Dân mong làm rõ
Theo kết quả khảo sát thực hiện Nghị quyết T.Ư tại xã Thanh Văn của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, UBND xã này đã chỉ đạo cấp ủy chi bộ và lãnh đạo các tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất sai mục đích… lấy kinh phí xây dựng hạ tầng của thôn và nộp vào “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân”.
Điều này dẫn đến tình trạng các thôn tự ý tổ chức chuyển nhượng các ô, thửa đất công, đất công ích, đất xen kẹt, đổi đất lấy đất công trình từ năm 2005 đến 2013 với diện tích 34.936 m2 với số tiền 90,7 tỷ đồng.
Ngày 27.8, phóng viên NTNN có mặt tại xã Thanh Văn và ghi nhận được sự quan tâm sâu sát của người dân về thông tin này. Ông Trần Đình Bê (thôn Tam Đa) là một trong 5 người của thôn tố cáo sai phạm của lãnh đạo thôn này trong việc tự ý bán đất, nâng khống số tiền xây nhà văn hóa thôn tâm sự:
“Từ hôm qua tới nay qua thông tin báo chí về việc công bố khảo sát của đoàn kiểm tra dân chúng tôi mừng lắm. Trước đây, chúng tôi đã làm đơn tố cáo hành vi sai trái của lãnh đạo thôn và sự bao che của UBND xã Thanh Văn. Sự việc đang dần được sáng tỏ”.
Cũng theo ông Bê, chủ trương của xã là đổi đất lấy công trình công cộng phục vụ sinh hoạt cho người dân của thôn thì họ không phản đối nhưng phải công khai rõ ràng.
Ông Bê cũng cho biết, lãnh đạo thôn Tam Đa mà đích danh là ông Trịnh Ngọc Trinh (nguyên trưởng thôn, đã bị đình chỉ công tác) đổi đất ở đâu, cho ai, dân không hề biết. Ngoài ra, lãnh đạo thôn và ban kiến thiết thôn khi đổi đất lấy tiền xây dựng công trình văn hóa thôn giá trị hơn 2,9 tỷ đồng nhưng không làm dự án tổng mức đầu tư, tự áp giá nguyên vật liệu xây dựng, công trình vừa xây dựng đưa vào sử dụng đã xuống cấp, nhiều thiết bị cũ mua lại nhưng báo giá mới… Diện tích đất nhiều nơi lãnh đạo thôn tự ý bán cho người khác không ai nắm rõ được.
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại nhà văn hóa thôn Tam Đa, công trình này trị giá hơn 2,9 tỷ đồng được đưa vào cuối năm 2012, nhưng hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp, tường và trần đã nứt nhiều, khu nhà về sinh hư hỏng nặng… Nguồn tiền xây dựng được lấy chính từ chủ trương đổi đất lấy công trình.
Khi biết có báo chí về ghi nhận tình hình, nhiều bà con nông dân đã có mặt để chia sẻ và phản ánh thực tế tại địa phương. Hầu hết ủng hộ việc lập “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân”. Tuy nhiên ngoài việc họ đóng quỹ thì các nguồn đóng góp khác vào quỹ theo người dân phải rõ ràng. Họ mong muốn đừng lợi dụng chính sách tốt mà một số người xà xẻo tiền về cho mình.
Ông Nguyễn Văn Sánh (thôn Tam Đa) cho hay: “Chủ trương của Đảng ủy, UBND xã là rất tốt, giúp cho thôn làng sạch đẹp. Tuy nhiên, một số lãnh đạo thôn đã lợi dụng việc này để tham ô tham nhũng thì chúng tôi mới tố cáo. Không hiểu sao lãnh đạo xã lại bao che cho những đối tượng này. Kết luận về đơn tố cáo của người dân rất mập mờ.
Còn về “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân” chúng tôi rất hoan nghênh. Tôi cũng tham gia vào quỹ, vừa rồi tôi được nhận lương hưu 400 nghìn đồng/tháng và sẽ được hưởng cho đến khi mất. Nhưng việc thu chi quỹ cũng phải rõ ràng công khai minh bạch”.
Có sai nhưng không phạm luật hình sự
Ông Quang Văn Thỉnh – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn vẫn tỏ ra khá bình thản trước thông tin về sai phạm tại xã Thanh Văn vừa được công bố.
Ông Thỉnh cho biết: “Việc Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo và thông báo việc kiểm tra ở xã chúng tôi rất nhất trí. Nhiều người thân sau khi đọc báo đã liên tục gọi điện cho tôi nhưng tôi nói cứ yên tâm, mình không làm gì có tội với dân cả, tất cả cũng vì mục đích chung thôi. Nhưng ở đây Đoàn khảo sát của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nói chúng tôi vi phạm luật hình sự là không đúng".
Ông Thỉnh giải thích thêm, chủ trương của Đảng ủy xã Thanh Văn là không bán đất, mà chỉ đổi đất xen kẹt, ao hồ… để đổi lấy công trình và giao cho các thôn tự chủ.
“Thôn nào mà bán đất thì phải tự chịu trách nhiệm và chúng tôi cũng đã đình chỉ công tác trưởng thôn Tam Đa từ tháng 10.2013 vì có sai phạm khi triển khai chủ trương này. Việc đổi đất lấy công trình cũng là vì hoạt động công cộng của các thôn. Còn tiền thu được từ việc này cũng cho vào “Quỹ Phúc lợi và bảo hiểm nông dân” mà cũng là người dân được hưởng quyền lợi thôi. Pháp luật không cấm lập quỹ phúc lợi. Quỹ này cũng như Quỹ Vì người nghèo thôi”.
Ông Thỉnh cho biết thêm, quỹ này hiện nay còn hơn 46 tỷ đồng, khi có chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội cho rằng vi phạm thì đã tạm dừng, từ trước đến thời điểm đó không có ai ý kiến về việc này là sai cả.