“Hết giờ ngủ, toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”, "Đã đến giờ ăn, kính mời các Thủ trưởng và đại biểu về nhà ăn để dùng cơm", đó là những thông báo được truyền đi trên loa phát thành từ Sở chỉ huy tàu Kiểm ngư KN-290.
Những âm thanh đó, những con người đó đã âm thầm đóng góp rất lớn vào thành công trong chuyến hải trình đưa hơn 250 đại biểu của đoàn công tác số 9 đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ ngày 5/5 đến 10/5.
Sinh ra trong gia đình có bố là lính hải quân nên từ nhỏ, Thiếu tá Quách Hữu Quang, quê ở xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) hiện là thuyền trưởng tàu kiểm ngư KN-290, thuộc Chi đội Kiểm ngư số 2 đã được nghe những câu chuyện và dành tình cảm đặc biệt đối với nghề thủy thủ. 18 tuổi, cậu học trò tên Quang thi đỗ vào Học viện Hải quân Việt Nam.
Năm 2012, tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển, anh đảm nhận công việc trưởng ngành hàng hải ở tàu vận tải. Anh “bén duyên” với tàu KN-290 năm 2014, cũng là khi con tàu này được bàn giao cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Anh trở thành Phó Thuyền trưởng vào tháng 6/2015 và đến tháng 2/2018, Quách Hữu Quang nhận trọng trách mới: Thuyền trưởng tàu KN-290. Lúc đó anh mới 29 tuổi.
Thuyền trường quê Hà Tĩnh nhìn bề ngoài có vẻ chững chạc hơn tuổi đời của mình. Mỗi lần gặp anh thì đều thấy thường trực nụ cười tươi rói và còn rất duyên. Kể về những ngày trên tàu, anh nói vui: “Dành cả thanh xuân gắn bó với tàu và biển. Anh em trên tàu coi nhau như gia đình. Kỷ niệm thì nhiều vô kể, nhất là những chuyến tàu ra với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1”.
Thuyền trưởng Quang cho biết, tàu Kiểm ngư KN-290 có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, công tác cứu hộ cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ dân sự khác.
Mỗi năm tàu có khoảng 3 đến 4 chuyến chở các đoàn ra thăm và làm việc tại các đảo, Nhà giàn trên quần đảo Trường Sa và vùng biển đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Những chuyến đi thường kéo dài 9-11 ngày. Trong mỗi hải trình ra với biển đảo, tính ra mỗi ngày anh chỉ ngủ được 4-5 tiếng, thậm chí là ít hơn, vì buổi tối phải chia ca trực.
“Con tàu khi ra khơi là đại diện của một quốc gia trên biển. Mỗi quyết định của người thuyền trưởng - người chỉ huy cao nhất trên tàu là rất quan trọng. Trong đó, việc xử lí tình huống trên biển là quan trọng nhất. Người thuyền trưởng phải luôn giữ được bình tĩnh khi xử lí các tình huống, phải có bản lĩnh vững vàng”, thuyền trưởng Quách Hữu Quang chia sẻ.
Trên tàu Kiểm ngư KN-290 được chia ra với nhiều bộ phận khác nhau, mỗi người một nhiều vụ. Trong đó, ấn tượng với tôi không chỉ là thuyền trưởng "soái ca" Quách Hữu Quang mà còn cả những "anh nuôi" trên tàu.
Tổ bếp trên tàu KN-290 đều đặn đỏ lửa từ 3 giờ sáng để chuẩn bị khoảng 1.000 suất ăn mỗi ngày cho hơn 300 con người trên tàu.
Để hiểu hơn về công việc của các "anh nuôi", tôi "thâm nhập" vào bếp ở khu tầng 2 của tàu. Mở cánh cửa, chao ôi, mùi vị của tôm, mực xào thơm nức mũi. Dáng người thấp, đầu cạo trọc, khoác bộ đồng phục, đôi chân trần không giày dép, dường như tôi không thấy anh Trần Lệ Hùng, Bếp trưởng tàu KN-290 ngơi tay.
Đôi tay nhanh thoăn thoắt băm thịt, thái hành, đảo bếp, nêm nếm thức ăn. Vừa ngưng chế biến, mắt quan sát nhân viên, tay anh lại cầm chiếc khăn mải miết lau chùi bàn bếp sạch bong. Có lẽ thói quen gọn gàng, sạch sẽ của bếp trưởng đã tạo thành nếp cho đội nhân viên phục vụ. Từ nồi xoong, dụng cụ chế biến, sàn bếp tới bàn ăn, bát đĩa... tất cả đều ngăn nắp, sáng bóng.
Người bếp trưởng có má lúm đồng tiền rất duyên, thi thoảng lại nở ra một nụ cười rạng rỡ chia sẻ với tôi rằng, anh đã có 26 năm phục vụ bếp ăn trên các chuyến tàu biển. Tổ phục vụ bếp ăn trên tàu có chừng 20 người, đa số còn rất trẻ, song thâm niên làm việc trên tàu ít cũng ngoài chục năm. Mỗi chuyến đi biển thường kéo dài từ nửa tháng đến vài tháng, với bếp trưởng Hùng, chuyến đi lâu ngày nhất trên biển của anh kéo dài 15 tháng.
Nấu ăn trên đất liền đã khó thì nấu ăn trên tàu lại càng gặp nhiều thách thức hơn. Theo anh Hùng, những ngày biển động, công việc của tổ bếp vất vả hơn, bởi vẫn phải thao tác chế biến, nấu nướng trong trạng thái “đi nghiêng”, vừa nấu vừa phải giữ nồi xoong khỏi bị hất văng xuống sàn. Dù là mùa biển lặng hay trong mùa biển động, vẫn phải có tàu ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm điểm tựa cho ngư dân, nên các anh gắn bó với biển quanh năm ngày tháng.
Bếp nấu trên tàu giờ đã được cải thiện nhiều, chủ yếu dùng bếp điện. Tàu được trang bị máy lọc nước mặn thành nước ngọt, có thể sử dụng cho việc ăn uống, nên cũng đỡ đi nhiều khoản phải lo.
Với mỗi chuyến đi dài ngày trên biển, trong điều kiện khí hậu nắng nóng, gió biển tạt hơi mặn, khâu bảo quản thực phẩm trên tàu được hết sức chú trọng. Thực phẩm được bảo quản đúng cách sẽ kéo dài được độ tươi ngon, nhất là đối với rau củ quả và thực phẩm tươi sống.
Trong chuyến hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1, thành viên tổ xuồng trên tàu KN-290 đã phải vất vả vận chuyển quà và đưa các thành viên đoàn công tác lên các điểm đảo.
Ngày đầu tiên đoàn công tác đến với Len Đao và Sinh Tồn Đông, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trời đổ mưa, sóng to, gió lớn nên việc tiếp cận các đảo gặp nhiều khó khăn. Ngồi trên xuồng, những con sóng đưa chúng tôi lên cao đến cả vài mét, sóng đập vào mạn xuồng tung nước tràn lên, ướt như chuột lột.
Tại đảo Sinh Tồn Đông, một thử thách cho đội lái xuồng. Sóng lớn, phải khéo léo nương theo từng ngọn sóng để xuồng không vấp vào bãi cạn nhưng chàng trai trẻ Bạch Công Tuấn, sinh năm 1994, điều khiển xuồng đầy kinh nghiệm, cho xuồng lách qua những cụm cát đá bên dưới, cách đáy xuồng chỉ 1-2 m không để tàu mắc cạn rồi tiến vào gác mũi lên bãi cát. Ở trên bờ những người lính Hải quân đầy kinh nghiệm bắc một hàng ghế dựa dài từ dưới biển tạo thành đường để đại biểu đặt chân và lên bờ. Những người lính đảo khéo léo, kinh nghiệm đỡ từng người lên bờ an toàn.