Do dịch bệnh Covid-19 nên hiện tại các trường đại học ở Hà Nội vẫn chưa cho sinh viên quay trở lại trường đi học trực tiếp. Điều này khiến nhiều tân sinh viên cảm thấy nuối tiếc vì đây là dấu mốc quan trọng, bắt đầu học tập ở môi trường hoàn toàn mới nhưng chỉ được ngồi ở nhà học online.
Xồng Bá Hùa, sinh viên năm 1 Đại học Y Hà Nội chia sẻ: "Em đã trúng tuyển vào ngôi trường mơ ước của em nên rất háo hức được đi học. Vậy mà dịch bệnh nên phải nhập học online. Thật tiếc vì em còn chưa biết trường nằm ở đâu, giảng đường thế nào, ký túc ra sao...".
Chia sẻ thêm về những ngày đầu học online, Hùa cho biết: "Với em, việc học online khá khó khăn vì bây giờ em mới vào trường, chưa quen tiếp xúc bài học mới lại phải học từ xa. Qua 2 tuần đầu tiên nhập học, em đã làm theo sự sắp xếp của thầy cô giảng viên, học đầy đủ bài, chuẩn bị tư trang sau mỗi học phần... nhưng em cảm thấy sự tiếp thu của sinh viên cũng như nhiệt huyết của giảng viên không được phát huy hết khả năng".
Cùng chung tâm trạng, bạn Hoàng Kim, nữ sinh đạt 31,5 điểm cao nhất ngành Hàn Quốc học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội chia sẻ: "Cảm xúc của em khi nhập học online là vừa vui vừa hồi hộp xen lẫn với những lo lắng, bỡ ngỡ".
Dù chưa được đi học nhưng Kim cũng vui vẻ chia sẻ, việc học online trong thời điểm hiện tại để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và được ở nhà thêm với bố mẹ. Tuy nhiên, tân sinh viên khoa Hàn Quốc học cũng thú thật: "Nơi em ở chưa có wifi nên phải đăng ký gói 4G mỗi ngày để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Nếu việc học online kéo dài sẽ khá tốn kém. Hơn nữa, việc thảo luận nhóm cũng khó khăn. Em là tân sinh viên phải chuyển giao giữa môi trường trung học lên đại học mới mẻ cần có thời gian để chúng em thích nghi".
Không chỉ có sinh viên năm nhất mà các bạn khóa trên cũng mong ngóng từng ngày để được đi học. Bùi Khánh Duy, sinh viên Đại học Đại Nam, Hà Nội cho hay: "Em đi xe máy về quê nghỉ lễ 30/4 thôi mà không ngờ ở nhà đến tận bây giờ luôn. Là sinh viên mới toe nhập học chưa được bao lâu thì học online, bây giờ em học sang năm thứ 2 nhưng đến trường chắc em quên luôn giảng đường mất rồi".
Lê Thành Đạt, sinh viên năm 4 ngành Báo chí, khoa Viết văn, Báo chí - Đại học Văn hoá Hà Nội chia sẻ: "Theo lịch dự kiến chỉ còn kỳ này nữa là em sẽ hoàn thành chương trình học và kỳ sau đi thực tập (nếu hoàn thành đầu ra tiếng Anh là sẽ được ra trường).
Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên không thể đến giảng đường học tập được mà trường em phải học online. Việc học ngành Báo, bên cạnh việc học lý thuyết thì cũng có rất nhiều nội dung phải thực hành, sản xuất các ấn phẩm báo chí, truyền hình,... và thay vì trực tiếp đi quay, lấy tin như chưa có dịch thì nay mọi việc phải thực hiện trực tuyến, thảo luận, phỏng vấn trực tuyến.
Đạt tiết lộ, học online cũng thỉnh thoảng gặp sự cố nghẽn mạng. Tuy nhiên đôi khi đây là cái cớ tuyệt vời cho mỗi khi sinh viên lười làm bài tập. Chỉ cần lấy lý do không nghe thấy thầy giao nên không biết để làm bài tập là sinh viên được thầy giáo "tha" vì cũng hiểu tình cảnh cho nộp bài sau.
"Em mong sớm được đi học tại trường khi tình hình dịch bệnh ở Hà Nội sớm được kiểm soát, để được gặp lại bạn bè, thầy cô. Đó cũng là những ký ức tươi đẹp của tuổi sinh viên. Em không muốn tiết học cuối cùng ở đời sinh viên lại học trực tuyến, gặp bạn bè qua màn hình".
Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo, vào lúc 7h30, ngày 15/10, trường sẽ tổ chức khai giảng năm học 2021-2022 trực tuyến trên nền tảng MS Teams. Theo chia sẻ của trường, đây là ngày đặc biệt khi lần đầu tiên trường tổ chức khai giảng theo hình thức online và cũng đúng ngày Kỷ niệm 65 năm thành lập trường, ngày Khai giảng Khoá 1 (15/10/1956 - 15/10/2021).
Tại trường Đại học Ngoại thương cũng đã trang trọng tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 vào ngày 28/9 qua hình thức online. Đây được xem là một buổi lễ khai giảng đặc biệt trong lịch sử của trường khi lần đầu tiên khai giảng trực tuyến, quy tụ đông đủ sinh viên 3 cơ sở.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết, hiện tại sinh viên đã nhập trường và chỉ học lý thuyết, hướng dẫn nội dung học thực hành online trên hệ thống LMS của trường.
"Với sinh viên năm nhất, nhà trường cũng gặp một số khó khăn như chưa được gặp trực tiếp để nắm hết tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, hoàn cảnh, điều kiện năng lực sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, tháo gỡ cho các em".