Nếu dịch sởi lan đến thì số trẻ này đều nằm trong nguy cơ mắc bệnh.
Hàng trăm nghìn trẻ chưa được tiêm sởi
Đầu năm 2014, dịch sởi bùng phát trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành, với gần 1.000 người mắc (80% là trẻ em), trong đó 7 trẻ tử vong. TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi 1 của cả nước khá cao, đạt tới 90-95%. Theo các kết quả thử nghiệm, mũi 1 chỉ đảm bảo miễn dịch được khoảng 85% số trẻ. Nếu trẻ tiêm đủ 2 mũi thì mới đạt miễn dịch tới 95%.
Điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm mũi 2 lại khá thấp: Chỉ đạt 80%, ở một số địa bàn xa xôi chỉ đạt 60-70%, thậm chí 50%. Do đó, tích lũy mỗi năm 5-10% số trẻ chưa được tiêm cũng như 15-20% trẻ đã tiêm mà không miễn dịch (trong hơn 1 triệu trẻ cần phải tiêm phòng hàng năm) thì sẽ là một con số khá lớn.
Chỉ riêng Hà Nội, theo TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, hiện vẫn còn khoảng 70.000-100.000 trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm vaccine ngừa sởi. Mặc dù, tỷ lệ tiêm ngừa sởi của Hà Nội đạt tỷ lệ rất cao từ 95-98%. Do đó, ông Cảm nhận định, trong thời điểm dịch đang bùng phát như hiện nay, số trẻ chưa được tiêm ngừa sởi có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Bà Lê Thị Hồng Vân- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái cũng cho biết, chỉ riêng tỉnh Yên Bái cũng còn tới cả trăm ngàn trẻ trên 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi. Những ngày qua, tỉnh Yên Bái đã cấp tố tổ chức tiêm vét vaccine sởi cho hơn trẻ em từ 1-15 tuổi. Hiện đã có hơn 60.000 trẻ em tại 42 xã được tiêm.
Khó tiêm cho trẻ ở vùng caoÔng Đặng Văn Huynh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, dịch sởi tại huyện Bắc Mê xuất hiện từ cuối năm 2013 tại 17 thôn, bản thuộc 6/13 xã tại huyện đã làm hơn 110 người mắc. Hà Giang đã phải công bố dịch trước Tết Nguyên đán. Đến nay, về cơ bản dịch đã được khống chế. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, số ca mắc sởi vẫn xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương như Bắc Mê, Đồng Văn, Yên Minh.
“Tỷ lệ tiêm sởi của trẻ em ở tỉnh Hà Giang đạt tới 90% mũi 1 và khoảng 70-80% mũi 2. Nhưng tại các vùng núi cao, tỷ lệ tiêm rất thấp. Do đó, nếu có bệnh nhân sởi là lại lây lan sang cộng đồng” – ông Huynh cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư): Bệnh sởi không gây tử vong, nhưng làm suy giảm hệ miễn dịch khiến trẻ bị biến chứng mắc thêm nhiều bệnh nguy hiểm như viêm phổi, tiêu chảy, gây suy hô hấp. Nếu cha mẹ thấy con sốt phát ban nghi sởi, sốt cao kéo dài, khó thở, tiêu chảy nhiều thì cần đưa đi viện để được điều trị.
|
Theo ông Huynh, có nhiều thôn bản rất xa, đồng bào sống rải rác trên các đỉnh núi, vì thế cán bộ y tế phải đi đến từng nhà để vận động. Nhưng đến ngày tiêm thì họ lại đưa con đi nương rẫy, không xuống các điểm để tiêm chủng. Hiện nay, Sở Y tế đã lên kế hoạch để tổ chức vận động người dân đưa con đi tiêm phòng đầy đủ, đồng thời tổ chức tiêm vét vaccine sởi cho trẻ em.
Còn tại Yên Bái, trong số gần 730 trường hợp mắc sởi (trong đó có 2 trẻ tử vong) đa số là người Mông ở vùng cao. Điểm nóng của dịch bệnh này là các huyện Trạm Tấu, Mù Căng Chải. Mới đây nhất là tại xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn).
Bà Lê Thị Hồng Vân chia sẻ: “Tỷ lệ tiêm sởi mũi 1 của Yên Bái đạt tới 90-95% và mũi 2 đạt xấp xỉ 80%. Tuy nhiên, tại các vùng núi cao, xảy ra dịch sởi trong thời gian qua, tỷ lệ mũi 2 đạt rất thấp, chỉ khoảng 50%”. Nguyên nhân cũng là người Mông sống ở những địa bàn phức tạp, khó khăn trong việc đi lại, người dân lại có tập quán đem con đi làm nương cả tháng mới về, cán bộ chẳng biết đường nào mà tìm.
Hiện tại, việc tổ chức tiêm vaccin cũng gặp nhiều trở ngại. Cụ thể, theo quy định mới của Bộ Y tế, nhân viên y tế không được tiêm tại nhà, nhiều điểm tiêm ngoại trạm cũng không đủ điều kiện. Nhưng do điều kiện quá khó khăn, để duy trì tỷ lệ tiêm chủng và để ngăn chặn bệnh sởi, tỉnh Yên Bái vẫn phải duy trì hơn 100 điểm tiêm chủng ngoại trạm.