Nuôi ốc nhồi dày đặc trong ao, một gia đình nông dân Ninh Bình lãi 300 triệu đồng/năm
Nuôi ốc nhồi dày đặc trong ao, một gia đình nông dân Ninh Bình lãi 300 triệu đồng/năm
Vũ Thượng
Thứ hai, ngày 15/08/2022 19:15 PM (GMT+7)
Trong tổng diện tích gần 3 ha đã chuyển đổi, ông Phạm Văn Lâm (53 tuổi, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh) thiết kế riêng 8 ao (3 sào) để nuôi con ốc nhồi, trên cạn ông Lâm còn trồng cây mướp, đu đủ…cho ốc ăn để mỗi năm gia đình lãi 300 triệu đồng.
Con ốc nhồi trước đây thường sinh sống rất nhiều tại đồng ruộng, ao hồ, nhưng hiện nay do ảnh hưởng của môi trường số lượng ốc nhồi trong tự nhiên đang ngày càng khan hiếm.
Clip mô hình nuôi con ốc nhồi của nông dân Ninh Bình lãi 300 triệu đồng/năm
Bên cạnh đó, con ốc nhồi đang là một loại thực phẩm được ưa chuộng trên thị trường. Đặc biệt, con ốc nhồi (hay còn gọi là ốc bươu ta, ốc bươu đen) phát triển rất nhanh, có sức đề kháng tốt, hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Văn Lâm (53 tuổi, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh) đã xin chuyển đổi diện tích gần 3 ha để làm mô hình. Trong đó, thiết kế riêng 3 sào nuôi con ốc nhồi bán giống, thương phẩm để làm giàu và mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho địa phương.
Ông Lâm chia sẻ với phóng viên Dân Việt: "Tôi có tổng diện tích 3ha, chủ yếu đào ao thả cá trắm, chép, nuôi con lươn, ốc, trồng cây ăn quả…Đối với con ốc nhồi, tôi trồng cây đu đủ quanh ao nhằm tạo bóng mát, quả, lá trực tiếp cắt xuống làm thức ăn cho con ốc nhồi ăn hằng ngày".
Cũng theo ông Lâm, để phân biệt con ốc nhồi với các loại con ốc khác dựa vào các đặc điểm sau: "Vỏ con ốc nhồi thường có vỏ mỏng, nhẵn, bóng, có màu đen hoặc vàng hanh, màu của ốc cũng có thể phụ thuộc vào nguồn nước".
Để nuôi con ốc nhồi thành công dựa vào rất nhiều yếu tố, có nhiều người nuôi được mấy tháng lại chết trắng, thậm chí ốc gần ngày bắt bán cũng chết, và có khi nuôi ốc mãi không thấy lớn…nên chán mà bỏ cuộc.
Kỹ thuật nuôi con ốc nhồi thành công
Trước khi tiến hành nuôi con ốc nhồi, bà con nông dân cần chuẩn bị ao nuôi. Đối với ao nuôi cần được nạo vét sạch và xử lý ao trước khi nuôi con ốc để tránh không bị ô nhiễm nguồn nước.
Đồng thời, xử lý các loại địch hại như: Cá trắm đen, chuột…Ngoài ra còn có thể dùng vôi, mật rỉ đường để bón cho ao nuôi ốc nhồi nhằm trung hòa lượng pH.
Sau khi xử lý ao nuôi, tiến hành chọn con ốc nhồi giống cần đảm bảo khỏe mạnh, chất lượng tốt…cơ sở ươm giống phải uy tín. Lưu ý, phần ngoài vỏ ốc giống không bị sứt, dập cũng như phần đỉnh vỏ cần có màu tươi sáng. Kích thước con giống khoảng 0,4-0,6g/con.
"Mật độ thả ốc 5 m2 thì thả khoảng 1.000 con ốc giống. Ốc nhồi sống trong môi trường nước ngọt không bị nhiễm mặn. Nhiệt độ thích hợp để ốc sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh là từ 22-30 độ C", ông Lâm chia sẻ.
Mực nước lý tưởng của ao nuôi ốc nhồi khoảng 1 mét. Con ốc nhồi thường tập trung ở một số khu vực nhất định, do đó khi thiết kế ao nuôi bằng cách tạo địa hình có độ nông sâu khác nhau nhằm thuận tiện trong việc chăm sóc, theo dõi con ốc nhồi.
Theo ông Lâm, thức ăn cho con ốc nhồi thường là các loại rau xanh, bèo, ngũ cốc…Ốc nhồi có tập tính vừa sống nổi vừa sống đáy, di chuyển chậm và thường phân bố không đều trong ao nuôi. Vì thế cần cho ăn ở nơi ốc tập trung giúp ốc có thể bắt mồi một cách nhanh nhất, tránh tình trạng để dư hoặc thiếu thức ăn một cách cục bộ.
Con ốc nhồi sau khi nuôi từ 3-4 tháng đạt trọng lượng thương phẩm 25-30 con/kg thì có thể tiến hành thu hoạch. Nên thu hoạch ốc trước mùa đông. Sau khi thu tỉa ốc to, ta có thể thả bù ốc nhỏ. Nếu thu hoạch toàn bộ thì sau khi dùng thuyền để thu, số ốc còn lại trong ao có thể tháo cạn nước ao.
Hiện tại, ông Lâm đang bán ốc nhồi thương phẩm cho thương lái từ 70.000-80.000đồng/kg, trừ mọi chi phí gia đình ông Lâm thu về 300.000.000 đồng/năm. Ngoài ra, ông Lâm còn tạo công việc cho 2-3 lao động thời vụ với mức lương 6.000.000 đồng/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.