Dân Việt

Phía sau chiến thuật dùng người của Biden

Đại sứ Trần Đức Mậu 24/11/2020 15:46 GMT+7
Bất chấp những khó khăn do phía ông Trump gây ra, ông Biden vẫn xúc tiến quá trình chọn lựa nhân sự cho nội các mới để có thể cầm quyền được ngay sau khi chính thức nhậm chức vào trưa ngày 20/1 năm tới.
Phía sau chiến thuật dùng người của Biden  - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Cuối cùng thì rồi tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump cũng phải khởi động quá trình chuyển giao quyền lực từ chính phủ của mình cho chính quyền mà tổng thống đắc cử Joe Biden đang thành lập. Ông Trump không công nhận là đã bị thất cử nhưng rõ ràng là đã ý thức được rằng không còn có cơ may tiếp tục tại vị được nữa.  Bất chấp những khó khăn do phía ông Trump gây ra, ông Biden vẫn xúc tiến quá trình chọn lựa nhân sự cho nội các mới để có thể cầm quyền được ngay sau khi chính thức nhậm chức vào trưa ngày 20/1 năm tới.

Quan mới lập ê kíp làm việc mới vốn là thông lệ, nếu như không muốn nói là quy luật bất thành văn trong chính trị quyền lực ở Mỹ. Từ những quyết định nhân sự cho đến nay của ông Biden có thể thấy người này thực hiện cam kết về tính đa dạng của thành viên nội các và chủ ý sẽ thực thi chính sách cầm quyền khác với người tiền nhiệm. Tính đa dạng thể hiện ở chỗ trong nội các ấy có nhiều thành viên là phụ nữ, là người da mầu và người có gốc xuất thân nước ngoài. Còn về khác người tiền nhiệm lại thể hiện ở chỗ trao trọng trách cho những người đã từng tham gia hoạch định và triển khai thực hiện những chính sách và quyết sách ở thời ông Biden là phó tổng thống Mỹ mà sau này bị ông Trump lật ngược hoặc huỷ hoại.

Cũng từ những quyết định về nhân sự nội các mới được ông Biden công bố còn có thể thấy hai điều khác nữa được người này rất coi trọng. Thứ nhất là dung hoà các quan điểm khác nhau trong nội bộ phe Đảng Dân chủ. Trước cuộc bầu cử tổng thống, nội bộ phe này chịu hoà giải với nhau vì mục tiêu đánh bại ông Trump. Nhưng ngay sau khi giới truyền thông ở Mỹ xác nhận ông Biden đắc cử tổng thống, những bất đồng quan điểm giữa các phe nhóm khác nhau trong nội bộ đảng này lại bộc lộ.

 Không kiểm soát được Đảng Dân chủ thông qua duy trì sự đoàn kết thống nhất quan điểm chính sách trong nội bộ, ông Biden sẽ vô cùng khó khăn và khó xử, nếu như không muốn nói là không thể thành công được, với việc đối phó sự chống phá từ phía phe cánh của ông Trump và từ phía thượng viện mà rất có thể vẫn do Đảng Cộng hoà kiểm soát. Ông Biden phải lựa chọn nhân sự nội các sao cho thể hiện và phục vụ cho sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ đảng chứ không phải làm cho sự bất đồng quan điểm trở nên sâu sắc và nghiêm trọng hơn. Thứ hai là sự coi trọng chuyên môn và kinh nghiệm, tức là chọn lựa những cộng sự được xác nhận có hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm hoạt động phong phú trên những lĩnh vực liên quan.

Cựu bộ trưởng ngoại giao John Kerry, người đã thay mặt chính phủ Mỹ đàm phán về Hiệp định Paris của LHQ về bảo vệ khí hậu trái đất được ông Biden chọn cử là đặc phái viên về vấn đề khí hậu trái đất và làm thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia. Ông Biden từng tuyên bố ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên sẽ đưa nước Mỹ trở lại hiệp định này. Tân bộ trưởng ngoại giao Anthony Blinken, tân cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivans, tân đại sứ Mỹ tại LHQ  Linda Thomas Greenfeld, tân bộ trưởng an ninh nội địa Alejandro Mayorkas hay người phụ trách điều phối các cơ quan an ninh và tình báo Avril Haines đều là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghề nghiệp của họ. Hai người phụ nữ khác nữa được coi là ứng cử viên hàng đầu cũng thuộc diện này là cựu quan chức cao cấp trong bộ quốc phòng Michele Flournoy (cho cương vị bộ trưởng quốc phòng) và cựu thống đốc Cục dữ trữ liên bang (Fed) Janet Yellen cho cương vị bộ trưởng tài chính.

Thông điệp của ông Biden với những quyết định nhân sự đầu tiên cho nội các của mình là yên bình và đáng tin cậy, là ổn định và cầu thị (coi trọng tư vấn chính sách của cộng sự), là khác với ông Trump và kế thừa ông Obama nhưng không phải lặp lại hay tiếp tục hoàn toàn y hệt ông Obama.

Ngoài Israel, những đồng minh chính trị và quân sự chiến lược của Mỹ, đặc biệt ở châu Âu, chắc chắn sẽ hài lòng và nhẹ nhõm về những quyết định nhân sự này của ông Biden trong khi Trung Quốc và Nga có lý do để thận trọng. Với tâm trạng khác nhau, các đồng minh và đối tác của Mỹ trên thế giới hiện đều đang bớt để ý đến ông Trump và những gì người này còn sẽ làm cả về đối nội lẫn đối ngoại và bắt đầu chuẩn bị cho mối quan hệ với Mỹ ở thời người mới lên cầm quyền.