Nhiều chuyên gia phân tích có nhiều yếu tố sẽ thúc đẩy đồng USD bật tăng trong những tháng cuối năm và VND chịu sức ép mất giá. Nhưng việc thặng dư thương mại của Việt Nam ở mức cao, FDI thực hiện tăng 8,8% và dòng kiều hối dồi dào vào cuối năm được kỳ vọng sẽ phần nào hỗ trợ cho đồng VND.
Sau nhiều phiên tăng giá, ngày 30/11, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam tiếp đà giảm, được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.271 VND/USD, giảm 20 đồng so với phiên trước đó. Theo biên độ +/-5% tỷ giá trần và sàn mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.037 – 25.464 VND/USD.
Trong khi đó, giá USD ngân hàng bán dù dao động trong biên độ hẹp nhưng luôn ở sát giá trần được NHNN cho phép. Trên thị trường tự do, giá đồng USD cũng ghi nhận nhiều phiên diễn biến lạ.
Đáng chú ý, tỷ giá VND/USD giảm mạnh trong bối cảnh DXY "lao dốc" từ vùng đỉnh 2 năm - tiệm cận mức 108 xuống 105,79.
Dữ liệu cho thấy, VND đã mất giá 0,5% so với USD chỉ trong hai tuần đầu tháng 11 và quanh mức 4,7% so với đầu năm. Mặc dù nhà điều hành đã can thiệp kịp thời trong những tuần cuối tháng 10 thông qua việc nối lại việc bán ngoại tệ can thiệp với hình thức giao ngay tại mốc 25.450 VNĐ/USD và phát hành tín phiếu, nhưng VND tiếp tục mất giá trong nửa đầu tháng 11.
Vì sao tỷ giá VND/USD "rung lắc" mạnh?
Trước đó, trả lời chất vấn tại nghị trường quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận tỷ giá đang chịu nhiều sức ép. Sau thời gian thắt chặt, Fed đã nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng hạ lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ. Những yếu tố này khiến đồng USD biến động phức tạp, sau thời điểm giảm mạnh, từ quý III lại tăng và hiện biến động ở mức cao.
Đề cập đến biến động của tỷ giá VND/USD, nhóm phân tích Chứng khoán VNDirect chỉ ra 2 nguyên nhân. Thứ nhất, tỷ giá VND/USD biến động do DXY có mối quan hệ "mật thiết" với DXY và chỉ số này tăng hậu bầu cử Mỹ.
Thứ hai, do nhu cầu USD để thanh toán nghĩa vụ nợ của Kho bạc Nhà nước gia tăng.
Chi tiết hơn, nhóm phân tích cho rằng, đà tăng của chỉ số DXY tiếp tục kéo dài trong tháng 11 do chịu tác động từ những thông tin liên quan đến chiến thắng của Tổng thống tái đắc cử Donald Trump, các dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ công bố gần đây, và cả những phát biểu có phần "thận trọng" của chủ tịch Fed về lộ trình giảm lãi suất.
"Mặc dù ông Trump không muốn đồng USD tăng quá mạnh do lo ngại ảnh hưởng tới xuất khẩu của Mỹ và đi ngược lại với phương châm tranh cử là "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", nhưng các chính sách đề xuất của Trump dường như lại đang thúc đẩy chỉ số DXY mạnh lên. Mức thuế nhập khẩu cao hơn và thuế suất trong nước thấp hơn có thể làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến Fed có thể thận trọng hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ, từ đó khiến chỉ số DXY neo cao", các chuyên gia nêu.
Ngoài ra, như chuyên gia đã đề cập, đà tăng của DXY còn được củng cố với bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed Powell tại Dallas, nơi ông nhấn mạnh Fed sẽ không vội vã trong việc hạ lãi suất. Lập trường này đã kéo DXY xác lập mức cao mới trong hai năm, có thời điểm chỉ số USD Index chạm ngưỡng 108 trong phiên ngày 23/11.
Ngoài ra, Bộ phận nghiên cứu thị trường của Ngân hàng ACB cho rằng, nhu cầu ngoại tệ thanh toán của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và FDI phát sinh cũng là một trong những yếu tố chính hỗ trợ cho đà tăng của tỷ giá USD/VND.
Tỷ giá VND/USD đối diện áp lực "bán" mạnh, liệu có thể bật tăng trở lại?
Nhóm phân tích VNDirect cho rằng, nhà điều hành cần theo dõi chặt biến động tỷ giá, đặc biệt vào thời điểm cuộc họp của Fed vào giữa tháng 12/2024 sắp tới và thời điểm ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Tuy vậy, thặng dư thương mại của Việt Nam ở mức cao, FDI thực hiện tăng 8,8% và dòng kiều hối dồi dào vào cuối năm được kỳ vọng sẽ phần nào hỗ trợ đồng VND.
"Cho năm 2025, trong bối cảnh các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa có hiệu lực, chúng tôi cho rằng tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 là không đáng kể. Tác động hiện tại chủ yếu xoay quanh sự gia tăng của chỉ số DXY đã gây áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ, từ đó thu hẹp dư địa điều hành chính sách tiền tệ của NHNN", theo nhóm phân tích VNDirect.
Trong khi đó, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam dự báo trên cơ sở Việt Nam tiếp tục đảm bảo các cân đối lớn, thặng dư thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, kiều hối và du lịch tăng trưởng sẽ hỗ trợ tỷ giá USD/VND biến động quanh mức 3% hàng năm trong đó quý 4/2024 là 25.200, quý 1/2025 là 25.000, quý 2/2025 là 24.800 và quý 3/2025 là 24.600.
"Chúng tôi cũng cho rằng việc ông Trump tái đắc cử ít có tác động trực tiếp đến lãi suất VND và tỷ giá USD/VND do đồng tiền nội địa đã và đang được quản lý chặt chẽ trong khuôn khổ các hoạt động thương mại và đầu tư dài hạn hơn là công cụ đầu tư, đầu cơ ngắn hạn", ông Quang nói.
Tại nghị trường, đối với việc ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá trong nước, "Tư lệnh" ngành ngân hàng chia sẻ, đây là câu chuyện rất khó khăn. Bởi, việc này sẽ phụ thuộc vào cung cầu thực, tức là những cung, cầu về nhu cầu ngoại tệ chi ra cho nền kinh tế và những nguồn thu chúng ta có được. Tuy nhiên, thị trường ngoại hối của Việt Nam của chúng ta, nhất là chúng ta vẫn còn tình trạng USD hóa sẽ chịu tác động bởi yếu tố tâm lý và kỳ vọng rất nhiều.
Đồng thời, Thống đốc NHNN nhấn mạnh: "Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường.
Hiện tỷ giá được phép dao động +/- 5%. Khi thị trường biến động quá lớn, NHNN sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân", Thống đốc thông tin.".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.