Nông dân làm nên kỳ tích

Thứ tư, ngày 07/05/2014 07:29 AM (GMT+7)
80% trong số những người lính chiến đấu ở Điện Biên Phủ xuất thân từ nông dân; 100% dân công hỏa tuyến, các lực lượng phục vụ mặt trận là nông dân. Ở hậu phương, các gia đình chắt chiu từng hạt lúa gửi ra chiến trường...
Bình luận 0
Họ đã dốc toàn tâm, toàn lực đổ ra tiền tuyến để góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tổ quốc cần là lên đường

Thanh Hóa là tỉnh có đóng góp lớn nhất cả về sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tỉnh này có 18.900 thanh niên tham gia phục vụ chiến đấu từ các chiến dịch Biên giới, Hòa Bình, Trung du, Thượng Lào, Tây Bắc và đỉnh cao là Điện Biên Phủ. Hầu hết trong số đó là con em nông dân, dừng tay cày đi chiến đấu.

Đại đội dân công xe đạp thồ huyện Diễn Châu, Nghệ An phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại đội dân công xe đạp thồ huyện Diễn Châu, Nghệ An phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Trịnh Hùng Kế (81 tuổi, quê ở xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) tình nguyện viết đơn gia nhập TNXP cuối năm 1953. Ông là con thứ 3 trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất sớm, 2 chị của ông phải đi ở đợ để kiếm sống. Mới 11 tuổi, cậu bé Kế đã phải làm ruộng, bốc vác… Là con trai duy nhất trong gia đình nên ông không thuộc diện phải đi bộ đội, nhưng ông vẫn quyết tâm lên đường. Ông kể: “Thời điểm đó, hầu hết thanh niên lứa tuổi tôi đều là lao động chủ lực, làm ruộng, trồng rừng, bốc vác... Nhưng khi Tổ quốc cần, chúng tôi đều gác việc nhà. Nhiều người thấp bé nhẹ cân cũng xin đi. Cứ đủ 200 người thành lập một đại đội, sau khi thành lập xong có 3 ngày chuẩn bị để chỉnh đốn đội ngũ…”.

Nông dân Thanh Hóa được biên chế thành 10 đại đội, đêm 24.12.1953, Đại đội 298 của ông Kế được lệnh hành quân từ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) lên Hồi Xuân, La Hán theo đường 15 ra Suối Rút, đường 41 ngược lên Sơn La. Mỗi TNXP như ông Kế thời điểm đó phải mang khoảng 20-30kg hàng, đi đêm. Sau khi giao hàng tại T100, Đại đội 298 được phân công đóng chốt tại địa điểm cách Điện Biên Phủ khoảng 200km, với nhiệm vụ hết sức nặng nề: Nhận hàng từ hậu phương đến, bốc hàng chở đi phục vụ cho tiền tuyến; đồng thời phải làm đường, sửa đường, bảo vệ đường, chặt cây, lấy cỏ… để ngụy trang đảm bảo bí mật. Sau này, ông Kế làm tiểu đội trưởng, trưởng ban học tập của C298.

Cùng với nông dân Thanh Hóa, nông dân các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái… cũng dốc toàn lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ngày tháng 4, 5.1954, các cung đường tới Điện Biên Phủ thường xuyên có hơn 260.000 dân công, TNXP bất chấp bom đạn hướng về Điện Biên đảm bảo hậu cần phục vụ chiến dịch.

Chỉ bằng những đôi tay và cuốc, xẻng… trong một tháng, những người nông dân - nay đã ở vị trí bộ đội và TNXP đã làm được khối lượng công việc khổng lồ. Đặc biệt là làm con đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ dài 82km. Trước đây, đường chỉ rộng 1m, thời điểm này được mở rộng và sửa sang cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên 15km.

“Úy lạo” tinh thần người lính - nông dân

Chính vì lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là nông dân nên trước và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác hậu phương quân đội, chăm sóc các gia đình nông dân được thực hiện triệt để. Ông Phạm Ngọc Bổng ở làng Đền, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, vừa cùng hơn 20 cựu chiến binh ở tỉnh này từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trở lại thăm chiến trường xưa. Ông kể: Năm 1952, ông là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 671 (Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316). Trung đoàn 174 là đơn vị đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị quân đội bước vào đợt sinh hoạt chính trị lớn. “Tôi nhớ như in khi nghe những buổi tố khổ, anh em trong đơn vị kể gia đình họ không có đất đi làm thuê khổ thế nào. Nghe kể chuyện nhiều anh em đã khóc, giữa đêm cả khu rừng chỉ nghe thấy tiếng khóc thút thít. Khi nghe tin ở nhà được chia ruộng, anh em vui mừng khôn xiết, ai nấy đều hăng say luyện tập chuẩn bị xung trận. Một khí thế mới tràn ngập khắp các đơn vị” - ông Bổng bồi hồi.

Cũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nông dân đã đóng góp đáng kể lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Tại các khu vực ngoại vi Điện Biên Phủ có các kho hàng. Bà Nguyễn Tuyết Vân (SN 1936, hiện ở quận Tây Hồ, Hà Nội) nhớ lại, những “kho” hàng ấy là những cái lán dựng ở bãi đất trống, hàng thì huy động tại chỗ của các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái... Đồng bào góp được 10.000 tấn thóc nếp (xay giã được 7.000 tấn gạo) và hàng trăm tấn thực phẩm các loại.

Cựu chiến binh Thế Kiên (Hồi Xuân, Thanh Hóa) kể, thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa cung cấp cho chiến dịch 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 20.000 lọ mắm, kem đặc thơm (đóng trong lọ thủy tinh), 150 tấn đậu các loại và hàng trăm tấn rau xanh. “Mà gay go nhất là vào thời điểm giáp hạt (tháng 5) lúa trong kho đã cạn, lúa ngoài đồng thì chưa chín nhưng tỉnh ủy đã động viên nhân dân các huyện ra đồng ruộng, lẩy từng bông lúa đã chín trước. Ấy thế mà cũng đóng góp vượt chỉ tiêu với 5.000 tấn thóc cung cấp kịp thời cho bộ đội”- ông Thế Kiên nói.

Trong chiến dịch, các loại thực phẩm khô (vừng, đỗ, lạc), thịt ướp muối, dưa muối… được gửi lên mặt trận. Nhân dân Tây Bắc vừa được giải phóng, đời sống còn thiếu thốn nhưng cũng đã huy động được 7.311 tấn gạo, 389 tấn thịt… Do bữa ăn được cải thiện, vệ sinh phòng dịch thực hiện có nền nếp nên sức khỏe của bộ đội đáp ứng yêu cầu chiến đấu liên tục.
Trung tướng Nguyễn Vĩnh Phú - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

Những dân công- nông dân đã anh dũng bám giữ mặt đường trong suốt thời gian chiến dịch, vận tải lương thực, tải thương… Tính trung bình, mỗi dân công đã phục vụ 100 ngày công. Một số lớn đã phục vụ suốt chiến dịch kéo dài 6-7 tháng trong điều kiện khó khăn gian khổ về mọi mặt.
Đại tá Hoàng Thị Thảo - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử quân sự dân tộc, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam


Hoài Thu - Lương Kết- Thế Kiên (Hoài Thu - Lương Kết- Thế Kiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem