Phương tiện đi qua địa phương có dịch Covid-19 cần giấy tờ gì?
Phương tiện đi qua địa phương có dịch Covid-19 cần giấy tờ gì?
Thế Anh
Thứ tư, ngày 07/07/2021 09:16 AM (GMT+7)
Tổng cục Đường bộ VN cho biết, các địa phương có dịch Covid-19, có thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa; các đơn vị cần chủ động thực hiện công tác tổ chức hướng dẫn, phân luồng từ xa để các phương tiện giao thông lưu thông.
Dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều tỉnh thành làm cho hoạt động giao thông vận tải đi qua các địa phương có dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn, qua đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp phân luồng phương tiện vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt 24/24 giờ.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ động làm việc, phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và các tỉnh giáp ranh để tổ chức phân luồng, tuyến vận tải hàng hóa, bảo đảm thường xuyên thông suốt.
Cùng với đó, các đơn vị cần tăng cường lực lượng để giải quyết nhanh nhất không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm khai báo y tế đồng thời bảo đảm an toàn dịch bệnh cho lái xe, phương tiện và phòng chống lây lan dịch bệnh hiệu quả.
Để đảm bảo an toàn giao thông và lưu thông hàng hoá đi qua các tỉnh có dịch Covid-19, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải địa phương, nhà đầu tư BOT phân luồng tổ chức giao thông tạm thời trên các Quốc lộ qua địa bàn phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: "Tổng cục giao các đơn vị trên phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương chủ động thực hiện công tác phân luồng, tổ chức giao thông để hướng dẫn xe ôtô vào chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ ra, vào các địa phương trên toàn bộ các tuyến Quốc lộ qua địa bàn".
Đối với các địa phương có dịch Covid-19, có thực hiện giãn cách, cách ly, phong tỏa; các đơn vị cần chủ động thực hiện công tác tổ chức hướng dẫn, phân luồng từ xa để các phương tiện giao thông lưu thông tránh các khu vực trên (kể cả việc tháo dỡ dải phân cách giữa; lắp đặt biển báo quy định dừng, đỗ xe, sơn vạch kẻ đường tạm thời,...
Để tổ chức giao thông tạm thời, sau khi hết thời gian hoàn trả lại hiện trạng như ban đầu) theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19; kịp thời thông tin, hướng dẫn đến toàn xã hội, đảm bảo vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo thuận lợi trong lưu thông vận tải.
Tổng cục Đường bộ cũng chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương tổ chức chốt chặn, điều tiết và hướng dẫn các phương tiện không dừng đỗ đón, trả hành khách, hàng hóa,... tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương. Thời gian thực hiện cho đến khi có công bố hết dịch Covid-19 của cấp có thẩm quyền.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sản lượng và doanh thu vận tải hành khách trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt từ 20-30% so với trước dịch; trong đó vận tải hàng hóa có sản lượng và doanh thu ước đạt khoảng 70-80%.
Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, thống kê trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho thấy tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5/2021 chỉ đạt khoảng hơn 50%.
Hiện có khoảng trên 90% số doanh nghiệp kinh doanh vận tải đều vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Từ ngày 1/4/2020 đến nay đã có 4 đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phương tiện hoạt động cầm chừng hoặc phải dừng hoạt động, doanh nghiệp không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế cũng như trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài, phương tiện tiếp tục phải ngừng hoạt động, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.