Những vụ quan chức tham nhũng gây rúng động

Phạm Hiệp Thứ năm, ngày 02/09/2021 14:48 PM (GMT+7)
Trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, có nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra xét xử, gây rúng động dư luận xã hội. Ở mỗi vụ án, tính chất, mức độ vi phạm của các bị cáo có khác nhau, nhưng tựu chung lại đều là sự thoái hóa, biến chất của những người từng là công bộc của dân.
Bình luận 0

Bản án tử hình đầu tiên về hành vi tham nhũng

Cách đây 71 năm, vào ngày 5/9/1950 tại thị xã Thái Nguyên (Thủ đô kháng chiến) Tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt xử một cựu Đại tá quân đội, Cục trưởng Cục Quân nhu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến. Cựu Đại tá quân đội đó chính là Trần Dụ Châu.

Trần Dụ Châu sinh năm 1906 tại Nghệ An. 24 tuổi, ông này làm thư ký cho Tòa sứ Pháp, viết báo. Năm 1932 làm nhân viên hỏa xa, đến năm 1945 làm kế toán quận Hỏa xa Bắc kỳ.

Trần Dụ Châu được nhận định là người khôn khéo, tháo vát, năng động. Năm 1945, Trần Dụ Châu được chính quyền cách mạng giao tập hợp cả ngàn tấn gạo, muối từ Hà Đông đưa lên Chiến khu Việt Bắc phục vụ quân đội.

1 năm sau, nhờ quá trình làm tốt việc cung cấp lương thực, quân trang cho bộ đội nên Châu được phong quân hàm Đại tá, giữ chức Giám đốc Nha Quân nhu, có nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất quân trang, được giữ trong tay rất nhiều tiền bạc.

Những vụ quan chức tham nhũng gây rúng động chính trường - Ảnh 1.

Báo Cứu quốc đưa tin Trần Dụ Châu ra Tòa án binh tối cao. (Ảnh tư liệu)

Có chức tước, địa vị và quyền hành trong tay, vị cựu Đại tá này đã dần thoái hóa, bộc lộ rõ là một người gian hùng, trác táng.

Trần Dụ Châu đã thâu nạp, dìu dắt Lê Sỹ Cửu (kém Châu 10 tuổi, đồng hương miền Trung) vào Nha Quân nhu để Cửu trở thành tay chân đắc lực của mình. Châu, Cửu, có thể nói là "thầy nào, trò ấy" khi đã gây ra một loạt những hành vi vi phạm, gây bức xúc trong dư luận thời bấy giờ.

Từ một bức thư của tố cáo của 1 Đại biểu Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để làm rõ các vấn đề liên quan đến Trần Dụ Châu.

Sau thanh tra, đoàn thanh tra đã kết luận, Trần Dụ Châu biển thủ 57.950 đồng Việt Nam và 449 đô la Mỹ, 28 tấm lụa xanh; nhận hối lộ 20 vạn đồng của Lê Sỹ Cửu; bán một số súng lục lấy tiền ăn chơi; giam giữ công nhân quân giới trái phép.

Với Lê Sỹ Cửu, kẻ tay chân của Châu đã biển thủ 1.500 tấm vải nội hóa trị giá 700.000 đồng; tham ô 40.000 đồng, lấy 560.000đ tính tăng vào giá vải mua cho bộ đội và 1.155 tấm vải trị giá 660.000 đồng; ăn hối lộ của bọn buôn vải và hối lộ Trần Dụ Châu; giả mạo con dấu của Nha Quân nhu để cấp giấy tờ cho bọn buôn lậu.

Giá gạo ở Thái Nguyên – Bắc Kạn năm 1950 là 50 đồng/một kg, còn chiến sĩ mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn, nói như vậy để thấy Trần Dụ Châu đã tham ô, tham nhũng lớn như thế nào.

Ngày xử án, Trần Sỹ Cửu vắng mặt vì ốm nặng. Căn cứ vào tài liệu điều tra, chứng cứ và diễn biến tại phiên tòa, Tòa tuyên Trần Dụ Châu phạm tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến, phạt tử hình, tịch thu ba phần tư tài sản.

Đối với Lê Sỹ Cửu, can tội biển thủ công quỹ, thông đồng với bọn buôn bán lậu giả mạo giấy tờ, tòa tuyên tử hình vắng mặt. Trần Dụ Châu sau đó làm đơn xin ân giảm, tuy nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin tha tội chết của vị cựu Đại tá. 6 giờ chiều hôm sau, Trần Dụ Châu được đưa ra trường bắn trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Tư pháp, Nha Công an, Cục Quân nhu và một số cơ quan.

Cựu Bộ trưởng và chuyện "xưa nay chưa từng có"

Từ câu chuyện ngày trước đến câu chuyện ngày nay, vào năm 2019, dư luận xã hội vô cùng bàng hoàng khi tiếp nhận thông tin, vị cựu Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thừa nhận đã nhận hối lộ đến 3 triệu USD (tương đương hơn 60 tỷ đồng).

Những vụ quan chức tham nhũng gây rúng động chính trường - Ảnh 2.

Cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận nhận hối lộ 3 triệu USD. (Ảnh: N.H)

Quá trình điều tra, xác định ông Nguyễn Bắc Son có liên quan đến vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Nhà chức trách cáo buộc ông Nguyễn Bắc Son cùng nhiều lãnh đạo MobiFone đã trực tiếp gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.600 tỷ đồng từ thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG do định giá quá cao, không có cơ sở.

Từ một công ty được thành lập vào năm 2008, 8 năm sau AVG và Mobifone ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG, giá trị thương vụ này là 8.889,8 tỷ đồng, hồ sơ của vụ mua bán được đóng dấu mật.

Trước khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra vào ngày 23/3/2018, 11 ngày trước đó, Mobifone và các cổ đông AVG ký thỏa thuận hủy hợp đồng. Mobifone nhận lại 8.889,8 tỷ đồng cộng tiền lãi và chi phí, các cổ đông AVG nhận lại 95% cổ phần và không phạt hợp đồng.

Tháng 5/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã vi phạm rất nghiêm trọng liên quan thương vụ mua AVG. Cuối tháng 2/2019, ông Nguyễn Bắc Son bị bắt để điều tra tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng". Ông này tiếp tục bị khởi tố tội "Nhận hối lộ" sau khi bị bắt.

Những vụ quan chức tham nhũng gây rúng động chính trường - Ảnh 3.

Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng bị đưa ra xét xử với tội "Nhận hối lộ". (Ảnh: BCA)

Cuối năm 2019, ông Son bị tòa sơ thẩm tuyên án 16 năm tù với tội "Vi phạm quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", chung thân tội "Nhận hối lộ", tổng hợp hình phạt là chung thân. Ông Son kháng cáo. Tại tòa phúc thẩm, sau khi ông Son thừa nhận việc nhận hối lộ 3 triệu USD, chủ tọa phiên tòa đã phải thốt lên, rằng chuyện "xưa nay chưa từng có". Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, y án chung thân với ông Son.

Cựu lãnh đạo tình báo "Nhận hối lộ"

Đầu tháng 8/2021, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng, truy tố Phan Văn Anh Vũ (SN 1975, TP.Đà Nẵng, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, cựu nhân viên Tổng cục Tình báo, Bộ Công an), Nguyễn Duy Linh (SN 1971, Tây Hồ, TP.Hà Nội, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo), Hồ Hữu Hòa (SN 1984, Quỳnh Lưu, Nghệ An, thầy phong thủy) ra trước Tòa án nhân dân TP.Hà Nội để xét xử.

Vũ bị truy tố tội "Đưa hối lộ", Hòa bị truy tố tội "Môi giới hối lộ" và vị cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo bị truy tố tội "Nhận hối lộ". Thông tin vị cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo nhận hối lộ nhiều tỷ đồng ngay lập tức đã khiến dư luận "dậy sóng".

Những vụ quan chức tham nhũng gây rúng động chính trường - Ảnh 4.

Phan Văn Anh Vũ bị cáo buộc hối lộ 5 tỷ đồng cho cựu lãnh đạo Tổng cục Tình báo. (Ảnh: TTXVN)

Cơ quan truy tố cáo buộc, do lo lắng bị xử lý về hành vi làm lộ, lọt tài liệu bí mật Nhà nước, sau khi được Hòa gợi ý, môi giới, Vũ đã chuyển 5 tỷ đồng cho Hòa để đưa cho Nguyễn Duy Linh để nhờ Linh giúp đỡ.

Sau khi nhận túi tiền, Hòa đã đưa túi tiền này cho 1 cán bộ cấp dưới của Linh, cán bộ này đã chuyển cho trợ lý của Linh để chuyển đến phòng làm việc của Linh.

Tài liệu truy tố thể hiện, kết quả điều tra xác định Linh đã nhận được túi tiền. Linh sau đó gọi điện thoại bằng phần mềm Viber nói cho Vũ biết việc Vũ có thể bị khởi tố, bắt giam và khuyên Vũ nên bỏ trốn.

Sau khi nhận được thông tin từ Linh, Vũ trốn sang Singapore, tuy nhiên sau đó bị bắt và di lý về Việt Nam.

Nguyễn Duy Linh bị cáo buộc ngoan cố, không khai nhận tội từ đầu, phủ nhận toàn bộ sự việc, nhưng khi Cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh, Linh mới thừa nhận có quen biết với Vũ, có nhận quà nhiều lần nhưng không thừa nhận là tiền.

Tuy nhiên, với kết quả điều tra của Cơ quan điều tra, đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của Nguyễn Duy Linh trong vụ án.

Ở diễn biến mới nhất, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu, các cơ quan tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử 5 đại án tham nhũng, kinh tế, trong đó có vụ ông Nguyễn Duy Linh bị truy tố về hành vi nhận hối lộ 5 tỷ đồng từ Phan Văn Anh Vũ như nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem