Trước đó, ông phải chạy thận nhiều năm qua, sức khỏe dần dần suy yếu, ảnh hưởng đến phổi và tim.
Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền, là một võ sư từng được xếp vào nhóm "Nam Kỳ tứ tú" (4 ngôi sao sáng xứ Nam Kỳ) ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Ông nổi tiếng với chiêu "Liên hoàn bát cước" (Tung người đá 8 cước trên không) và từng thách đấu công khai với huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long.
Ông là võ sư chưởng môn của lò võ Huỳnh Tiền có danh tiếng ở Sài Gòn từ thời Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam, từng đào tạo ra nhiều võ sĩ thượng đài với các võ sĩ người Pháp, người Mỹ, người Thái, người Miên... Ông cũng đồng thời là một diễn viên và nhà sản xuất điện ảnh, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Ông là cha của diễn viên Lý Hùng, Lý Hương.
Lý Huỳnh sinh năm 1942 tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình người Hoa giỏi võ. Ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định, và quyền Anh với các võ sư Hai Yến, Huỳnh Đạt Dân, Huỳnh Tiền.
Từ năm 1957 đến 1964, Lý Huỳnh thượng đài 6 trận về quyền anh và thắng 3 trận, trong đó có trận đấm ngã đối thủ Lyauté Francoise, võ sĩ vô địch quân đội Pháp và các trận thắng võ sĩ nổi tiếng Anh Thạch, Mạch Trung Phương vô địch 6 tỉnh miền Trung.
Năm 1965, ông bắt đầu mở trường dạy võ, và từ đây đã đào tạo nhiều võ sĩ giỏi với tên gọi bắt đầu bằng hai từ "Lý Huỳnh", như: Lý Huỳnh Cường, Lý Huỳnh Yến…
Năm 1973, ông công khai thách đấu với Lý Tiểu Long trên truyền hình, tuy nhiên Lý Tiểu Long chưa kịp nhận lời thì đã qua đời sau đó không lâu.
Từ năm 1972 đến năm 1989, Lý Huỳnh tham gia đóng phim Việt Nam và trở thành người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh Việt Nam thành công. Lý Huỳnh quan niệm rằng đóng phim võ thuật không có nghĩa là chỉ biểu diễn các màn võ đơn điệu, mà diễn viên còn phải biết đi sâu vào tính cách, tâm lý nhân vật. Bởi vậy, trước khi diễn ông luôn nghiên cứu kỹ tính cách nhân vật, quan sát những mẫu người thật ở ngoài đời, hoà trộn với bản ngã, tài năng để làm vai diễn trở nên sống động. Các bộ phim có sự tham gia của Lý Huỳnh mở đầu với Long hổ sát đấu và sau đó là Quái nữ Việt Quyền Đạo, Báu kiếm rửa hận thù, Hải vụ 709…
Đóng phim ở miền Nam từ trước năm 1975 nhưng nghệ sĩ Lý Huỳnh thực sự trở thành nghệ sĩ diễn xuất từ những vai diễn của điện ảnh cách mạng. Ông luôn nói rằng mình mang ơn điện ảnh cách mạng, mang ơn những người làm điện ảnh cách mạng như cố đạo diễn Khương Mễ, cố đạo diễn - NSND Hải Ninh, cố đạo diễn - NSND Hồng Sến, NSND Huy Thành… đã cho ông cơ hội đổi thay số phận.
Bắt đầu bằng vai đại tá Hoàng - sĩ quan quân đội Sài Gòn trong phim Cô Nhíp, thực hiện năm 1976, tên tuổi ông được biết đến.
Tiếp đó là một loạt vai phản diện sĩ quan cấp tá, tướng của chế độ Sài Gòn trong những phim đề tài chiến tranh cách mạng được giao cho ông như chuẩn tướng Bách (phim Đứa con bị từ chối), Long “râu” (phim Con mèo nhung), thiếu tá Y Vế (phim Ngọn lửa Krông Jung), đại úy Long (phim Mùa gió chướng), đặc biệt là vai trung úy Xăm gian ác (phim Hòn đất). Vai diễn nào ông cũng lột tả chân thực nhân vật.
Trong nhiều vai phản diện ông đã hóa thân, có không ít vai đã giúp ông giành huy chương bạc tại các kỳ liên hoan phim Việt Nam thời đó như đại tá Hoàng (Cô Nhíp), Đinh “Ba búa” (Mối tình đầu), đại úy Long (Mùa gió chướng), trung úy Xăm (Hòn đất),…
Đến lão nông Hai Lúa trong phim Vùng gió xoáy của NSND Hồng Sến, Lý Huỳnh trở thành nghệ sĩ tài hoa bấy giờ. Vai diễn chính diện đầu tiên làm nức lòng người hâm mộ điện ảnh, đoạt giải Bông sen vàng Diễn viên xuất sắc nhất Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI. Hình tượng Hai Lúa của Lý Huỳnh đã in sâu trong đời sống xã hội và cái tên Hai Lúa trở thành danh từ cửa miệng của mọi người để chỉ người nông dân chân chất, thật thà nhưng bộc trực, thẳng thắn vùng quê Nam Bộ. Sau Hai Lúa, nghệ sĩ Lý Huỳnh còn có thêm vai diễn chính diện rất ấn tượng nữa là ông Hai Cũ trong bộ phim cùng tên.
NSND Lý Huỳnh nói trong số hơn 50 phim đã đóng, ông thích nhất 4 vai diễn là ông trùm “Ba búa” trong phim Mối tình đầu (đạo diễn Hải Ninh), ông Hai Cũ, đại úy Long và đặc biệt là Hai Lúa.
Khi điện ảnh Việt Nam thời bao cấp bắt đầu gặp khó khăn, ông là nghệ sĩ đầu tiên đầu tư vốn làm phim. Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm, Phạm Công - Cúc Hoa, Nước mắt học trò đã tạo nên cơn sốt vé của phim Việt Nam thời kỳ đầu bước vào kinh tế thị trường. Ông trở thành chủ hãng phim tư nhân nổi tiếng ăn khách những năm thập niên 1990.
Thông qua những mối quan hệ thân tình trong thế giới điện ảnh Hoa ngữ, ông đã thực hiện được nhiều phim hợp tác với điện ảnh Hong Kong, Đài Loan, như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99 - Lưới trời lồng lộng,… mang đến cho điện ảnh Việt làn gió mới, cho khán giả điện ảnh những kỳ vọng mới.
Ông cũng đóng góp cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long bộ phim Tây Sơn hào kiệt về vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long bằng tiền túi 12 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.