“Những tia sáng phía cuối đường hầm” của nạn nhân bom mìn

Ngọc Vũ Thứ năm, ngày 27/12/2018 06:26 AM (GMT+7)
Bằng ý chí, nghị lực và sự giúp đỡ của xã hội, nhiều nạn nhân bom mìn đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống, tìm được hạnh phúc cho mình, không những thế mảnh đất Quảng Trị ngày nay còn chào đón những “người hùng” dám đối mặt hiểm nguy, tham gia dự án rà phá bom mìn, trả lại đất sạch, trả lại bình yên…
Bình luận 0

Đối mặt thần chết để làm sạch đất

Trong một lần tìm hiểu dự án rà phá bom mìn thuộc Nhóm tư vấn bom mìn Vương quốc Anh (MAG) đang thực hiện sứ mệnh tại Quảng Trị, chúng tôi đặc biệt ấn tượng câu chuyện của Nguyễn Đức Triển (trú thôn Trúc Lâm, Gio Quang, Gio Linh, Quảng Trị). Mẹ của Triển, chàng trai 27 tuổi, là nhân viên kỹ thuật tham gia rà phá bom mìn thuộc đội MAG 4 từng là nạn nhân bom mìn.

img

Anh Nguyễn Đức Triển (trú thôn Trúc Lâm, Gio Quang, Gio Linh, Quảng Trị) và mẹ. 

"Hiện nay, còn khoảng 80% tổng diện tích đất của tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, hiểm họa vẫn còn rất lớn. Vì vậy, tỉnh rất mong sẽ nhận được sự giúp đỡ, đồng hành của các tổ chức, nhà hảo tâm để tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh, xoa dịu nỗi đau bom đạn”.

Ông Nguyễn Đức Chính

Bà Lê Thị Lựu (61 tuổi), mẹ của Triển kể, một buổi trưa năm 1976, cũng như bao thanh niên trong thôn, bà Lựu lên vùng đồi thuộc xã Gio Sơn (Gio Linh) bứt tranh đem về lợp mái nhà và bán lấy tiền. Bất ngờ, bà Lựu dẫm phải quả mìn phát nổ cụt cả hai chân ngang đầu gối. Mất đôi chân, cuộc sống bà Lựu vô cùng vất vả, nhiều lúc muốn chết. Thế nhưng, được sự động viên của gia đình, từ bản năng khao khát được làm mẹ bà không chỉ sống mạnh mẽ mà còn quyết xin một đứa con.

Năm Triển tròn một tuổi, bà Lựu rời nhà mẹ đẻ, dựng căn nhà nhỏ bên Quốc lộ 1A ở riêng, bắt đầu bán hàng tạp hóa. Sau này, cửa hàng mọc lên nhiều, buôn bán trở nên khó khăn hơn, bà Lựu chuyển sang chăn nuôi lợn, gà, rồi làm thuê cuốc mướn, cặm cụi nuôi con. Nhiều đêm, bà Lựu không tài nào ngủ được bởi khi lê đôi cùi chân đi cuốc đất, máu tứa ra đau đớn.

Mặc dù học rất khá, nhưng do không đủ tiền, hết lớp 12, Triển nghỉ học và bắt đầu đi làm nhiều nghề kiếm tiền giúp mẹ lúc ốm đau.

Năm 2015, Tổ chức MAG tuyển dụng, Triển xin mẹ cho nộp đơn thi. Ám ảnh bom đạn, sợ mất đứa con duy nhất của mình, ban đầu bà Lựu nhất quyết không cho. Triển thuyết phục rằng: “Mẹ là nạn nhân bom mìn, nếm trải đủ đắng cay, khổ cực, hiểu được nỗi đau do bom mìn gây ra. Nay con tham gia tổ chức rà phá bom mìn góp phần làm sạch đất đai cho người dân để giảm bớt những nạn nhân như mẹ, làm cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Dần hồi, bà Lựu đồng ý và Triển được nhận vào làm nhân viên kỹ thuật thuộc đội MAG 4. Ba năm qua, Triển rong ruổi cùng đội MAG 4 đi rà phá bom mìn khắp các thôn, bản, làm sạch hàng ngàn ha đất, giúp người dân yên tâm hơn trên mỗi nhát cuốc, luống cày.

img

Những người tham gia các tổ chức rà phá bom mìn.

Cùng chung nguyện vọng như Triển, hơn 20 năm qua, hàng ngàn người, trong đó có cả phụ nữ thuộc nhiều tổ chức quốc tế có mặt ở Quảng Trị như PeaceTrees Vietnam, CPI (Mỹ), MAG (Anh), SODI (Đức), Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy tham gia rà phá bom mìn. Họ chính là những người hùng trong mắt mọi người khi dám đối mặt thần chết để giúp cuộc sống nhân dân an toàn, tốt đẹp hơn.

Đi tìm hạnh phúc

Hạnh phúc của những người tham gia các tổ chức rà phá bom mìn là mỗi ngày làm sạch được nhiều đất đai giúp người dân an toàn hơn. Còn hạnh phúc với những nạn nhân bom mìn đơn giản là tìm được tổ ấm cho mình, có cuộc sống ấm no. Câu chuyện tình cảm động của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Trung (46 tuổi, trú thôn Giang Xuân Hải, Trung Sơn, Gio Linh, Quảng Trị) làm lay động lòng người là một ví dụ.

Năm 1997, khi một nhóm trẻ em nghịch dại với quả bom phát nổ, khiến mảnh bom văng cắt cụt chân anh Trung. Từ đó, những suy nghĩ cuộc đời đen tối, chết chóc cứ bám lấy cuộc sống của anh. Cho đến năm 2000, như định mệnh ông trời bù đắp, anh Trung đã gặp và được chị Lê Thị Bốn (46 tuổi, quê ở quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) yêu thương. Thời điểm đó, anh Trung được một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đưa vào Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng điều trị. Còn chị Bốn đang chăm sóc em trai nằm chung phòng bệnh.

Nhìn thấy anh Trung đi lại khó khăn, chị Bốn thương cảm nên giặt quần áo, chăm sóc rồi yêu anh lúc nào không hay. Ngày chị Bốn đưa anh Trung về nhà ra mắt, gia đình phản đối kịch liệt vì sợ chị sẽ khổ khi làm vợ người thương tật.

Nhưng, tình yêu sâu đậm đã giúp chị có dũng khí vượt qua sự ngăn cấm, cả hai cùng vận động và cuối cùng được cha mẹ đồng ý. Bây giờ, đôi uyên ương Trung – Bốn đang vui vầy bên 3 người con, đó là món quà vô giá kết tinh từ tình yêu vượt qua nỗi đau bom đạn.

Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, người dân trong tỉnh luôn tâm niệm câu “Đừng than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” nên luôn cố gắng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, phấn đấu vì tương lai tốt đẹp hơn. Tỉnh luôn biết ơn những tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đã hỗ trợ, giúp đỡ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem