Mới đây, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Bristol đã tiến hành triển khai thiết bị công nghệ cao của họ bên trong Khu giam giữ An toàn Mới (NSC), cấu trúc bảo vệ được xây dựng để che đi những phần còn lại của lò phản ứng hạt nhân Chernobyl, vốn bị hỏng sau vụ rò rỉ năm 1986.
Được biết, dự án được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Vật lý và Kỹ thuật của Vương quốc Anh (EPSRC) cùng với Tập đoàn nghiên cứu robot và trí tuệ nhân tạo trong Hạt nhân (RAIN). Đây là chuyến thăm thứ tư tới Chernobyl, được thực hiện sau khi Đại học Bristol ký kết hợp đồng với Viện nghiên cứu các vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân (ISPNPP) tại Học viện Khoa học Quốc gia Ukraine.
Chuyến thăm là một sáng kiến chung giữa Đại học Bristol và ISPNPP, với mục tiêu khám phá giá trị của các hệ thống lập bản đồ bức xạ tự trị và bán tự trị trong môi trường bức xạ cao. Bằng cách sử dụng các hệ thống như vậy, những nhà nghiên cứu có thể xác định rõ hơn vị trí và số lượng của các mối nguy hiểm phóng xạ còn sót lại.
Các nhà khoa học đã sử dụng hệ thống robot trang bị thiết bị cảm biến chạm đất được phát triển bởi hai trường đại học Bristol và Oxford thuộc dự án RAIN. Mục đích của những robot này là thu thập các mô hình 3D có độ chính xác cao về tình trạng cơ sở, cùng với dữ liệu bức xạ, qua đó xác định sự phân bố và mức độ nghiêm trọng của các rủi ro phóng xạ.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Tom Scott, từ Đại học Bristol và Đồng Giám đốc RAIN, cho biết: "Khám phá bên trong phòng điều khiển lò phản ứng là một trải nghiệm căng thẳng và phấn khích. Nhóm chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc thử thách này. Đây là một phần thưởng lớn sau nhiều tháng làm việc chăm chỉ. Công nghệ của chúng tôi thực sự hiệu quả trong môi trường hạt nhân thực tế".
Ông nói thêm: "Không chỉ Chernobyl, công nghệ này còn có thể áp dụng tại các địa điểm hạt nhân cũ ở Vương quốc Anh và những nơi khác trên toàn thế giới. Hệ thống cảm biến mới, các giải pháp robot và máy dò đặc biệt là những công nghệ cực kỳ cần thiết, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại. Robot có thể giúp cho việc hạt nhân ngừng hoạt động nhanh hơn, rẻ hơn và quan trọng là an toàn hơn! Để đạt được thành công này, chúng tôi cũng xin cảm ơn sự hướng dẫn và thông tin từ những người bạn Ukraine".
Thảm họa Chernobyl được biết đến là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử. Mặc dù khi xảy ra, chỉ có chưa đến 100 trường hợp tử vong trực tiếp, tuy nhiên rất nhiều người đã gặp hậu quả lâu dài sau đó do nhiễm phóng xạ. Ngày nay, vẫn còn cả một khu vực rộng lớn được ghi nhận là còn phóng xạ, trong đó có thành phố Pripyat bị bỏ hoang vĩnh viễn.