NSND Thu Hiền: "Nhiều lần hát trong nghĩa trang liệt sĩ, tôi cảm giác ai đó nắm tay"
NSND Thu Hiền: “Hát trong nghĩa trang liệt sĩ, tôi cảm giác như ai đó đang nắm lấy tay mình”
Hà Tùng Long
Chủ nhật, ngày 01/05/2022 07:30 AM (GMT+7)
“Có những lần tôi hát mà có cảm giác như ai đó đang nắm lấy tay mình, vừa hát mà vừa nổi gai óc rồi nước mắt cứ thế trào ra”, NSND Thu Hiền chia sẻ kỷ niệm khi hát trong nghĩa trang liệt sĩ.
Đã ở vào tuổi 70 nhưng ký ức về những năm tháng lăn lộn trên các chiến trường, bất chấp hiểm nguy, vượt lên gian khó… để mang tiếng hát phục vụ cho các chiến sĩ, thanh niên xung phong thì vẫn còn rõ mồn một trong NSND Thu Hiền. Nhân dịp 30/4, NSND Thu Hiền đã dành cho báo Dân Việt một cuộc chia sẻ đầy xúc động.
Vào những dịp 30/4, NSND Thu Hiền có thường hay nhận được những lời mời hát lại những ca khúc truyền thống cách mạng, những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của bà từ những ngày mới đi hát?
Ngày Giải phóng miền Nam (30/4) là ngày trọng đại của đất nước Việt Nam, ghi nhớ một mốc son chói lọi trong việc thống nhất đất nước, người dân ba miền hòa chung một bài ca. Vào những năm trước đây, hễ cứ đến dịp này, tôi nhận được rất nhiều lời mời tham gia các chương trình kỷ niệm ở khắp nơi. Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ…
Tôi cũng cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được nhiều ban tổ chức tin tưởng mời hát những ca khúc đi cùng năm tháng. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do dịch Covid-19 kéo dài nên các chương trình không thể diễn ra như mong muốn.
Năm nay, tôi cũng nhận được một lời mời tham gia chương trình truyền hình trực tiếp, kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam – thống nhất nước nhà của bên đài truyền hình.
Tôi hy vọng một điều rằng, thế hệ chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, bây giờ để các em trẻ được tham gia. Đây cũng là cơ hội để các em trẻ được sống gần với lịch sử dân tộc, được cùng các thế hệ đi trước hồi ức lại không khí tự hào của ngày toàn thắng và cất lời ca tri ân ông cha đã hy sinh trong cuộc chiến vĩ đại. Bên cạnh đó, các em cũng sẽ góp những gương mặt mới – giọng hát mới cho chương trình. Tôi nghĩ đó là điều rất đáng nên làm.
Trong số những ca khúc gắn liền với NSND Thu Hiền ở chặng đường dài sự nghiệp, những ca khúc nào bà thường được đề nghị biểu diễn trong những dịp 30/4?
Các ca khúc mà chúng tôi đã biểu diễn trong nhiều năm tháng đã qua, mỗi ca khúc đều gắn với những giai đoạn, đều đi theo những dấu mốc của dân tộc và bước chân hành quân. Không có bài nào hay nhất, nhớ nhất hoặc đặc biệt nhất. Nhưng vào những dịp 30/4, khi cả đất nước đều hân hoan kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam thì ca khúc tôi thường được đề nghị hát nhiều nhất là "Bài ca thống nhất".
Nhiều người cứ hỏi tôi là kỷ niệm nhớ nhất khi nhắc đến "Bài ca thống nhất" là gì thì tôi không thể kể hết ra được bởi nó quá nhiều. Tôi gắn bó với bài hát này mấy chục năm liền chứ có phải ít đâu. Nhưng có lẽ, kỷ niệm sâu sắc nhất trong lòng khán giả có lẽ chính là hình ảnh, giọng hát và phong thái biểu diễn của tôi khi thể hiện ca khúc. Đó chính là những nét riêng để người ta nhận ra giọng hát Thu Hiền khi bước lên sân khấu.
Thế hệ của chúng tôi, ai đến với nghệ thuật cũng bằng trái tim và một bầu nhiệt huyết. Bây giờ, giới biểu diễn mới có nhiều vấn đề gây bàn cãi chứ thế hệ chúng tôi chỉ một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ và cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Bây giờ chúng tôi còn được đứng trên sân khấu để biểu diễn, được khán giả nhớ tới và trao gửi nhiều yêu thương, đó là hạnh phúc lớn lao lắm. Dĩ nhiên, thế hệ chúng tôi cũng phải làm nghề thế nào và giữ gìn hình ảnh ra sao thì mới có được sự bền bỉ như thế. Tôi năm nay 70 tuổi mà gắn bó với âm nhạc 60 năm liền không nghỉ. 60 năm là đã đi qua biết bao nhiêu dấu mốc, bao nnhiêu sự kiện lịch sử.
Chắc hẳn đến bây giờ, NSND THu Hiền vẫn không thể nào quên được những tháng năm cùng đồng nghiệp lặn lội vào chiến trường Trường Sơn ác liệt để mang tiếng hát phục vụ các chiến sĩ, thanh niên xung phong?
Nói đến kỷ niệm ngày đó thì nhiều lắm bởi mỗi một ngày đi là một ngày kỷ niệm. Ngày xưa, hành quân là chỉ biết hành quân, không biết mình sẽ đi vào miền Trung hay miền Nam. Chúng tôi đi buổi tối, không thể biết xung quanh mình có những ai với ai nên khi đi giữa rừng sâu, cứ giơ tay lên ra hiệu với nhau "Hà Nội đây", "Hà Nam đây", "Hải Phòng đây", "Tuyên Quang đây", "Nghệ Tĩnh đây"… để bắt tay nhau. Tôi cũng giơ tay lên "Thái Bình đây" nhưng không có ai bắt vì lúc đó tôi bé quá, tay không giơ được lên cao nên mọi người không nhìn thấy. Đó là "nỗi buồn" đầu tiên của tôi khi vào chiến trường.
Một kỷ niệm nữa là mỗi lần chúng tôi đi qua phà, văn công được ưu tiên hát cho các thương binh từ chiến trường ra và lúc nào tôi cũng được công kênh lên đầu tiên để hát cho thương binh. Một người tôi cũng hát, hai người cũng hát.
Rồi hát trong địa đạo, chúng tôi hát dưới ánh đèn măng-xông, hát bằng ống bơ lấy từ chiến lợi phẩm thu được trên chiến trường, mỗi lần hát thì tiếng vang ra. Rồi những năm tháng đó, thuốc gây tê rất hiếm nên mỗi khi có kíp mổ cho thương binh, chúng tôi lại vào hang đá hát cho thương binh nghe để họ bớt đau đớn. Cứ vớ được câu gì là hát câu đấy, đang hát lại phải dừng lại lấy tay lay lay người thương binh: "Anh ơi! Anh mở mắt nghe em hát này".
Rồi có những lần hát bên kia bờ sông thành cổ Quảng Trị bằng loa bóp. Buồn cười cái là nhiều khi say sưa hát thì quên bóp nên loa lại không phát tiếng, mà để tâm vào bóp loa thì lại quên hát.
Những năm tháng ấy, những kỷ niệm ấy luôn sống mãi trong ký ức và tâm thức của tôi. Thời đó, vũ khí chiến đấu của chúng ta vẫn rất thô sơ, thiếu thốn… nhưng ý chí và nghị lực thì rất đỗi phi thường.
Sau này, có dịp nào bà được hát trong các nghĩa trang liệt sĩ, hát cho chính đồng đội mình năm xưa đã ngã xuống trong chiến trường?
Có chứ, tôi hát rất nhiều là đằng khác. Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Bình Phước… Có những lần tôi hát mà có cảm giác như ai đó đang nắm lấy tay mình, vừa hát mà vừa nổi gai óc rồi nước mắt cứ thế bộc trào ra. Đó là những khoảnh khắc thiêng liêng vô cùng. Nhiều khi, chỉ cần cất tiếng lên: "Đồng đội ơi… Anh em ơi" là lại nghẹn ngào không thể hát nổi.
Tôi đã quay trở lại Quảng Trị không biết bao nhiêu lần. Ở đó có xương máu của em trai tôi, hy sinh ở thành cổ Quảng Trị. Rồi mỗi lần xe đi qua miền Trung, tôi lại không thể nào ngăn được những dòng ký ức xưa hiện về. Cả tuổi trẻ của tôi xuôi ngược trên con đường ấy, vùng đất ấy. Không có những củ khoai, củ sắn, không có những người dân nơi ấy che chở thì tôi cũng đã vùi sâu dưới lòng đất lạnh rồi.
Bây giờ đất nước đã có nhiều đổi thay nên cảnh vật không được như xưa, người xưa cũng thưa thớt dần. Cách đây mấy hôm tôi có việc về Hà Tĩnh. Về đây, tôi không hát "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh" nữa mà hát "Hà Tĩnh mình thương". Câu ca là tình cảm của tôi nhưng cũng để nói lên sự đổi thay của đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.