Ngày 2/2, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã phê duyệt Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030. Đề án với mục tiêu giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận.
Từ đó, chuyển dần sang phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch cảnh quan, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ cảnh quan môi trường nhưng vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế cho người nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, đề án cũng quy định tiêu chí xây dựng mới, cải tạo nhà kính có kiểm soát đồng thời quy định tiêu chuẩn kỹ thuật nhà kính sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cụ thể, khoảng lùi khi xây dựng nhà kính tiếp giáp với các lô đất liền kề nhà kính tối thiểu 1 mét so với ranh giới của thửa đất. Bên cạnh đó, đề án còn quy định diện tích đất dành cho đường nội bộ, ao hồ chứa nước, mương thoát nước. Với diện tích nhỏ hơn 0,5ha thì đất dành cho đường nội bộ, ao hồ chứa nước, mương thoát nước tối thiểu 5% tổng diện tích lô đất. Tương tự, với diện tích từ 0,5-1ha thì diện đất dành cho đường nội bộ, nội ô tối thiểu 4% tổng diện tích lô đất. Với diện tích nhà kính lớn hơn 1ha thì đất dành cho đường nội bộ, nội ô tối thiểu 3% tổng diện tích lô đất.
Đặc biệt, đề án trên cũng yêu cầu cần phải có diện tích trồng cây xanh khuôn viên xung quanh nhà kính, trồng vành đai như cây tùng búp, cây đô la, phượng tím, mimosa, mai anh đào, lài nhật, mua tím, cây ăn quả ...Cụ thể, với diện tích lô đất canh tác lớn hơn hoặc bằng 0,5ha thì diện tích trồng cây phải đạt tối thiểu 2% tổng diện tích lô đất. Tương tự với diện tích từ 0,5-1ha và lớn hơn 1ha thì diện tích trồng cây xanh lần lượt phải đạt tối thiểu 1,6% và 1,2%.
Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, tại địa phương có nhiều loại nhà kính được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thông dụng nhất là loại nhà kính cấp thấp 3A, 3B, 3C có kết cấu nhà kính 3A mái vòm kín, 3B mái vòm hở, 3C mái chữ A có khẩu độ 5,2-6m. Loại nhà kính này có đến 93% nông hộ được điều tra đang sử dụng. 4 loại nhà kính cao cấp hơn là 1A, 1B, 2A và 2B được sử dụng với tỷ lệ thấp hơn.
"Với nhà kính nhóm 1A hoặc tương đương nhà kính nông nghiệp kiểu mái cánh bướm có khẩu độ 12.8m có màng lợp PE với các đặc tính chống bám bụi, chống đọng sương, chống Virus, chống tia UV...Loại nhà kính này được thiết kế theo tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng nhà màng nông nghiệp của châu Âu và các tiêu chuẩn thiết kế tải trọng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Kết cấu khung nhà được thiết kế chịu tải treo 20kg/m2, chịu sức gió 120km/h. Với nhà kính nhóm 1A, chiều cao máng xối là 5m tính từ mặt đất, chiều cao máng 140mm, chiều rộng máng 267mm", Sở NNPTNT chỉ rõ quy chuẩn xây dựng nhà kính trong đề án.
Trong khi đó, nhà kính nhóm 1B hoặc tương đương kiểu mái vòm hở 1 bên có khẩu độ 9.6m được xây dựng phải chịu được tải treo 15kg/m2, chịu được sức gió 120km/h. Nhằm tránh côn trùng bay vào nhà, tại thông gió đỉnh mái lắp lưới ngăn côn trùng. Độ mở của thông gió mái 1,6m và được bố trí cửa sổ mái đóng mở tự động.
Cả hai loại nhà kính trên cần được lắp đặt đồng bộ hệ thống thiết bị quản lý dinh dưỡng và tưới thông minh cho cây trồng canh tác. Đồng thời, có vành đai cây xanh quanh nhà kính, ao hồ chứa nước được thu từ nhà kính và mương thoát nước đảm bảo tỷ lệ diện tích tối thiểu theo quy định.
Đối với loại nhà kính 2B vẫn đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng nhà màng nông nghiệp của các nước và các tiêu chuẩn thiết kế tải trọng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam nhưng thấp hơn so với nhà kính nhóm 1A và 1B.
Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, thông qua đề án trên, chỉ phát triển thêm diện tích nhà kính hiện đại tại các khu vực ngoại ô thành phố và các thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trong thời gian tới sẽ tạo sự đồng bộ phát huy hiệu quả các thiết bị công nghệ cao trong trang trại, đặc biệt công nghệ thông minh như các giải pháp IoT điều khiển tự động hóa trong canh tác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, áp dụng công nghệ thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng trừ sâu bệnh hại, phun thuốc, thu hoạch sản phẩm… đáp ứng quá trình sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.