Trước đó, sâu keo mùa thu cũng đã được thế giới cảnh báo sớm nhưng dịch bệnh này hiện đã lây lan từ Bắc vào Nam. Như thế, dịch bệnh này chưa qua thì sâu bệnh hại cứng đầu khác lại tiếp tục lăm le chọn Việt Nam làm điểm đến.
Sâu vẽ bùa cà chua Nam Mỹ tấn công làm rụng lá, đục quả; năng suất cà chua bị sụt giảm nghiêm trọng.
Xuất hiện từ khoảng 100 năm trước, sâu vẽ bùa cà chua Nam Mỹ (Tuta absoluta) đã tấn công làm rụng lá, đục quả; năng suất cà chua bị sụt giảm nghiêm trọng. Loài sâu này có thể lan truyền từ nước này sang nước khác nhờ gió. Tuy nhiên, con đường chính là do quá trình vận chuyển hàng hóa.
Đến năm 2006, sâu vẽ bùa đã tàn phá cà chua ở khắp châu Âu, châu Phi, Địa Trung Hải và châu Á (Bangladesh, Nepal, Thái Lan và Myanmar). Hiện nay, Việt Nam và Campuchia có khả năng là quốc gia kế tiếp ở châu Á bị dịch hại này đe dọa tấn công.
Theo GS R. Muniappan - Trường Đại học Viginia Tech (Mỹ), tổn thất kinh tế do sự xuất hiện của sâu vẽ bùa rất lớn. Trong năm đầu tiên xuất hiện loài này, Tây Ban Nha đã phải sử dụng 15 lần phun thuốc bảo vệ thực vật/vụ; chi phí tăng 450 Euro/ha. Khi sâu vẽ bùa tấn công các phần còn lại của thế giới, chi phí quản lý dịch hại cà chua sẽ tăng thêm 500 triệu USD mỗi năm.
Không có biện pháp nào loại bỏ dịch hại mới này, mà chỉ còn cách làm cho chúng phát triển chậm hơn
Sâu vẽ bùa không bay quá xa, nhưng nếu không kiểm soát kỹ, chính con người làm lây lan dịch bệnh theo các đơn hàng xuất nhập khẩu hàng hóa. GS. Muniappan cho biết ngay tại nước Mỹ, quốc gia này đang phải kiểm soát rất gắt gao nguồn cà chua nhập khẩu vì sâu vẽ bùa đã có nguy cơ xuất hiện ở Mexico.
Không có biện pháp nào loại bỏ dịch hại mới này, mà chỉ còn cách làm cho chúng phát triển chậm hơn. Việc quản lý đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và nhà vườn tại các nước đã bị tấn công và những nơi có nguy cơ bị xâm nhập.
“Cần nghiêm túc suy nghĩ trước khi nó thành dịch lớn ở Việt Nam vì sự tấn công của loài dịch hại này là không thể thay đổi”, GS. Muniappan khuyến cáo.
Việc quản lý đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và nhà vườn tại các nước đã bị tấn công và những nơi có nguy cơ bị xâm nhập.
PGS.TS Lê Văn Vàng – Trưởng khoa Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ cho biết, sâu keo mùa thu cũng đã được các nhà khoa học thế giới cảnh báo trước đó. Hiện sâu bệnh này đang gây hại trên các vùng trồng bắp ở miền Bắc, đã vào tới Đồng Nai, chưa biết chừng nào sẽ xuất hiện ở các vùng trồng bắp ở An Giang.
Với mức độ gây hại nặng tương tự sâu keo, sâu vẽ bùa cà chua tuy chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng việc cảnh báo sớm là rất cần thiết để có các biện pháp hạn chế kịp thời.
“Các loại dịch hại mới thường gây hại rất nhanh nên công tác bảo vệ thực vật phải có kế hoạch cụ thể và đẩy nhanh việc tuyên truyền để nông dân nhận biết ngay từ đầu”, TS Vàng chia sẻ.