Tăng nhập vì thịt bò nội không đủ cung ứng
Nhìn vào con số thống kê của Tổng cục Hải quan có thể thấy, sản lượng thịt bò các loại nhập khẩu là tương đối lớn. Theo đó, 8 tháng năm 2018, Việt Nam nhập khẩu hơn 24.000 tấn thịt bò các loại với trị giá gần 91 triệu USD. Như vậy, tính bình quân trị giá mỗi kg thịt bò ngoại rơi vào hơn 3,78 USD (chưa tính thuế), tương đương khoảng 87.000 đồng/kg. Mỹ và Australia là 2 thị trường nhập khẩu thịt bò chủ yếu của Việt Nam. Trong đó thịt bò Australia có trị giá bình quân cao hơn.
Tuy nhiên, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thịt bò cho biết mức giá trên có thể chỉ là trên "giấy tờ" chứ không phải thực tế. Hiện thịt bò nhập từ Mỹ đang chịu thuế từ 7-18% tùy loại nên một số doanh nghiệp cố tình khai giá thấp để giảm thuế phải nộp.
Trong bối cảnh các nước dựng lên nhiều hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu, chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến tiêu dùng, nhiều hàng hóa đang tìm đường đến Việt Nam, vốn được coi là dễ tính và cởi mở.
Cục Thú y (Bộ NNPTNT) khẳng định thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam phải qua rất nhiều khâu kiểm tra thú y, dịch bệnh. Ảnh tư liệu
Theo ông Michael Patching - Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Thịt và Gia súc Australia (MLA), Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà xuất khẩu bò trên thế giới. "MLA chính thức có mặt tại Việt Nam 3 năm trước, khi thị trường thịt bò tại Việt Nam rất sơ khai, không được quan tâm và chưa có điều kiện công nghiệp hóa.
Lý giải về việc vì sao phải nhập thịt bò, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho hay, hiện đàn bò của cả nước đạt khoảng 5,4 triệu con, giảm 14,7% so với 10 năm trước (2008) nhưng sản lượng thịt giết mổ tăng 43,4% nhờ năng suất tăng, tuy vậy, vẫn không đủ cung ứng cho thị trường nội địa.
Chính vì vậy, những năm gần đây Việt Nam đều phải nhập khẩu thêm bò sống (chính ngạch từ Úc và biên mậu từ các nước lân cận) và bò đã qua giết mổ từ Úc, Mỹ… Đối với bò sống từ Úc, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu đến 200.000 con.
Trị giá bình quân thịt bò nhập khẩu thấp hơn nhiều so với thịt bò nội. Thịt bò của Việt Nam đang dao động 250.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, trị giá bình quân thịt bò nhập khẩu từ Australia khoảng 3,96 USD/kg, tương đương khoảng 91.000 đồng/kg; thịt bò Mỹ khoảng 3,74 USD/kg, tương đương 86.000 đồng/kg.
Bò nhập khẩu có được kiểm soát chặt?
Có thể thấy thịt bò ngoại có nhiều ưu thế khiến người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều
Thịt bò của Việt Nam đang dao động 250.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại. Trong đó, trị giá bình quân thịt bò nhập khẩu từ Australia khoảng 3,96 USD/kg, tương đương khoảng 91.000 đồng/kg; thịt bò Mỹ khoảng 3,74 USD/kg, tương đương 86.000 đồng/kg. |
người vẫn băn khoăn lo ngại về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm của thịt bò ngoại có đảm bảo hay không. Thậm chí, từng có thông tin, sở dĩ thịt bò Mỹ, Australia nhập về Việt Nam có giá rẻ vì chủ yếu là hàng cận date (sắp hết hạn sử dụng).
Về vấn đề này, đại diện Cục Thú y (Bộ NNPTNT) khẳng định, thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam phải qua rất nhiều khâu kiểm tra thú y, dịch bệnh, đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm rất cao mới đến được tay người tiêu dùng.
Ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, theo Luật Thú y, Thông tư 25 của Bộ NNPTNT quy định sản phẩm thịt động vật đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng lãnh thổ không có các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và được giết mổ, chế biến từ các cơ sở có trong danh mục cơ sở sản xuất được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt vào Việt Nam.
Toàn bộ sản phẩm thịt động vật nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam với mục đích làm thực phẩm phải được cơ quan thú y có thẩm quyền nước xuất khẩu tiến hành kiểm tra: Từ nguồn gốc trang trại nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm soát trong quá trình giết mổ đến khâu đóng gói, bảo quản và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu đến Việt Nam. Nội dung chứng nhận bao gồm về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và chứng nhận sản phẩm phù hợp cho người tiêu dùng.
Căn cứ vào khai báo của chủ hàng, khi hàng đến cửa khẩu nhập cơ quan kiểm dịch tại cửa khẩu tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu của cơ quan thú y có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho lô hàng, kiểm tra thực trạng lô hàng; tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm.
Việc kiểm tra, xét nghiệm các chỉ tiêu vi sinh vật gây hại, cảm quan, lý hóa được thực hiện đối với tất cả các lô hàng. Sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, lô hàng được cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.
Đơn cử như việc kiểm dịch nhập khẩu thịt bò từ Mỹ được thực hiện theo trình tự chặt chẽ, từ khâu trước, sau khi nhập khẩu. Đặc biệt, 100% lô hàng thịt bò từ Mỹ được lấy mẫu tại cửa khẩu nhập. Sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, lô hàng được cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.
Có thể thấy rằng việc kiểm dịch nhập khẩu các loại thịt từ các nước được thực hiện theo trình tự chặt chẽ, các sản phẩm này nhập khẩu đạt yêu cầu vệ sinh thú y thì mới được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu.