Hôm 1/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Washington ở châu Âu là mối đe dọa đối với Nga. Cụ thể, ông nói với đại diện Bộ Quốc phòng: "Mọi người đều biết về kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở châu Âu, điều này gây nguy hiểm và đe dọa lớn cho chúng tôi".
Bên cạnh đó, ông nói thêm rằng Nga sẽ "đáp trả thỏa đáng" những nỗ lực của nước ngoài nhằm phá vỡ sự cân bằng chiến lược. Putin chia sẻ: "Tất cả chúng ta đều nhận thức rõ rằng một số quốc gia khác đang không ngừng nỗ lực phá vỡ sự cân bằng, bao gồm cả việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu ở vùng lân cận trực tiếp với biên giới của chúng tôi. Chúng tôi không thể không nhận thấy những mối đe dọa này đối với an ninh của Nga và tôi hứa là chúng tôi sẽ phản ứng".
Theo ông Putin, các hệ thống phòng không nâng cấp của Nga sẽ có thể phát hiện và tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo lẫn siêu thanh.
"Theo chương trình vũ khí của nhà nước, 25 hệ thống tên lửa phòng không S-400 và hơn 70 máy bay chiến đấu hiện đại đã được chuyển giao trong 4 năm qua. Hơn 20 hệ thống S-300 và 90 máy bay đã được nâng cấp", ông Putin nói trong cuộc họp với Bộ Quốc phòng. Ông nói thêm rằng quân đội Nga sẽ sớm nhận được một hệ thống tên lửa S-500 lô đầu tiên. "Trong những năm tới, hơn 200 máy bay và 26 hệ thống tên lửa phòng không S350 và S400, cũng như mẫu sản xuất đầu tiên và hệ thống tên lửa S500 mới nhất sẽ được cung cấp cho quân đội", ông Putin cho biết.
Trong cuộc họp, ông cũng nhắc đến việc nâng cấp thiết bị cho Hải quân Nga. Ông Putin nói: "Một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khác là trang bị cho hải quân Nga những thiết bị và vũ khí hiện đại. Trong 4 năm qua, Hải quân đã đưa vào biên chế 49 tàu chiến mới, 9 hệ thống tên lửa bờ biển và 10 máy bay".
Đầu tháng này, ông Putin nói rằng cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ đang gia tăng, sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 1972.
Vào tháng 8/2019, Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), được Liên Xô và Mỹ ký vào năm 1987. Hiệp ước này áp dụng cho các tên lửa đất đối không được triển khai và không được triển khai, tầm trung (1.000-5.000 km) và tầm ngắn (500-1.000 km). Bình luận về động thái của mình, Mỹ cho biết đó là vì Nga đã từ chối tuân theo yêu cầu của Washington về việc loại bỏ các tên lửa hành trình 9M729 mới, chúng bị cho là vi phạm Hiệp ước INF. Moscow bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc, đồng thời nói rằng các thông số kỹ thuật của tên lửa 9M729 đáp ứng các điều kiện mà hiệp ước cho phép.
Một tháng sau, Tổng thống Putin đã gửi thư tới lãnh đạo một số quốc gia, bao gồm cả các thành viên NATO, đề nghị tạm hoãn triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu cũng như các khu vực khác. Mặc dù vậy, Mỹ đã từ chối đề nghị này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.