Những đứa trẻ lớn lên giữa tiếng phì phì rùng rợn của “ông tử thần” - hổ mang

Chủ nhật, ngày 22/04/2018 07:05 AM (GMT+7)
“Từ hơn 200 năm nay, con rắn đã gắn bó với đất và người Vĩnh Sơn. Người già làm bạn cùng rắn còn những đứa trẻ thì lớn lên giữa tiếng phì phò rùng rợn của “ông tử thần” - hổ mang. Rắn đã “đẻ trứng vàng” giúp cho vợ chồng tôi có cơ nghiệp hôm nay!” - anh Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại rắn Vĩnh Sơn mở đầu câu chuyện.
Bình luận 0

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) có nghề rắn truyền thống, ngay từ nhỏ, Vũ Mạnh Hùng đã thấu được cái lợi và sự đặc biệt nguy hiểm của công việc mà hàng ngày, hàng giờ con người nơi đây phải đối diện...

Thăm trang trại mãng xà cực độc trị giá bạc tỷ

“Ai cũng biết nghề nuôi rắn độc một vốn bốn lời nhưng luôn phải chấp nhận rủi ro đôi khi còn phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình. Vợ chồng tôi cũng vậy. Lấy nhau năm 1992, cả hai cùng xác định sẽ gắn bó lâu dài với nghề rắn. Do số vốn ban đầu ít ỏi, chúng tôi phải thực hiện phương thức lấy ngắn nuôi dài. Khi đã có tích lũy kha khá cả về tài chính và kinh nghiệm, tôi mới làm đơn vay thêm vốn để đầu tư mở rộng trang trại...” - anh Hùng kể...

img

 Theo chân chủ nhà, chúng tôi vào khuôn viên của trang trại và giật mình khi được biết, ở dưới chân là hang rắn mới nở, còn ở ngay bên cạnh và cả 4 bức tường vây quanh là các hang rắn lớn. Nghe tiếng về loài "bò sát tử thần" này từ lâu nên chúng tôi ai cũng nơm nớp, chỉ đến khi nhìn vẻ mặt điềm tĩnh của Vũ Mạnh Hùng chúng tôi mới phần nào vững dạ.

Cơ ngơi của anh Hùng gồm hơn 500 chuồng nuôi được chia làm hai khu nằm tách biệt hẳn với nhà ở. Khu nuôi rắn nhỏ ở cách nhà khoảng 300 mét gồm những chuồng rộng chừng 4m2, cao độ 5 gang tay, được thả vào mỗi chuồng một ít đất, một cái chăn bông cũ để tạo thành ổ đủ nhiệt độ nuôi hàng trăm con rắn mới nở. Khu chuồng rắn đã đến tuổi thu hoạch ở phía sau vườn với diện tích gần trăm mét vuông.

Chuồng nuôi rắn hổ mang hình chữ nhật, chiều dài ước chừng 50 cm, cao 40 cm, rộng 30 cm, nằm sát nhau và được cất trên nền gạch cao, có hệ thống lỗ thông hơi ở gầm, nắp đạy là những miếng lưới sắt hoặc gỗ ghép. Trên là tấm lợp xi-măng, để hở tứ bề. Đây là mô hình chuồng nuôi rắn hổ mang chung của toàn xã. Chuồng nuôi rắn hổ mang phải đảm bảo những yêu cầu rất khắt khe: thông thoáng, đủ độ ẩm nhưng không được ướt, không kín quá mà cũng không hở quá...

Vợ chồng anh Hùng bật nắp một chiếc lồng rắn hổ mang phì. Bị ánh sáng hắt vào đột ngột, một đầu rắn ngóc lên cao, chiếc mang bành ra to gấp ba lần thân, đầu rắn nhỏ thó, đôi mắt lồi thao láo.

“Ông hổ mang" này đã 2 tuổi đời, trọng lượng 2,3 kg. Ở các ngăn chuồng kế bên, những tiếng "phì... phì..." bắt đầu vang lên. Cạnh ngay khu chuồng rắn trưởng thành là nơi ấp trứng rắn. Nhấc tấm đậy lên, phủi đi một lớp cát dày, chị Mai (vợ anh Hùng) chỉ cho tôi xem một ổ trứng chừng vài chục quả, to bằng trứng chim cút. Ba, bốn chú rắn nhỏ mới vài ngày tuổi thấy động, theo bản năng đều nhất loạt ngóc cổ dậy và trườn nhanh lẩn vào đám cỏ ướt.

Chỉ 3 - 4 tháng sau khi nở, rắn con sẽ được đưa vào chuồng "vỗ béo". Anh Hùng cho biết, việc đầu tư chuồng trại và thức ăn cho rắn hổ mang không tốn kém nhiều. Bỏ ra khoảng 15 - 20 triệu có thể cất được vài trăm chuồng nhốt rắn. Nhưng quan trọng nhất là rắn hổ mang giống. Một con rắn hổ mang giống từ Trung Quốc 2 tuần tuổi giá từ 15.000 - 30.000 đồng nhưng khi về đến Vĩnh Sơn thì một chú hổ mang con đã tự nhân giá trị lên gấp mấy lần.

Tuy vậy, từ năm 2000 trở lại đây, gia đình anh và bà con trong xã đã tự sản xuất được rắn hổ mang giống với tỷ lệ ấp trứng thành công đạt trên 90%. Trung bình, rắn hổ mang cái trưởng thành trong thời gian 2 - 3 năm sẽ đẻ được 20 - 30 quả trứng. Một con rắn hổ mang đực có thể "phụ trách" 5 con hổ mang cái. Nguồn thức ăn cho rắn hổ mang chủ yếu là gà, chuột sống, cóc, ngoé và thức ăn tổng hợp. Cứ 4 - 5 ngày cho rắn ăn một lần.

img

Không chỉ có rắn, từ nhiều năm nay, vợ chồng anh Hùng - chị Mai còn phát triển trang trại của gia đình theo mô hình kết hợp chăn nuôi thêm một số con có giá trị thương phẩm cao như nhím, ba ba, tắc kè và gà.

Để đáp ứng yêu cầu công việc của trang trại, ngoài lực lượng lao động của gia đình, hiện thời anh Hùng còn thuê thêm 6 lao động làm việc thường xuyên. Anh Hùng ước lượng: “Tôi đang có 20 đôi nhím bố mẹ không tính nhím con, trên 80 cặp ba ba sinh sản, khoảng gần 1 nghìn con tắc kè và hơn 4.000 con gà (vừa làm thức ăn cho rắn vừa để bán). Việc kết hợp nuôi nhiều con trong cùng một mô hình trang trại không chỉ tận dụng được không gian, tạo ra sự bổ trợ lẫn nhau trước tiên về chuỗi thức ăn mà còn khép kín được chu trình quay vòng vốn và đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Chỉ tính riêng mỗi đợt bán nhím, ba ba, gà và tắc kè thì chúng tôi đã thu về hàng trăm triệu đồng...”.

Khát vọng khẳng định thương hiệu độc, lạ

"Tôi đã từng trải qua rất nhiều công việc từ công chức nhà nước đến đi buôn, rồi làm thợ chụp ảnh nhưng cuối cùng vẫn quay về với trang trại nuôi rắn, ba ba, tắc kè, gà, nhím vì nó đem lại lợi nhuận cao mà không phải quá lao tâm khổ tứ. Qua thực tiễn tôi đã nhận ra vai trò đặc biệt quan trọng của công tác quảng bá và khẳng định thương hiệu đối với mô hình trang trại hàng hóa..." - giữa căn phòng khách gia đình được “trang điểm” bằng những bình rượu rắn xếp đầy trong tủ kính, ông chủ Vũ Mạnh Hùng chia sẻ.

Nơi này đồng thời cũng là văn phòng giao dịch của Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại rắn Vĩnh Sơn do anh làm Giám đốc. Anh bảo rằng, chỉ có hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp thì mới dễ dàng tạo được thương hiệu trên thị trường chính bởi vậy ngay đầu năm 2006 trước khi xã Vĩnh Sơn được công nhận danh hiệu làng nghề, vợ chồng anh Hùng đã đứng ra thành lập công ty riêng chuyên cung ứng con giống và thu mua rắn hổ mang thương phẩm cho bà con...

Không chỉ bán rắn giống, công ty của anh Hùng đã chế biến được nhiều sản phẩm rắn cung cấp ra thị trường như: Chế biến thịt rắn thành các món ăn đặc sản phục vụ khách du lịch. Các loại rượu tam xà, ngũ xà, thất xà, rồi nọc rắn, cao rắn, mật rắn... có tác dụng bồi dưỡng sức khoẻ, chữa được các bệnh thấp khớp, thần kinh toạ, hen suyễn. Đặc biệt, mật rắn hổ mang bành có thề chữa khỏi ung thư giai đoạn đầu. Một bình rượu rắn có giá thấp nhất là 250.000 đồng, giá cao lên đến trên 10 triệu đồng/bình. Công ty của anh đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng của khách từ các tỉnh và trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm rắn cho bà con xung quanh. Anh còn lột da rắn bán làm thuốc chữa bệnh và làm đồ mỹ nghệ, tận dụng phân rắn bán cho bà con nông dân dùng làm phân bón ruộng.

“Ngay từ khi thành lập công ty, tôi đã nối mạng internet để hàng ngày lên đó vừa học hỏi thêm những kinh nghiệm, kỹ thuật mới vừa tìm thị trường, bạn hàng để có thể xuất hàng trực tiếp mà không phải thông qua đầu nậu. Tôi đang dự kiến sẽ lập hẳn một trang web để quảng bá thương hiệu cho Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại rắn Vĩnh Sơn. Tôi biết là có rất nhiều nơi cần các sản phẩm chế biến từ rắn của làng nghề chúng tôi nhưng tôi vẫn chưa tìm ra. Hy vọng mạng internet sẽ là cầu nối giữa sản phẩm của chúng tôi với khách hàng khắp nơi..." - anh Hùng bật mí.      

Tiễn khách giữa buổi trưa tháng 3 rực nắng, chỉ tay về phía trung tâm xã, anh Hùng hào hứng: “Hiện nay, vì khu chuồng nuôi đã quá chật chội nên chúng tôi đang xin một khu đất rộng rãi để có thể xây dựng một khu liên hợp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ rắn, tắc kè, ba ba, nhím. Hy vọng một thời gian không xa nữa, thương hiệu của công ty chúng tôi sẽ được biết đến cả ở trong và ngoài nước...". Nhìn vào ánh mắt sáng, cương nghị của anh Giám đốc nông dân ấy, chúng tôi tin khát vọng đó sẽ nhanh chóng trở thành sự thật. 

Hà Minh-Nguyễn Quân (VNU Media)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem