Dân Việt

Chuyện những hộ 5 người sống trong nhà hơn 2m2 ở Đà thành

Kim Oanh 25/10/2014 14:20 GMT+7
Những tưởng chỉ ở phố cổ Hà Nội mới có những ngôi nhà nhỏ nhất Việt Nam, ít ai ngờ, ở ngay thành phố “đáng sống” Đà Nẵng vẫn tồn tại những ngôi nhà chỉ vài mét vuông.

Nằm, ngồi trong nhà không thể… duỗi thẳng chân

Nằm bên hông khu vực chợ Cồn, giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng, có con hẻm nhỏ hẹp dẫn vào xóm nhà ổ chuột âm u, hun hút và ẩm thấp ở tổ 10, 11, 12, 13 phường Hải Châu 2 (quận Hải Châu).

Từ đầu hẻm đi vào khoảng vài bước chân là chỗ trú tạm của bà Nguyễn Thị Thi (82 tuổi, ở tổ 10, phường Hải Châu 2). Bà Thi cho biết trước 1975, bà sống ở khu vực nhà dù trong chợ, làm nghề dọn dẹp vệ sinh. Sau đó, chợ được xây dựng lại, chính quyền đưa những người sống ở nhà dù ra ngoài chợ, rồi chia cho mỗi gia đình mấy mét vuông. Nhà bà được chia phía cuối hẻm nên diện tích chỉ hơn 4m2.

img 
Chị Xí cùng các con chui rúc trong căn nhà siêu nhỏ của mình.

Bà Thi có hai đứa con trai, trước đây ba mẹ con bà ở trong căn nhà đó thì có thể kê được chiếc giường nhỏ nhưng từ khi hai người con lấy vợ, đứa nào cũng sinh 3-4 đứa con nên bà phải chia đôi ngôi nhà. Hiện 2 ngôi nhà này thuộc “sở hữu” của con trai bà là Nguyễn Văn Thanh và con dâu Lê Thị Xí (chị dâu anh Thanh), không gian sống mỗi gia đình chỉ còn 2m2. “2m2 đến đứng còn không có chỗ đừng nói đến sống nên tui liều dựng lều tạm trước hẻm để ở nhưng phường không cho. Họ dẹp đi, họ dẹp xong tui dựng lại ở…” - bà Thi nói.

“Nhà” của anh Nguyễn Văn Thanh nhỉnh hơn 2m2 một tí, không được vuông vức mà lồi lõm. Chúng tôi đã đến đây và thử đo diện tích ngôi nhà bằng bước chân của mình, một chiều 3 bước, một chiều 5 bước. Nếu ngồi mà duỗi chân ra cũng không thể duỗi thẳng được. Thế nhưng nó là nơi trú ngụ của vợ chồng anh, vợ chồng đứa con trai lớn và đứa con trai út. Nhà bố trí vừa đủ một chỗ nấu ăn, vòi nước ngay cửa ra vào. Còn tất cả mọi sinh hoạt, tắm giặt đều diễn ra ở vòi nước ngay trước cửa nhà. Đi vệ sinh thì phải sang chợ Cồn đi nhờ.

Đêm đến, gia đình anh dọn tất cả đồ đạc xếp vào một chỗ vẫn chưa đủ rộng để 3 người ngủ thẳng chân. “Tối thì vợ chồng tui với thằng con nhỏ ngủ dưới đất, chúng tôi nằm co quắp lại để khỏi phơi thân ra ngoài… nhà” - anh Thanh tâm sự. Chúng tôi hỏi về chuyện vợ chồng của người con trai lớn thế nào, anh chỉ cười, không nói.

Cạnh nhà anh Thanh là nhà chị Lê Thị Xí. Do phía anh Thanh rộng hơn nên “nhà” chị Xí phải nhỏ lại. Cũng may, chị tận dụng thêm đường luồng nên nhà rộng thêm được 1 bước chân nữa. Trong cái “ổ” là chỗ ăn, chỗ ngủ, sinh hoạt của 5 người gồm chị, 3 đứa con (hai gái, một trai) và đứa cháu ngoại.

Chị Xí cho biết, chị làm dâu về nhà này cũng được 30 năm.

Nhà chỉ chưa đầy 4m2 thì lấy đâu ra chỗ để xây nhà vệ sinh, vì thế chị Xí cũng phải “đi” nhờ ở nhà vệ sinh chợ Cồn. Còn tắm rửa, chị tâm sự: “Đàn ông thì dễ, còn phụ nữ ban đêm mới dám ra tắm ngay vòi nước trước nhà”.

Ý kiến

Bà Phạm Thị Hồng Loan
 Vừa rồi, thành phố có cho thuê chung cư, nhưng cuộc sống bữa được bữa mất, lấy đâu trả tiền thuê. Tiền không có để thuê chỗ ở nên cả chục người phải chui rúc như ri... 

 

Cuộc sống chênh vênh

Dọc kiệt nhỏ ven chợ Cồn, khu vực tổ 10, 11, 12, 13 (phường Hải Châu 2), không thiếu những “căn nhà” siêu nhỏ như thế. Ba thế hệ nhà bà Phạm Thị Hồng Loan (67 tuổi, tổ 11) tá túc trong căn nhà chưa đầy 10m2, sát hông cổng chợ Cồn từ ngót 30 năm nay. Dưới trệt, bà Loan bố trí chỗ vệ sinh, kệ bát đĩa, kê giường nhỏ cho mình và đứa con gái ngủ, nhường căn gác cho 5 nhân khẩu nhà anh Huỳnh Duy Quang (49 tuổi), con bà.

Hai “hộp diêm” liền kề của anh em trai Nguyễn Văn Tấn (54 tuổi) và Nguyễn Văn Mai (51 tuổi, tổ 11) cũng có hoàn cảnh tương tự. Nhà chừng 10m2, lợp bằng tấm tôn rách, xung quanh chèn chống bằng những tấm phên nhựa, bạt nhặt nhạnh từ những lần đi ve chai của vợ. Trận bão Nari (2013), căn nhà bị gió bão đánh tơi tả. Nhìn lên căn nhà, ông Mai bảo “nhà thế chứ trời mưa vẫn có thể ở được, còn bão thì phải lên phường ở”.

Ông Mai tâm sự, nhà 4 người, 2 con trai đã lớn vậy mà đêm nào chúng cũng phải ngủ với vợ chồng già mới đủ chỗ. Khổ vậy, nhưng vì cuộc sống quá khốn khó, ông bị bệnh lao phổi không đi làm được, đứa con trai mới đi nghĩa vụ về, tất cả gánh nặng cơm áo gia đình đều dồn lên vai người vợ đi lượm ve chai.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trà Thanh Hải - Chủ tịch UBND phường Hải Châu 2 cho biết, hiện khu Chợ Cồn có 101 hộ, trong đó có 22 hộ nghèo. Các hộ nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm thuê ở chợ Cồn. Đàn ông thì bốc vác, chạy xe ôm, giữ xe…; phụ nữ thì làm thuê ở chợ cá, xay cá, bóc vỏ hành tỏi, rửa chén… Trong đó, khu vực có 16 hộ có nhà siêu nhỏ hình thành từ khi có chợ Cồn đến nay. Tình trạng tạm bợ này đã được thành phố quan tâm giải quyết bằng một dự án xây dựng khu dân cư cho bà con kèm với quy hoạch chợ Cồn thành trung tâm thương mại. Dự án hình thành từ 10 năm trước nhưng do thiếu vốn nên đến nay vẫn chưa được triển khai.

“Hiện thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng chợ Cồn. Dự kiến đến năm 2015 thành phố sẽ triển khai, khi đó những hộ nằm trong khu vực này sẽ được di dời đến nơi ở mới, hết sống cảnh trên”- ông Hải nói.

Thế nhưng, người dân ở khu ổ chuột có vẻ thờ ơ khi nghe “tương lai” này. Họ cho biết đã nghe quá nhiều lời hứa, nhưng cuộc sống của họ rốt cuộc vẫn chưa thay đổi. Họ cứ mãi là mặt tối, mặt khuất của một Đà Nẵng được người khắp nơi kỳ vọng là “đáng sống”.