những điều tử tế nhưng hồi bé tôi chưa hiểu nhiều lắm. Sau này, khi anh trai tôi có con – tôi lên chức chú, tôi mới hiểu những lời mẹ dạy. Mẹ bảo: "Các con phải dạy con mình biết yêu con chó, con mèo, con gà, con vịt, cây na, cây ổi, cây chuối… Một đứa trẻ ngắt một cái cây mới lên để đánh đau con chó là sau này nó cũng có thể làm thế với con người.
Bà chỉ dạy những điều đơn giản thế thôi nhưng vô tình lại hướng tôi đến với văn chương. Đấy chính là phép nhân hóa trong văn học. Thời đó tôi có biết "phép nhân hóa" là gì đâu. Nhưng sau này, khi lớn lên, tôi mới hiểu, hóa ra việc xem những vật vô tri, vô giác như con người… đó chính là phép nhân hóa trong văn học. Và đó cũng là lí do trong văn thơ của tôi, cây tre, cây na, cây chuối, cây ổi… đều được gọi bằng "chú", "chị", "bạn" và đều hiện lên như một con người, một người bạn của trẻ con", nhà thơ Trần Đăng Khoa bộc bạch.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, hồi còn bé, mẹ ông không muốn ông thành nhà thơ: "Ngày xưa mẹ tôi không muốn tôi trở thành nhà văn đâu, bà sợ lắm. Mẹ tôi bảo: "Thôi mày cứ đi cày như bố mày cho lành con ạ". Bà bảo, sao văn chương nó nghèo thế, chả có gì mà sao cứ suốt ngày cãi nhau, chửi nhau, chẳng ra làm sao cả. Mẹ tôi chỉ muốn hướng tôi đến những điều thiện, muốn con thành người tốt… không muốn con thành nhà văn đâu, với bà cái đó xa lạ lắm! Năm 1968, nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận về nhà tôi, mẹ tôi rất lo sợ. Mẹ tôi cứ hỏi: "Con ơi, thế làm thơ có vi phạm gì không hả con, sao các bác về tận đây kiểm tra".
Nói về cái tên Trần Đăng Khoa, nhà thơ cho biết, ngày xưa có tục, anh lấy tên em làm tên đệm. Chẳng hạn, nhà ông có người chị tên là Bình, người anh tên là Minh, bố mẹ ghép tên lại là Trần Bình Minh để khai sinh cho con; riêng nhà thơ Trần Đăng Khoa có người em tên là Giang nên bố mẹ đặt tên ông là Trần Giang Khoa. Tuy nhiên, có một kỷ niệm vui khiến cái tên Trần Giang Khoa biến mất thay vào đó là tên Trần Đăng Khoa tồn tại và nổi tiếng cho đến ngày nay.
"Thời đó, khi tôi gửi thơ đi in thì đáng ra ký tên là Trần Giang Khoa thì tôi lại ký thành Trần Dang Khoa. Giang là dòng sông, cây giang, cây nứa trên rừng thì tôi lại viết thành dang dở. Sau đó, người ta tẩy tẩy sửa sửa kiểu gì mà khi báo in ra thì thơ vẫn là thơ tôi nhưng tên thì lại thành Trần Đăng Khoa. Tôi bảo với thầy Hoàng dạy tôi lúc đó: "Thầy ơi, đây không phải là tên em". Thầy bảo, tên Đăng Khoa mới hay, nó có nghĩa là đỗ đạt, ngọn đèn tỏa sáng; cậu mới tập tành làm thơ mà đã sáng quắc như đèn ô tô thế thì cậu còn thắc mắc cái gì nữa. Giang Khoa có gì mà hay. Từ đó, tôi lấy tên là Trần Đăng Khoa cho đến bây giờ", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.