Nhiều giáo viên mòn mỏi đòi quyền lợi phụ cấp thâm niên

Chủ nhật, ngày 01/09/2024 13:41 PM (GMT+7)
20 năm về trước, nhiều giáo viên mầm non tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) bị huyện ra thông báo nghỉ việc vì không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hưởng 70-80% lương cơ bản.
Bình luận 0

Gần 10 năm sau đó, các giáo viên này mới được nhận quyết định nghỉ hưu, nhưng nhiều người trong số này không được hưởng phụ cấp thâm niên, dù từng 25 - 30 năm đứng trên bục giảng.

Bỗng dưng bị cho nghỉ việc vì... nhiều tuổi!

Cô giáo Hoàng Thị Liên (SN 1957), trú tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn (Nghệ An), là vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Vượng (SN 1959), hy sinh tại chiến trường Campuchia ngày 14/4/1983. Thời điểm đó, cô Liên là cô nuôi dạy trẻ tại Trường Mầm non Xuân Lâm, đang nuôi con gái nhỏ và mang thai đứa thứ 2. Nén chặt nỗi đau thương mất mát, cô Liên một mình vừa nuôi hai đứa con phương trưởng, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một cô nuôi dạy trẻ trong những ngày đầu gian khó của đất nước.

img

Các cựu nhà giáo tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) hơn 13 năm bền bỉ đi đòi quyền lợi chính đáng trong vô vọng.

Bất ngờ, đến ngày 9/9/2003, cô Hoàng Thị Liên nhận được Thông báo số 497TB/UB của UBND huyện Nam Đàn về việc được nghỉ việc theo Quyết định 109 của UBND tỉnh Nghệ An, đồng thời chỉ được hưởng 80% mức lương cơ bản cho đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu do không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ (trình độ sơ cấp và đã quá tuổi để đi đào tạo nâng cao trình độ). Hệ lụy là cô Liên phải chờ đến 8 năm kể từ ngày có thông báo của huyện Nam Đàn, mới nhận được quyết định nghỉ hưu vào năm 2011. Lúc này, cô Liên mới tá hỏa khi biết rằng, bản thân chỉ được hưởng lương hưu đơn thuần chứ không có phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định, dù bản thân có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục. Hơn 10 năm qua, cô Hoàng Thị Liên đã gõ cửa đòi quyền lợi chính đáng khắp nơi, trong hoàn cảnh bản thân đang bị ung thư giai đoạn cuối, nhưng không được các cấp, ngành liên quan xem xét thấu đáo.

Được biết, giai đoạn này, huyện Nam Đàn đã cho 100 giáo viên mầm non công tác tại các trường bán công nghỉ việc khi các cô chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Từ nhiều năm nay, 8 giáo viên trong số này đã bền bỉ kêu cứu tới các cấp chính quyền, sở ngành của tỉnh Nghệ An nhưng không được giải quyết thấu đáo. Trong đơn cầu cứu, các cô cho rằng, họ là những giáo viên được hưởng biên chế được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, được UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) đào tạo chuyên ngành mầm non, liên tục đứng lớp trong các nhóm lớp của trường mầm non, quá trình công tác không vi phạm bất cứ điều gì về chuyên môn cũng như đạo đức, lối sống. Trong đó, có cô giáo là giáo viên dạy giỏi, có cô thuộc diện chính sách, là người có công với cách mạng. Tính đến thời điểm có thông báo cho nghỉ việc chờ hưu, các giáo viên này đều đã có thâm niên trên dưới 30 năm đứng lớp.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ việc ngày 4/12/2002 và 20/7/2007 UBND tỉnh Nghệ An ban hành các Quyết định số 109 và Quyết định số 86 cùng quy định đánh giá, xếp loại giáo viên và chính sách cho giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tại các quyết định này, tỉnh Nghệ An giao các địa phương rà soát để đánh giá giáo viên, trong đó thanh lọc riêng các giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để đưa đi mở lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ.

Trên cơ sở này, huyện Nam Đàn đã yêu cầu các trường đánh giá, rà soát năng lực giáo viên. Mặc dù các giáo viên khi được nhà trường gửi hồ sơ lên, không có ai không hoàn thành nhiệm vụ nhưng khi thẩm định, UBND huyện Nam Đàn lại nhận định, trình độ của các giáo viên này là sơ cấp, chưa đạt chuẩn đào tạo theo quy định, tuổi đời của các giáo viên đều không đủ điều kiện để đi học nâng cao theo quy định nên xếp loại yếu kém. Dựa vào tiêu chí xếp loại thiếu khách quan này, ngày 9/9/2003 UBND huyện Nam Đàn đã ban hành loạt thông báo cho các giáo viên phải nghỉ việc. Điều đáng nói, theo quy trình, để nghỉ việc thì người lao động phải có đơn xin nghỉ nhưng các giáo viên chưa có bất cứ ai viết và ký vào đơn. Gần 2 năm sau kể từ ngày có thông báo, ngày 21/3/2005 huyện Nam Đàn mới có công văn kèm theo mẫu đơn xin nghỉ chờ lương hưu in sẵn, gửi Hiệu trưởng các trường hướng dẫn các giáo viên bổ sung. “Đơn vị nào không có hồ sơ thì Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm đối với UBND huyện”, công văn nêu rõ.

Cần giải quyết quyền lợi chính đáng cho các cựu nhà giáo

Tinh thần của Quyết định số 109 và Quyết định số 86 là Nghệ An muốn nâng cao chất lượng giáo dục, thông qua việc thanh lọc những giáo viên chưa đủ tiêu chuẩn để đưa đi đào tạo, nhưng huyện Nam Đàn lại thực hiện sai bản chất khi theo hướng tinh giảm biên chế, dựa vào trình độ sơ cấp và tuổi tác để buộc thôi việc. Nghỉ việc chỉ bằng một thông báo, các giáo viên phải chờ đằng đẵng đến hơn 8 năm sau mới có quyết định nghỉ hưu chính thức. Điều trớ trêu là trong thời gian nghỉ chờ hưu, các giáo viên này vẫn được nâng lương, và có các quyết định để chuyển từ 80% lương lên 100% lương cơ bản. Chỉ khi nhận sổ lương hưu, các nhà giáo mới biết mình không được hưởng phụ cấp thâm niên nên tá hỏa gõ cửa cơ quan chức năng nhưng 13 năm qua, các cô đã cầu cứu trong vô vọng.

Thậm chí, cùng ngày 24/8/2011, huyện Nam Đàn ban hành 8 quyết định giải quyết khiếu nại của 8 giáo viên mầm non, sau khi khẳng định việc cho các cô nghỉ theo Quyết định số 109 là không sai, huyện Nam Đàn còn quyết định thu hồi và hủy bỏ việc chuyển lương từ 80% lên 100% vì cho rằng đã làm sai so với quy định. Tuy vậy, việc xử lý này cũng bất nhất, đơn cử như trường hợp của cô Châu Thị Hoa (SN 1959), giáo viên Trường Tiểu học Nam Cát bị cho nghỉ việc theo Quyết định số 109, hưởng 70% mức lương cơ bản nhưng sau đó lần lượt được tăng lên 80% và 100% lương cơ bản vào ngày 7/10/2009. Là đối tượng nghỉ theo Quyết định 109 nhưng từ ngày 22/3/2014 bà Hoa vẫn được BHXH tỉnh Nghệ An ra quyết định hưởng trợ cấp theo Quyết định 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Không đồng tình với cách giải quyết của huyện Nam Đàn, các giáo viên tiếp tục cầu cứu cấp trên và ngày 9/8/2012, UBND tỉnh Nghệ An ban hành 8 quyết định giải quyết khiếu nại của các cô giáo. Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thời kỳ này là ông Nguyễn Xuân Đường ký vào loạt quyết định khẳng định khiếu nại đòi quyền lợi phụ cấp thâm niên của các cô giáo là sai, đồng thời khẳng định việc huyện Nam Đàn cho các cô giáo nghỉ theo Quyết định số 109 là đúng và thu hồi, hủy bỏ việc chuyển từ 80% lên 100% lương cơ bản.

Ngày 16/5/2024, UBND tỉnh Nghệ An có công văn gửi Bộ GD&ĐT và BHXH Việt Nam cho rằng, mặc dù tỉnh Nghệ An ban hành các Quyết định số 109 và Quyết định số 86 đánh giá xếp loại giáo viên và chính sách đối với giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối với giáo viên mầm non các trường bán công, song đây là những đối tượng mang tính đặc thù riêng của Nghệ An. Các giáo viên này trước khi nghỉ hưu, chờ hưu đều trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục do Nhà nước thành lập, họ xứng đáng được hưởng trợ cấp thâm niên theo quy định. Mặt khác, giáo viên thuộc diện này phần lớn đã có nhiều đóng góp cho ngành GD&ĐT trong những thời điểm khó khăn nhất sau ngày đất nước thống nhất, giảng dạy trong điều kiện thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất. Đối chiếu các điều kiện theo quy định tại Quyết định 52 và các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì giáo viên các trường mầm non bán công, giáo viên nghỉ chế độ theo Quyết định 109 và 86 của tỉnh Nghệ An vẫn được hưởng trợ cấp thâm niên theo quy định. Do vậy, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ GD&ĐT cùng với BHXH Việt Nam xem xét để các giáo viên này được hưởng trợ cấp thâm niên theo Quyết định 52. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được các đơn vị nêu trên quan tâm dẫn đến quyền lợi của các cô vẫn không được xem xét.

Theo BHXH huyện Nam Đàn, danh sách nhà giáo nghỉ theo Quyết định 109 và Quyết định 86 trên địa bàn huyện Nam Đàn là 100 người. Ngành BHXH cho rằng đây là những giáo viên nghỉ do không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên không thể coi là vẫn trực tiếp giảng dạy trước khi về hưu, nên không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp theo Quyết định 52. Ngành BHXH cũng cho rằng, các nhà giáo này cũng không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thâm niên theo Nghị định số 14/2020/NĐ-CP ngày 24/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên, thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh Nghệ An và ngành BHXH cũng như Bộ GD&ĐT cần xem xét lại việc thông báo (chứ không có quyết định) nghỉ việc của UBND huyện Nam Đàn liệu có đúng quy định pháp luật. Bởi nếu tính thời điểm thì phải đến năm 2011 các giáo viên này mới có quyết định nghỉ hưu, trong thời gian trước đó các cô vẫn thuộc quân số biên chế của ngành giáo dục.

Thiên Thảo (cand.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem