Trên diện tích đất khoảng 1ha, trước đây chủ yếu trồng lúa và hoa màu nhưng do hiệu quả không cao nên khoảng 6 – 7 năm nay, ông Ngữ đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà. Loại cây chủ yếu được ông Ngữ lựa chọn để trồng là cây bưởi gồm bưởi diễn và bưởi da xanh vì qua tìm hiểu ông nhận thấy quả bưởi có nhiều công dụng tốt, lại để được lâu mà không cần phải bảo quản.
Trước đây, vườn bưởi của gia đình ông Ngữ có khoảng 150 cây nhưng sau quá trình một số cây bị hỏng nên ông quyết định chặt bỏ bớt, đến nay chỉ còn khoảng 100 cây.
Nhờ kết hợp nuôi gà dưới tán cây bưởi vừa giúp gia đình ông Ngữ tận dụng được nguồn phân gà thải ra trong quá trình chăn nuôi vừa giúp cây phát triển tốt, hơn nữa, gà lại giúp dọn sạch cỏ nên gia đình ông không mất công làm cỏ. Quá trình đó tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín và hiệu quả.
Trung bình mỗi năm, gia đình ông Ngữ nuôi 2 lứa gà và xuất bán ra thị trường khoảng 7.000 gà thịt mang về thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng.
Theo ông Ngữ, cây bưởi thường hay mắc bệnh sâu gốc, đặc biệt thời điểm cây bắt đầu ra hoa và kết quả cần lưu ý lúc này hay xuất hiện sâu cuốn lá. Để xử lý, chỉ cần dùng thuốc phun sâu cuốn lá là hết. Còn khi quả bưởi đã lớn thì gần như không có sâu bệnh gì nữa mà chỉ đề phòng ruồi vàng châm.
Khác với nhiều nhà vườn trồng bưởi không sử dụng túi ni lông để bọc quả, vì cho rằng làm như vậy quả bưởi sẽ không giữ được độ ngọt đậm vì không hấp thụ được ánh nắng mặt trời đầy đủ. Để ngăn chặn ruồi vàng ông dùng bẫy dính để hạn chế. Với cách làm đó, mang lại hiệu quả tương đối tốt.
Bên cạnh đó, lão nông này chia sẻ, khi trồng bưởi không nên trồng dày, hằng năm cần cắt tỉa bớt lá để quả bưởi được phơi ra, hấp thụ ánh nắng thì chất lượng sẽ ngon hơn.
Khách mua bưởi của gia đình ông Ngữ chủ yếu là khách quen, đã ăn một lần thấy chất lượng thơm ngon, khác biệt nên hằng năm đều đặt hàng, thậm chí không đủ hàng để bán.
Ngoài trồng bưởi, từ năm 2020 đến nay, xuất phát từ nhu cầu sử dụng và cung cấp ra thị trường những thực phẩm sạch, gia đình ông Ngữ còn đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng thêm dưa bao tử nhằm tận dụng nguồn phân hữu cơ ủ sẵn từ chăn nuôi lợn và gà.
Ban đầu, ông Ngữ trồng thử nghiệm vào trăm gốc dưa ngoài trời nhưng sâu bệnh nhiều. Với quan điểm không sử dụng thuốc hoá học để phun nên chi phí nhân công bỏ ra để bắt sâu tương đối lớn. Sau đó, ông tiếp tục trồng thử nghiệm trong nhà lưới, trải qua vài lần thất bại ông Ngữ mới rút được kinh nghiệm và phát triển ổn định như ngày hôm nay.
Với diện tích nhà lưới 1.500m2, hiện ông Ngữ đang trồng khoảng gần 2.000 gốc dưa bao tử. Nhờ tận dụng được nguồn phân bón sẵn có của gia đình, cộng với việc trồng dưa trong nhà lưới giúp hạn chế tối đa sâu bệnh nên không cần phải phun thuốc do đó chi phí đầu tư giảm đi rất nhiều. Trung bình mỗi năm, gia đình ông trồng khoảng 4 – 5 lứa dưa chuột bao tử với sản lượng khoảng gần 10 tấn.
Thị trường tiêu thụ dưa của gia đình ông Ngữ vẫn chủ yếu bán cho khách quen và một số cửa hàng có nhu cầu trên địa bàn với giá bán dao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, mang về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.
Với mô hình kinh tế tổng hợp như hiện nay, mỗi năm gia đình ông Ngữ có thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng.