Phụ huynh Hà Nội bức xúc trường "ép" học sinh không thi vào lớp 10 vì sợ ảnh hưởng thành tích
Phụ huynh bức xúc việc trường "ép" học sinh không thi vào lớp 10 vì sợ ảnh hưởng thành tích
Tào Nga
Thứ hai, ngày 24/04/2023 13:36 PM (GMT+7)
Chị Hoa chưa bao giờ nghĩ chuyện giáo viên gây áp lực không cho học sinh thi vào lớp 10 lại xảy đến với chính con mình và cho rằng căn bệnh thành tích quá đáng sợ.
Nhà trường "ép" không cho học sinh đăng ký thi vào lớp 10
Trao đổi với PV báo Dân Việt, chị Lê Hồng Hoa, phụ huynh có con học lớp 9 trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội bức xúc chia sẻ: "Năm nào tôi cũng nghe có hiện trạng nhà trường, cô giáo gọi phụ huynh nói chuyện và bảo viết đơn xin không thi cấp 3. Thế nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày con mình nằm trong trường hợp này. Quá bất công với các con.
Tại sao cứ đẩy con ra các trường dân lập và các trường đó được chỉ định? Tại sao giáo dục lại không cho các con thi trong khi các con có quyền được thử sức? Học sinh trung bình và kém chút không cho thi chẳng lẽ đây là kỳ thi của học sinh khá giỏi? Tại sao trường lại phải chạy theo thành tích bề nổi phải là 100% đỗ cấp 3?".
Chị Hoa cho biết thêm, học lực của con của chị ở mức trung bình, không quá nổi trội như các bạn khác. Tuy nhiên, con luôn cố gắng mỗi ngày và thời gian gần đây có đi ôn luyện để thi vào lớp 10.
"Bao nhiêu kỳ vọng, háo lức của con bỗng nhiên vỡ tan khi ở trên lớp cô giáo luôn tư vấn con không đủ khả năng thi vào lớp 10, ở nhà, các cô liên tục gọi điện cho bố mẹ ký tên vào đơn không đăng ký thi. Nhà trường còn "chỉ định" hẳn tên một trường tư thục hoặc một trường dạy nghề bảo con vào đó học. Nhưng các cô và nhà trường không hề bận tâm đến hoàn cảnh gia đình của học sinh.
"Hãy bỏ ngay việc thống kê tỉ lệ học sinh đỗ vào công lập để làm thành tích của trường".
TS Nguyễn Tùng Lâm
Nhà tôi không khá giả gì. Ngay cả đi học thêm, cô giáo dạy thêm thương nên cũng lấy học phí rất ít. Giờ đơn không thi vào lớp 10 con đã viết, bố mẹ phải ký khiến tôi mông lung vô cùng. Tôi không biết cho con vào học trường nào. Từ hôm viết đơn đến nay, con buồn không có động lực học nữa", chị Hoa thổ lộ.
Hiện tại, chị Hoa đang phải tìm hiểu xem có trường dân lập nào học phí vừa sức với gia đình để cho con theo học. Gia đình chị chỉ biết động viên con cố gắng học tốt ở trường cấp 3, tương lai của con vẫn còn rộng mở ở phía trước. Mặc dù phải mạnh mẽ để là chỗ dựa cho con lúc này nhưng chính chị Hoa cũng bức xúc vì có tới 2/3 học sinh trong lớp phải viết giấy không đăng ký thi vào lớp 10.
"1, 2 trường hợp còn dễ hiểu đằng này hơn nửa lớp không thi vào lớp 10 thì quá vô lý", chị Hoa cho hay.
Không chỉ có chị Hoa, chị Hoàng Thu Hằng, quận Đống Đa cũng đang rối bời vì bị gây áp lực con gái không được thi vào lớp 10.
"Cô giáo khuyên con tôi không nên thi mà vào thẳng dân lập hay trung cấp nghề. Cô còn nói thẳng nếu không thi sẽ sửa cho học bạ đẹp từ đầu đến cuối. Con vẫn thi thì chịu học bạ xấu", chị Hằng kể.
Tình trạng "ép" học sinh kém không thi lớp 10 đã khiến dư luận bất bình, phản đối trong nhiều năm qua nhưng "căn bệnh" này năm nào cũng thấy phụ huynh phản ánh. Phụ huynh cho biết, nhà trường với danh nghĩa "phân luồng", tư vấn, vận động, có trường thậm chí "gây áp lực" không cho học sinh dự thi để đảm bảo 100% học sinh trúng tuyển vào lớp 10.
Thi hay không là tự nguyện của học sinh, phụ huynh
Trước thực trạng này, chia sẻ với PV báo Dân Việt, thầy Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội khẳng định: "Phân luồng ở đây không theo thầy cô nào cả mà là lựa chọn của học sinh, phụ huynh. Đó là quyền lợi của các em. Những nhà giáo dục sẽ có những định hướng cho các em lựa chọn phù hợp".
Thầy Vũ Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội, cho biết công tác tư vấn định hướng cho học sinh đã được nhà trường thực hiện theo kế hoạch ngay khi kết thúc học kỳ 1.
"Nhà trường đã tổ chức 2 buổi tư vấn hướng nghiệp, mời các trường nghề, trường tư thục để hướng dẫn cho các em. Bản thân hiệu trưởng cũng đi tư vấn hướng nghiệp phân luồng của huyện tổ chức. Dựa vào kết quả học tập, kiểm tra đánh giá, các em hoàn toàn tự đánh giá năng lực để lựa chọn trường học theo tinh thần tự nguyện. Đây là nguyện vọng của học sinh. Các em có quyền lựa chọn, nhà trường chỉ định hướng cho học sinh", thầy Hải cho hay.
Theo thông tin từ thầy Hải, trường có 5 lớp 9 với tổng số 186 học sinh. Trong đó, số học sinh định hướng học nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dân lập là 37 em. Số còn lại có nguyện vọng muốn được tham gia thi để có thể lựa chọn vào các trường như Trường THPT Ba Vì, THPT Bất Bạt, THPT Quảng Oai, THPT Ngô Quyền.
Cô Phó Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cho hay, với 426 học sinh khối 9 đang theo học, trường đã hướng dẫn các em làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 từ tuần trước.
"Bên cạnh công tác ôn tập thì khâu tư vấn hướng nghiệp được đơn vị rất chú trọng, đặc biệt là năm nay học sinh đỗ trường công lập chỉ hiếm 55,7% tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển. Hàng năm trường thường tổ chức 2 - 3 hội nghị tư vấn cho học sinh và mời cả phụ huynh tham dự. Dựa vào quá trình rèn luyện trên lớp cũng như kết quả đánh giá ở học kỳ 1 và khảo sát giữa học kỳ 2, thầy cô sẽ động viên và tư vấn cho các em học sinh thi vào lớp 10. Phụ huynh biết được thực lực của các em để định hướng cho con có sự lựa chọn phù hợp", cô Hường nói.
Mặc dù là tự nguyện của học sinh, phụ huynh nhưng thực tế năm 2022, dư luận đã từng xôn xao thông tin một số phụ huynh có con em học lực yếu, kém đang học lớp 9 tại quận Cầu Giấy bị giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không dự thi vào lớp 10. Trước đó, một số phụ huynh quận Hoàng Mai "tố" nhà trường gây áp lực không cho học sinh kém thi vào lớp 10 công lập vì cho rằng "với sức học ấy, để thi đỗ là điều rất khó"...
Vào năm 2016, Sở GDĐT Hà Nội ra quy định, nghiêm cấm các trường THCS không được ép buộc hoặc vận động học sinh không tham gia đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT. Trường hợp không đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT, phải có đơn tự nguyện của cha mẹ học sinh để đảm bảo quyền lợi cho các em.
Tuy nhiên, thực trạng này đến nay không thay đổi ở một số trường. Phụ huynh ở những trường này cho biết, một khi giáo viên đã "nhắm" đến thì phụ huynh cũng chỉ biết cách nghe theo. Nếu không giáo viên sẽ liên tục gọi điện, có khi còn bị "dọa" làm học bạ xấu ảnh hưởng đến việc đi thi hoặc nộp hồ sơ vào các trường khác.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam nhấn mạnh: "Chuyện này không còn là chuyện lạ đối với phụ huynh có con học lớp 9 chuẩn bị thi lên lớp 10 những năm gần đây. Nhiều trường chạy theo bệnh thành tích nên không muốn học sinh yếu kém thi. Như vậy là vi phạm chủ trương của ngành.
Học sinh yếu kém, các thầy cô càng phải tạo điều kiện. Ngoài ra, những em có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có học ở trường công lập mới đủ điều kiện kinh tế thì càng phải hỗ trợ, động viên nhiều hơn. Sau 4 năm học, giờ trường lại đẩy các em không cho thi. Những em học yếu kém, có muốn thi hay không là quyền của các em và phụ huynh, không phải quyền của các thầy cô. Lỗi này do quản lý, hiệu trưởng nhà trường".
Theo TS Lâm, trường học không nên vì thành tích. Các em đi thi đôi khi chỉ là để học kinh nghiệm. Các em có thể trượt, có thể đỗ nhưng đó là tâm nguyện của các em.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.