Vị hoàng đế này chính là Hán Thành Đế (51 TCN – 7 TCN), tên huý là Lưu Ngao. Hán Thành Đế là vị hoàng đế thứ 12 của nhà Tây Hán, nổi tiếng là hôn quân trong lịch sửnhà Hán. Trong suốt thời gian trị vì, vị hoàng đế này ham mê tửu sắc, hoang dâm vô đạo và không lo đến việc triều chính.
Hán Thành Đế Lưu Ngao là con trưởng của Hán Nguyên Đế Lưu Thích và Hiếu Nguyên Hoàng hậu Vương Chính Quân. Khi còn nhỏ, Lưu Ngao rất thông minh nên được ông nội là Hán Tuyên Đế sủng ái. Ngoài ra, ông còn ham đọc kinh thư, hiểu biết, tính tình hào hiệp và khiêm tốn.
Tuy nhiên, sau khi Hán Tuyên Đế qua đời, Lưu Thích kế vị, tức Hán Nguyên Đế, Lưu Ngao dù là thái tử nhưng mất đi sự ủng hộ và sủng ái bởi mẹ ruột của ông là Hiếu Nguyên Hoàng hậu không được hoàng đế sủng ái.
Thậm chí, nhiều lần Hán Nguyên Đế còn nghĩ đến việc phế truất ngôi vị của Lưu Ngao và muốn đưa Lưu Khang, con trai của Phó Chiêu nghi lên làm thái tử. Tuy nhiên, nhờ sự khuyên can của một số đại thần nên ngôi vị thái tử của Lưu Ngao mới được bảo toàn.
Hán Nguyên Đế chính là vị hoàng đế nổi tiếng đến việc gả mỹ nhân Vương Chiêu Quân cho Thiền vu Hung Nô, giúp thiết lập bang giao giữa nhà Hán và Hung Nô.
Sau khi Hán Nguyên Đế qua đời vào năm 33 TCN, Lưu Ngao lên ngôi hoàng đế, tức Hán Thành Đế. Tuy nhiên, sau khi lên ngôi, Hán Thành Đế sa vào ham mê tửu sắc, không chuyên tâm trong việc triều chính, thay vào đó giao hết quyền hành trong triều cho các cậu họ Vương. Từ đó, quyền lực trong triều rơi vào tay họ Vương, đứng đầu là Vương Thái hậu.
Ban đầu, Hán Thành Đế chỉ sủng ái Hứa Hoàng hậu. Nhưng khi vị hoàng hậu này tuổi cao cùng nhan sắc kém đi, Hán Thành Đế lại chuyển sự sủng ái của mình sang Ban Tiệp dư.
Do cả Hứa Hoàng hậu và Ban Tiệp dư đều không con, với sự khuyến khích của Vương Thái hậu cùng quần thần, Hán Thành Đế ra lệnh bắt đủ 3.000 mỹ nữ đưa vào hậu cung để có người nối dõi.
Sau đó, trong một lần đến phủ của chị gái là Dương A Công chúa, Hán Thành Đế đã gặp được một ca nữ tuyệt sắc, đó là Triệu Phi Yến cùng với người em là Triệu Hợp Đức. Trước nhan sắc tuyệt trần của cả hai, Hán Thành Đế đã đưa vào cung và phong làm phi tần. Kể từ đó, Hứa Hoàng hậu và Ban Tiệp dư đều bị thất sủng.
Đặc biệt, Triệu Phi Yến được coi là một trong những mỹ nhân đẹp nhất thời nhà Hán. Mỹ nhân này nổi tiếng có dung mạo tuyệt thế, nhất là thân thể nhẹ nhàng tựa như là chim yến, nên được gọi là Phi Yến. Trong khi đó, người em gái Triệu Hợp Đức thì cũng xinh đẹp diễm lệ, duyên dáng và quyến rũ. Cả hai chị em họ Triệu đều rất được Hán Thành Đế sủng ái.
Kể từ khi gặp gỡ chị em Triệu Phi Yến, Triệu Hợp Đức, Hán Thành Đế suốt ngày đắm chìm trong tửu sắc ở chốn hậu cung, thậm chí còn thường xuyên quyên cả việc thiết triều vào buổi sáng. Sau khi phế truất Hứa Hoàng hậu, Hán Thành Đế thậm chí còn lập Triệu Phi Yến làm hoàng hậu, em gái Triệu Hợp Đức làm Chiêu nghi.
Theo thời gian, do chỉ sủng hạnh hai chị em họ Triệu, sống xa hoa hưởng lạc, không màng đến chuyện chính sự, nên sức khoẻ của vị hoàng đế này ngày càng giảm sút.
Trong hai chị em, sau khi Triệu Phi Yến lên ngôi hoàng hậu, Triệu Hợp Đức lại được Hán Thành Đế sủng ái hơn. Triệu Hợp Đức do ỷ sủng mà sinh kiêu nên ra đã ra sức giết hại các cung tần có thai với Hán Thành Đế. Do đó, đến cuối đời, Hán Thành Đế vẫn không có mụn con nào. Ngay cả chị em Triệu Phi Yến tuy được sủng ái nhiều năm nhưng hai người đều không có con.
Đến năm 7 TCN, Hán Thành Đế đột ngột qua đời ngay trên giường của mỹ nhân Triệu Hợp Đức. Có ý kiến cho rằng nguyên nhân Hán Thành Đế đột tử là do dùng thuốc cường dương quá liều.
Tuy nhiên, Vương Thái hậu, mẹ đẻ của Hán Thành Đế, lại đổ lỗi cho Triệu Hợp Đức là nguyên nhân khiến hoàng đế băng hà. Sau cùng, mỹ nhân họ Triệu đã phải tự sát.
Còn Triệu Phi Yến, do có công giúp Hán Ai Đế Lưu Hân nối ngôi nên may mắn được sống sót thêm 6 năm. Lưu Hân là con trai của Lưu Khang, em trai ruột của Hán Thành Đế. Do có Triệu Phi Yến tác động nên Lưu Hân được đưa vào cung và trở thành thái tử kế vị. Tuy nhiên, sau khi Hán Ai Đế qua đời vào năm 1 TCN, Triệu Phi Yến bị gia tộc của họ Vương quay sang trả thù, bị phế truất, đồng thời bị bức tử.
Trong lịch sử, Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức được các sử gia ví như "hồng nhan hoạ thuỷ", tức là những mỹ nhân có thể gây rối triều đại.