Dàn cảnh "ầm ầm" chốt đơn mua đất
Ngày 21/2 vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện clip ghi lại cảnh một nhóm môi giới bất động sản dựng rạp bán đất với sự tham gia của hàng trăm người, như đi "trẩy hội" tại Bình Phước. Điều khiến nhiều người không khỏi giật mình là các giao dịch đặt cọc chốt diễn ra liên tục chỉ trong ít phút.
Cụ thể, clip dài khoảng 4 phút ghi lại ở một bãi đất trống, bên cạnh con đường có hàng chục chiếc ô tô đang đậu. Một số nhân viên của công ty bất động sản mặc vest cầm cặp da và sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) chạy đi chạy lại thông báo chốt cọc với một MC.
Nhân viên công ty bất động sản liên tục từ khu lều bạt chạy đến chỗ MC nói "lô 4, lô 5, lô 13, lô 19, 29... khách đặt cọc rồi nhé". Sau đó MC thông báo lại lên loa lô đã chốt cọc trong tiếng nhạc inh ỏi.
Đoạn clip được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng trên các nền tảng không gian mạng. Nhiều người cho rằng sau Tết đất bỗng dưng sốt. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư bất động sản nhận định, đây chỉ là chiêu trò dàn dựng, làm thị trường ảo.
Được biết, khu đất được dựng rạp rao bán trên thuộc tổ 5, ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Công ty bất động sản có trụ sở tại tỉnh Bình Dương là đơn vị xuất hiện trong đoạn clip nói trên .
Đại diện lãnh đạo xã Lộc Khánh cho biết đã nắm được sự việc và sẽ có cuộc họp khẩn để đưa ra hướng xử lý về vụ việc. Cũng theo vị này, khu đất trống được dựng rạp, tổ chức giao dịch mua bán đất trong clip xuất hiện trên mạng xã hội không phải là một dự án bất động sản.
Thực tế, trường hợp này đã từng diễn ra vào thời điểm trước dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Chiêu trò môi giới dàn cảnh, mượn người đóng giả làm khách hàng rồi "lao vào" chốt đơn, tạo tâm lý đám đông. Điều này dễ chạm đến tâm lý những người nhẹ dạ, hám lời cao, nên không đắn đo xuống tiền đặt mua miếng đất đã bị đẩy giá lên cao nhiều lần so với giá thực tế. Một số người vì nóng vội mà còn mua phải đất không rõ pháp lý.
Đơn cử, nhiều trường hợp người dân được môi giới giới thiệu những nền đất ở TP.Thủ Đức với giá rẻ "như cho", nhưng khi đi xem thì lại bị các cò đất đưa tới các mảnh đất ở Nhơn Trạch, Xuân Lộc (Đồng Nai).
Biết là bị lừa, nhưng khi tới các khu đất ở Đồng Nai, hàng chục môi giới lại "nổ" về tiện ích tương lai như: ngân hàng, trung tâm hành chính, siêu thị, bệnh viện, trường học... nghe rất tiềm năng khiến cho người tham gia rơi vào bẫy.
Anh Phạm Văn Hùng (38 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho hay: "Vì trót tin môi giới, tôi đã lên xe xuống Đồng Nai để xem đất. Khi thấy mọi người xung quanh chốt cọc ầm ầm, tôi cũng bị tâm lý, sợ không còn hàng để mua nên vội xuống tiền đặt cọc 100 triệu đồng cho một nền đất tại Trảng Bom có giá 2 tỷ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tôi biết mình đã bị "hớ". Nền đất kia thực chất không phải là đất dự án mà là đất cao su san bằng và có giá thị trường chỉ trên 1 tỷ thôi".
Cần tỉnh táo, không rơi vào bẫy
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh đánh giá những giao dịch diễn ra trong bối cảnh của clip vừa xảy ra ở Bình Phước cũng như nhiều địa phương khác, người thiệt hại nhiều nhất chính là khách hàng.
Thông thường, khi tham gia các buổi mời bán đất nền dạng này, khách hàng có tâm lý dễ cuốn vào hiệu ứng đám đông, cứ tưởng là "sốt đất" nhưng thực tế không phải. Nhiều khách hàng khi tham gia, cứ nghĩ đất khan hiếm, tranh dành nhau để mua, nhưng mua phải giá cao, thậm chí chưa tách được sổ đỏ.
Bên cạnh đó, chiều trò hét giá, thổi giá, tạo ra sự khan hiếm của đất nền cũng được một số môi giới áp dụng rất thuần thục. Các công ty cho 2-3 môi giới kèm một khách, hoặc tạo thêm các khách hàng chim mồi. Mục đích tác động vào tâm lý khách hàng, để họ xuống tiền mua sản phẩm thật nhanh.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc sử dụng chiêu trò trong bất động sản là rất phản cảm, làm mất đi giá trị của những người môi giới bất động sản chuyên nghiệp, chân chính. Tuy nhiên, chính người dân, nhà đầu tư mới là những người quyết định được các chiêu trò có đất sống hay không. Bởi nếu người dân tỉnh táo, tuyệt đối không tham gia vào các buổi mua bán đất nền kiểu "chợ trời" thì rất khó để bị rơi vào bẫy.
Ở góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Đăng Tư (Đoàn luật sư TP.HCM) khuyến cáo, người dân khi tham gia vào các giao dịch bất động sản cần đặc biệt lưu ý tới pháp lý. Nếu thông qua môi giới, có thể yêu cầu cung cấp chứng chỉ hành nghề môi giới.
Bên cạnh đó, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình quan tâm. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ gặp phải những môi giới bất động sản không có tâm hoặc gặp phải những bất động sản được đưa giao dịch nhưng không đủ điều kiện theo quy định.
Trước vấn đề này, ông Phạm Lâm - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO DKRA Vietnam cho hay thời gian qua, thị trường cũng xuất hiện vài đơn vị môi giới hoạt động không đúng với bản chất của nghề. Do đó, vẫn có một số tồn tại chưa giải quyết triệt để như mong muốn.
Các tổ chức đó chỉ hoạt động nhắm đến mục đích trục lợi khách hàng thì hoạt động không thể kéo dài. Thị trường sẽ sớm thanh lọc. Có thể nói, luôn tồn tại các công ty môi giới lựa chọn con đường đi không chuẩn, nhưng chiếm một tỷ lệ nhỏ trên thị trường.
"Các nhà môi giới bất động sản muốn hoạt động tốt trên thị trường buộc phải có một mã số hành nghề, từ đó sẽ có các cơ chế kiểm soát và quản lý tốt hơn. Điều này sẽ góp phần rất lớn thanh lọc tình trạng "vàng thau lẫn lộn" trong cộng đồng môi giới nhà đất. Giúp thị trường lấy lại niềm tin và minh bạch cao hơn", ông Lâm nói.