Dân Việt

Những lần đầu tư triệu USD mua máy bay của bầu Đức và các doanh nhân Việt

P.V (Tổng hợp) 13/11/2019 13:14 GMT+7
Thông tin doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chi 1,3 triệu USD để mua máy bay nông nghiệp có lái đầu tiên ở Đông Dương đã thu hút nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Trước đó, bản thân ông Đức cũng từng bỏ tiền ra mua máy bay.

img

Bầu Đức (trái) và ông Nguyễn Thành Trung, người từng lái chiếc máy bay cho ông trước đây.

Doanh nghiệp bầu Đức chi triệu USD giữa thời điểm khó khăn

Dù đã là lần thứ hai doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chi tiền mua máy bay, song khác với lần mua chiếc máy bay đầu tiên vào năm 2008, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức lúc này đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, dù đã nhận được hàng nghìn tỷ đồng từ Thaco của ông Trần Bá Dương để tái cơ cấu nợ, chuyển đổi định hướng kinh doanh, song BCTC hợp nhất quý III/2019 của Hoàng Anh Gia Lai và Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) cho thấy, tổng mức lỗ của hai doanh nghiệp cộng lại lên tới 1.550 tỷ đồng, bằng 75% mức lỗ của toàn bộ các doanh nghiệp còn lại đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể, HAGL Agrico báo lỗ 990 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm 2018. Việc HAGL Agrico lỗ nặng trong kỳ nguyên nhân đến từ việc công ty đánh giá lại các tài sản không hiệu quả nên hoạt động khác lỗ hơn 832 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh thu thuần của doanh nghiệp cũng giảm 48% so với cùng kỳ năm 2018 do doanh thu bán trái cây vốn chiếm 70% cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico giảm 54% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, HAGL Agrico không còn hợp nhất doanh thu nhóm các công ty Đông Dương, Đông Pênh và Cao su Trung Nguyên. Đồng thời, công ty cũng chịu thiệt hại từ ngập lụt hơn 1.200 ha chuối đang trong giai đoạn thu hoạch tại Lào và không thu thanh long chính vụ.

Còn HAGL cũng báo lỗ gần 560 tỷ đồng. Nguyên nhân do doanh thu thuần trong kỳ của doanh nghiệp chỉ đạt 557 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, doanh thu thu trái cây giảm 572 tỷ đồng, xuống 352 tỷ đồng do tập đoàn không còn hợp nhất doanh thu từ nhóm công ty Đông Dương và Công ty CP Cao su Trung Nguyên và ảnh hưởng từ việc ngập lụt bất thường. Doanh thu cung cấp dịch vụ cũng giảm 73% xuống 62 tỷ đồng do tập đoàn không còn hợp nhất doanh thu từ khu phức hợp HAGL - Myanmar. Trong kỳ không ghi nhận doanh thu bán bò và bất động sản do HAGL không ưu tiên nguồn vốn lưu động tài trợ cho ngành bò mà hướng vào cây ăn trái, đồng thời chuyển nhượng một phần dự án bất động sản tại TP. Quy Nhơn cho bên thứ ba.

imgimg

Chiếc Legacy 600 được cho là của bầu Đức.

Trở lại với câu chuyện mua máy bay của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), năm 2008, ông đã chi 5,1 triệu USD để mua chiếc máy bay hãng Beechcraft King Air 350 được sản xuất bởi Beech Aircraft Corporaton (Mỹ).

Máy bay có số serier FL-417, đã bay 3.000 giờ, bảo hành 3 năm. Đây là máy bay phản lực cánh quạt hai động cơ loại nhỏ, sức chở tối đa 11 người, thân dài hơn 10 m, sải cánh hơn 15 m, buồng lái có chỗ cho 2 phi công. Đường bay chủ yếu của King Air 350 là từ TP.HCM đến các dự án của Hoàng Anh Gia Lai ở trong nước và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar với tầm bay hơn 2.000 km.

Lý do bỏ hàng triệu USD để tậu máy bay, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết để phục vụ công việc. Để đưa vào khai thác, bầu Đức còn tốn thêm khoảng 2 triệu USD nộp thuế, thuê tổ lái, bảo dưỡng kỹ thuật...

Đầu năm 2015, vị doanh nhân này tiếp tục sắm phi cơ phản lực Legacy 600 có giá 27,5 triệu USD. Chiếc Legacy 600 được ông chủ Hoàng Anh Gia Lai thực hiện thuê sau một thời gian mới được chuyển quyền sở hữu của công ty Vietstar Airlines.

Ông Trần Đình Long chi tiền mua máy bay trực thăng

Năm 2010, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng đã chi khoảng 5 triệu USD sắm chiếc máy bay trực thăng thuộc mẫu EC135Pi của công ty kinh doanh máy bay Hồng Kông - công ty VinaCopter.

Ông Trần Đình Long đã thuê Công ty Dịch vụ bay Miền Bắc thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc bảo dưỡng, lo thủ tục sử dụng chiếc EC 135P2i. Giá trị máy bay của đại gia này khoảng 5 triệu USD (tính cả thuế). Chiếc trực thăng EC 135P2i của Tập đoàn Hòa Phát sau đó đã được bán cho Công ty VinaCopter của Hồng Kông.

Mua chiếc trực thăng có tổng chi phí lên tới 5 triệu USD nhưng ông chủ Hòa Phát lại quyết định cho chính công ty của mình thuê lại với giá chỉ 1 đồng/năm. Máy bay được Tập đoàn Hòa Phát toàn quyền sử dụng cho mục đích công việc.

Trước đó, toàn bộ chi phí để đưa chiếc máy bay về Việt Nam cũng như vận hành đều do ông Long chi trả, dù hợp đồng được ký kết thông qua tập đoàn Hòa Phát.

img

Chiếc trực thăng EC 135P2i của Tập đoàn Hòa Phát đã được bán cho Công ty VinaCopter của Hồng Kông.

Cuối năm 2011, Chủ tịch Hòa Phát đã bán lại máy bay cho chính công ty mà ông đã mua. Sau đó, ông Long được cho là đã có kế hoạch mua máy bay trực thăng mới thuộc dòng EC155B1.

Nói về ý định sắm máy bay mới, gần đây, ông chủ Hòa Phát chia sẻ: "Tôi đang có ý định nhưng bị mọi người can quá. Nếu mua máy bay, tôi sẽ mua phản lực vì hoạt động ở khu Dung Quất phải đi lại nhiều. Tôi đang xem xét thôi".