Ninh Bình: Sau sạt lở ở núi Vườn Già phải di dời, người dân Trường Yên vẫn chưa có nơi ở cố định

Vũ Thượng Thứ hai, ngày 16/05/2022 09:24 AM (GMT+7)
Gần 2 năm nay, khu vực sạt lở tại núi Vườn Già thuộc thôn Đông, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) chưa được khắc phục, nhiều gia đình phải đi ở nhờ hội trường thôn, thuê nhà trọ… rất vất vả.
Bình luận 0

Cả nhà ở nhờ hội trường thôn

Như Dân Việt đã thông tin, tháng 10/2020, mưa lớn ảnh hưởng của cơn bão số 7 đã gây ra tình trạng sạt lở đá tại núi Vườn Già (thôn Đông, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư). Ngọn núi đã bị hổng chân đá, dịch ra khỏi vị trí và nằm trên thế trượt xuống chân núi, nguy hiểm cho các hộ dân sống quanh chân núi.

Một gia đình 5 người ở thôn Đông (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) ở nhờ hội trường thôn chỉ rộng khoảng 15 m2

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho các hộ dân, khoảng 22 hộ dân sống thôn Đông, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) phải di dời khẩn cấp trong đêm.

Trong đó, nhiều hộ phải chuyển đến ở nhờ nhà người thân, nhờ tại hội trường thôn Đông (xã Trường Yên), đi thuê phòng trọ…để chờ các cơ quan chức năng xử lý.

Ninh Bình: Người dân sống gần núi Vườn Già bao giờ chuyển đến khu tái định cư mới - Ảnh 2.

Gia đình bà Lê Thị Thoa (thôn Đông, xã Trường Yên) hiện ở nhờ nhà hội trường thôn rộng khoảng 15 m2. Ảnh: Vũ Thượng

Bà Lê Thị Thoa (thôn Đông, xã Trường Yên) nói: "Gia đình tôi sống tại chân núi Vườn Già nhiều năm, khoảng tháng 10/2020, tại đây phát hiện một khối đá to lăn từ trên đỉnh núi xuống khiến người dân sống gần khu vực núi Vườn Già lo lắng".

"Một thời gian sau, phát hiện có tiếng động, tiếng nứt tách trên đỉnh núi, người dân kiểm tra thì thấy mỏm núi đá nứt toác dài hàng chục mét chỉ chực chờ rơi xuống chân núi", bà Thoa nói thêm.

Ninh Bình: Người dân sống gần núi Vườn Già bao giờ chuyển đến khu tái định cư mới - Ảnh 3.

Bà Thoa mong muốn gia đình sớm chuyển đến khu tái định cư mới để các con thuận lợi ăn học. Ảnh: Vũ Thượng

Cũng theo bà Thoa, sau khi chính quyền yêu cầu di dời, gia đình bà có 5 người phải chuyển đến ở nhờ hội trường thôn rộng khoảng 15 m2. 

Việc phải đi ở nhờ trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như việc học hành của các cháu nhỏ.

Ông Giang Đức Tuấn-Trưởng thôn Đông cho biết: "Sau khi nhận thông tin tại khu vực núi Vườn Già sạt lở nguy hiểm đến tính mạng người dân, chúng tôi báo lên xã Trường Yên và cùng các các hộ dân di dời khẩn cấp đồ đạc, vật dụng, gia súc…đến khu vực an toàn".

Ninh Bình: Người dân sống gần núi Vườn Già bao giờ chuyển đến khu tái định cư mới - Ảnh 4.

Hiện tại, thôn Đông còn 7 hộ dân đang phải đi ở nhờ, thuê nhà trọ do khu vực núi Vườn Già sạt lở năm 2020. Ảnh: Vũ Thượng

"Đồng thời, tiến hành cho rào chắn và lắp biển cảnh báo để người dân không qua lại khu vực này. Đầu năm 2021, sau khi khảo sát an toàn, chúng tôi đồng ý cho khoảng 15 hộ được trở về tại nhà cũ ở khu vực núi Vườn Già.

Dự án nằm trong vùng lõi di sản

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Minh Tường-Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết: "Tình trạng sạt lở ở khu vực núi Vườn Già đã ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của 22 hộ dân. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chúng tôi đã hỗ trợ giúp các hộ di dời đến nơi khác nhằm đảm bảo an toàn".

Ninh Bình: Người dân sống gần núi Vườn Già bao giờ chuyển đến khu tái định cư mới - Ảnh 5.

Khu vực núi Vườn Già bị sạt lở, nứt toác...cần sớm khắc phục. Ảnh: V T

"Trong thời gian chờ xử lý, chúng tôi cũng thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi động viên đối với các gia đình phải di dời đi nơi khác. Từ tháng 10/2020, huyện Hoa Lư đã hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà. Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay chưa thấy hỗ trợ gì", ông Nguyễn Minh Tường cho biết thêm.

Cũng theo ông Tường, tỉnh Ninh Bình chấp thuận vị trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng tại khu vực núi Vườn Già chuyển đến khu dân cư Ngòi Gai (xã Trường Yên). 

Tuy nhiên, khu tái định cư Ngòi Gai nằm trong vùng lõi di sản Quần thể danh thắng Tràng An, Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Ninh Bình đã trình lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Ninh Bình: Người dân sống gần núi Vườn Già bao giờ chuyển đến khu tái định cư mới - Ảnh 6.

Mặc dù, thôn Đông đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020, nhưng người dân vẫn phải đi ở nhờ, thuê trọ...Ảnh: Vũ Thượng

"Chúng tôi mong muốn dự án khu tái định cư Ngòi Gai sớm thực hiện, các hộ nằm trong diện di dời ở khu vực núi Vườn Già được yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế" - ông Trường cho hay.

Được biết, ngày 30/3/2022, HĐND tỉnh Ninh Bình ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xử lý khắc phục nguy cơ sạt, lở đá đe dọa đến tính mạng con người tại khu vực núi Vườn Già.

Trong đó, quy mô đầu tư sau điều chỉnh là đào hồ với diện tích khoảng 15.900 m2, kè hồ, xây mới tuyến đường quanh hồ, các công trình trên tuyến đường quanh hồ…Tiến độ thực hiện dự án, từ năm 2021-2022 là hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công; năm 2022-2023, thực hiện giải phóng mặt bằng, thi công các hạng mục và hoàn thiện dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem