Ảnh minh họa.
Ngày 24.6, Viện KSND Tối cao cho biết đã tống đạt cáo trạng truy tố 6 bị can, gồm: Phạm Hải Bằng - nguyên Phó giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU); Nguyễn Nam Thái - nguyên Trưởng phòng dự án 3, RPMU; Trần Văn Lục - nguyên Giám đốc RPMU; Trần Quốc Đông - nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU; Nguyễn Văn Hiếu - nguyên Giám đốc RPMU và Phạm Quang Duy - nguyên Phó giám đốc RPMU; cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Cơ quan tố tụng xác định: Ngày 13.10.2008, Bộ GTVT phê duyệt Dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), đồng thời giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý Dự án tuyến số 1 cho RPMU. Đến ngày 5.1.2009, RPMU quyết định thành lập Tổ dự án tuyến số 1, gồm 21 thành viên, trong đó ông Bằng làm Chủ nhiệm dự án. Ngày 9.9.2009, ông Bằng đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật Dự án tuyến số 1 với Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và một số công ty khác.
Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, ông ằng đã nêu một số khó khăn của RPMU về chi phí triển khai dự án với đại diện JTC và phía JTC đồng ý hỗ trợ kinh phí. Sau khi có thoả thuận nêu trên, ông Bằng thông báo cho Duy (lúc đó là Trưởng phòng dự án 3, RPMU) cùng Thái biết để thực hiện.
Cáo trạng xác định: Từ tháng 9.2009 đến tháng 2.2014, JTC đã chuyển tổng cộng 11 tỷ đồng (gần 70 triệu yên Nhật) cho Bằng, Thái và Duy. Toàn bộ số tiền này, các bị can đã sử dụng cho các chi phí tiếp khách, in ấn tài liệu, hội họp, đi lại, làm ngoài giờ, nghỉ mát…; trong đó bản thân các bị can đều được hưởng lợi riêng.
Theo cơ quan công tố, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, thỏa thuận nhà thầu JTC chi tiền ngoài hợp đồng của Bằng và Thái sử dụng nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Các bị can: Lục, Đông, Hiếu và Duy biết việc nhận tiền từ nhà thầu JTC của Bằng và Thái, nhưng đã đồng tình để sự việc diễn ra trong thời gian dài.
Quá trình điều tra, các bị can đã tự nguyện nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để khắc phục hậu quả. Cụ thể: Bằng nộp 970 triệu đồng và 7.000USD; Duy nộp 65 triệu đồng; Thái nộp 600 triệu đồng; Lục nộp 100 triệu đồng; Đông nộp 30 triệu đồng.
Viện KSND Tối cao xét thấy: Số tiền các bị can nhận hỗ trợ từ nhà thầu JTC không liên quan đến nguồn kinh phí thực hiện dự án; phần lớn đã được các bị can chi phí, sử dụng cho việc triển khai dự án và sử dụng chung cho tập thể; do các bị can đều có nhân thân tốt, gia đình và bản thân có nhiều cống hiến cho xã hội, quá trình điều tra các bị can đã nhận thức sai phạm, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả… Đó là những tình tiết cần được xem xét giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.
Viện KSND Tối cao cũng ủy quyền cho Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố khi vụ án được đưa ra xét xử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.