Nuôi 25.000 con tôm ở ruộng nhiễm mặn, vì sao lại phải bẻ càng?

Nguyễn Tân (TT KNQG) Thứ tư, ngày 05/02/2020 19:07 PM (GMT+7)
Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp vùng chuyển đổi của tỉnh Trà Vinh có bước phát triển khá, đời sống người dân được cải thiện đáng kể do nông dân ý thức và tự giác áp dụng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Điển hình như mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bẻ càng của hộ ông Đỗ Văn Bằng ở ấp Cồn Phụng, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Bình luận 0

Gia đình ông Đỗ Văn Bằng chuyên sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản. Qua tìm hiểu đó đây và sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà khoa học, ông đã tận dụng diện tích đất đào ao nuôi tôm càng xanh xen tôm sú. Vụ rồi, gia đình ông thả nuôi trên 50.000 con tôm sú. Sau hơn 4 tháng nuôi, ông thu hoạch tôm sú bán được trên 80 triệu đồng.

img

Gia đình ông Bằng thực hiện bẻ càng tôm càng xanh.

Hiện, gia đình thả nuôi trên 25.000 con tôm càng xanh toàn đực trên diện tích 1 ha tại vùng có độ mặn thấp. Trong quá trình sản xuất, ông đã chuẩn bị chu đáo những kỹ thuật cơ bản như: Chuẩn bị ao, kiểm tra các yếu tố môi trường, thả giống trong ao ương, sau đó sang qua ruộng nuôi.

Có thể nói mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực phù hợp với vùng chuyển đổi có độ mặn thấp, chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh, giảm rủi ro, thu nhập khá, điều quan trọng là tôm có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh. Được biết, vụ năm trước cũng từ con tôm càng xanh toàn đực, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.

Điểm mới của mô hình này là áp dụng kỹ thuật bẻ càng cho tôm càng xanh. Sau khi thả nuôi từ 60 - 75 ngày có thể tiến hành bẻ càng. Vì sao phải bẻ càng cho tôm càng xanh?: Tác dụng của việc bẻ càng tôm càng xanh  nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, tôm phát triển đồng đều, giảm tỷ lệ hao hụt, đạt giá bán cao. Tuy nhiên, việc bẻ càng phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật: vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên.

Việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, cùng với việc đầu tư phát triển sản xuất đúng mức sẽ tạo ra các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao hiệu quả của mô hình nuôi, tăng thu nhập cho nông dân. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh, khai thác tốt nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem