"Núi nợ" trái phiếu 51 tỷ USD, đại biểu lo còn ông lớn nào như Tân Hoàng Minh không?

An Linh Thứ tư, ngày 08/06/2022 18:01 PM (GMT+7)
Trước quy mô vốn lên đến gần 51 tỷ USD, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa bày tỏ lo ngại khoản nợ khổng lồ từ nợ do phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp có thể gây vấn đề đối với thị trường và nền kinh tế.
Bình luận 0

"Núi nợ" trái phiếu 51 tỷ USD có gây lo ngại?

Tại nghị trường Quốc hội chiều 8/6, trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) chỉ ra trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 sẽ đạt 25% GDP, nhưng tới cuối năm 2021 quy mô hơn 15% GDP, tức gần 51 tỷ USD.

"Nếu so với năm 2018 quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng 3 lần, phải chăng quản lý của chúng ta đã buông lỏng, cảnh báo vừa qua của Bộ trưởng (Bộ Tài chính) không hiệu quả?", đại biểu Nghĩa đặt vấn đề.

"Núi nợ" trái phiếu 51 tỷ USD, còn ông lớn nào như Tân Hoàng Minh không? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội lo ngại vấn đề phát sinh nợ trái phiếu 51 tỷ USD (Ảnh minh hoạ - VOV).

Ông "Nghĩa cho rằng: Cần giải pháp quản lý để 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng trong nhà đất những năm trước đây, ngoài ra cần giải pháp cho tương lai".

Trấn an đại biểu trước câu hỏi từ trước đến nay có trường hợp nào trái phiếu doanh nghiệp không đảo nợ, không trả nợ được không, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: "Chỉ có trường hợp của Tân Hoàng Minh là không trả được nợ, còn lại các doanh nghiệp đến hạn là trả được nợ. Tức là dòng vốn vẫn trung chuyển và được trả bình thường".

Theo ông Phớc, về phát hành trái phiếu riêng lẻ, với vai trò là cơ quan hành pháp, phải thực hiện theo đúng luật pháp là Luật chứng khoán và nghị định 53. 

Do đó, trong phát hành trái phiếu riêng lẻ, cơ quan nhà nước đều không cấp phép, cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp phát hành và vay trả, không can thiệp vào doanh nghiệp. Luật chứng khoán cũng không đưa ra điều kiện phát hành… Việc xử lý những vụ việc vừa qua là do phát hành không đúng quy định.

Bộ trưởng Phớc cho biết thị trường chứng khoán đang có bước phát triển tốt, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2021 khoảng 26%. Đối với thị trường cổ phiếu, năm 2021, giao dịch đạt gần 7,7 triệu tỷ đồng, chiếm 92% GDP và tăng 46,7% so với năm 2020. 

Về trái phiếu doanh nghiệp, Bộ trưởng Phớc thông tin hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tương đương 15% GDP. Bộ trưởng Phớc cho biết thị trường chứng khoán của Việt Nam còn non trẻ, mới chỉ 22 năm, nhưng có nhiều tín hiệu tích cực, trong khi các nước tiên tiến đã có trên 500 năm.

"Hiện nay quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mới chỉ chiếm 15% GDP, so với mục tiêu chiến lược đặt ra năm 2025 phải đạt được 20%, 2030: 25% thì vẫn còn trong khoảng cho phép. So với các nước xung quanh, quy mô trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang ở mức thấp nhất, vẫn còn dư địa", ông Phớc cho biết.

Theo báo cáo các nhóm vấn đề chất vấn lĩnh vực Tài chính, Bộ Tài chính gửi Quốc hội, trong năm 2021 cả nước có 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thì có đến 57 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ và 45 doanh nghiệp có số nợ gấp 10 lần vốn chủ sở hữu và 10 doanh nghiệp có tỷ lệ phát hành trái phiếu gấp 5 lần vốn chủ sở hữu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem