EURO 2024 có 13 nhà tài trợ chính thức toàn cầu, trong đó có một nhà tài trợ là công ty cá cược Betano đặt trụ sở tại Hy Lạp. Như vậy, khả năng sẽ có nhiều nội dung quảng cáo của nhà cái này chạy trên các màn hình quảng cáo đặt quanh các sân vận động.
Các nội dung này sẽ xuất hiện trên sóng truyền hình. Việt Nam mua bản quyền phát hình toàn bộ các trận EURO 2024, vì thế các nội dung này có thể lọt vào mắt khán giả Việt Nam. Mà theo luật pháp Việt Nam thì việc này là phạm pháp.
Theo Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, việc để xuất hiện những hình ảnh quảng cáo, quảng bá dịch vụ cá cược, cá độ bất hợp pháp trong chương trình truyền hình phát sóng tại Việt Nam và không có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời là vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.
Vậy xử lý việc này thế nào? Chiếu theo luật, chẳng lẽ cấm phát sóng các trận đấu?
Thứ nhất, xét về mặt kỹ thuật, có thể dùng công nghệ "quảng cáo ảo" (virtual advertising) để che các biển quảng cáo của Betano.
Nếu là một người từng xem bóng đá, bạn khônng lạ gì với những bảng quảng cáo quanh sân bóng. Ngày trước, chúng được in bằng các chất liệu in ấn như bạt highflex, mỗi bảng một thương hiệu. Tiếp theo, một bảng quảng cáo có thể quảng cáo cho 3 - 4 thương hiệu tùy thời điểm nhờ bộ phận cơ khí như cuốn ru-lô. Rồi bạt được thay bằng màn hình điện tử LED, việc thay đổi thương hiệu quảng cáo trên các màn hình càng dễ dàng.
Nhưng quảng cáo thì phải hướng tới khách hàng mục tiêu. Chả ích gì khi quảng cáo của một thương hiệu khoai tây chiên hướng đến dân thành phố Berlin lại xuất hiện trên màn hình tivi của một khán giả đang sống tại Hà Nội.
Công nghệ "quảng cáo ảo" giúp xử lý vấn đề trên. Trong cùng một khung hình với cùng một pha tranh bóng, nội dung quảng cáo trên màn hình lại hiện lên khác nhau tùy vào khu vực địa lý của khán giả theo dõi. Ví dụ khi khán giả Việt Nam đang nhìn thấy thương hiệu Vinamilk thì cũng trận đó, giây phút đó, pha bóng đó, khán giả Thái Lan nhìn thấy thương hiệu bia Chang trên tivi.
Quảng cáo ảo giúp các thương hiệu được "xuất hiện" tại các sự kiện thể thao lớn, ví dụ khi khán giả Việt Nam trầm trồ một nhãn hiệu giày dép Việt Nam xuất hiện trong một trận World Cup, thực tế nhãn hiệu đó chỉ xuất hiện trước mắt người xem ở Việt Nam mà thôi. Nhưng được xuất hiện trước mắt hàng triệu người Việt Nam, đúng đối tượng mục tiêu thì đã thắng lớn rồi.
Quảng cáo ảo giúp các thương hiệu tiết kiệm tiền bạc, ví dụ thương hiệu khoai tây chiên ở Berlin giờ chỉ cần chi một khoản thấp hơn nhiều so với ngày trước để mua quảng cáo. Quảng cáo ảo tối đa hóa lợi nhuận cho nhà tổ chức giải đấu, các đơn vị nắm bản quyền truyền hình, ngày trước họ bán quảng cáo cho 50 thương hiệu thì bây giờ, vẫn với kích thước sân bóng như vậy, họ có thể bán cho 1.000 thương hiệu.
Thậm chí, chính các đơn vị mua bản quyền truyền hình có thể mua được giá rẻ hơn nhờ quảng cáo ảo. Ví dụ, nếu như hàng chục công ty ở Việt Nam mua quảng cáo màn hình trên sân tại giải EURO 2024 hướng đến khán giả truyền hình Việt Nam thì đơn vị bán bản quyền truyền hình giải đấu sẽ phải chia lợi nhuận cho đơn vị Việt Nam mua quyền phát sóng giải đấu.
Công nghệ quảng cáo ảo này xuất hiện khoảng 10 năm nay, đầu tiên khá thô sơ, tốn kém, làm người xem khó chịu. Nó được cải thiện dần, dùng chip trên màn hình để điều khiển, một con chip có thể nhận tới 4 nguồn tín hiệu cùng lúc để phát 4 quảng cáo khác nhau. Bây giờ thì có quảng cáo ảo tiến rất nhanh nhờ công nghệ AI.
Ví dụ nếu có quảng cáo của Betano trên sân, các đơn vị tiếp sóng truyền hình Việt Nam có xử lý được không? Việc xử lý chỉ tốt khi ở đầu nguồn, tức là từ ngay bộ phận quay, đạo diễn, xe màu, thu sóng. Ở cuối nguồn, tức là các đơn vị tiếp sóng, việc xử lý có thể mang đến các trải nghiệm khó chịu cho người xem.
Xem một số phim và chương trình truyền hình, khi nhân vật đưa chai nước lên uống, phần nhãn hiệu chai nước bị làm mờ, phần này chỉ xuất hiện vài giây đã khiến người xem khó chịu, hãy tưởng tượng ta phải xem cái hình ảnh bị làm mờ này suốt 100 phút (tính cả bù giờ) của một trận đấu bóng đá thì khó chịu đến mức nào.
Thứ hai, xét về mặt pháp lý, còn phải tùy vào hợp đồng của Betano với UEFA và ban tổ chức EURO 2024. Nếu Betano là nhà tài trợ chính thức toàn cầu thì trên nguyên tắc, hình ảnh thương hiệu của họ tại các trận đấu EURO 2024 được quyền xuất hiện trên toàn thế giới, không nhà phân phối bản quyền truyền hình nào có thể dùng quảng cáo ảo để loại họ.
Tuy nhiên, đi sâu vào từng hợp đồng, có thể UEFA và các nhà phân phối bản quyền truyền hình nói cho Betano biết rằng tại nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia… cá độ là phạm pháp, và nhà cái này nên ký hợp đồng tài trợ chính thức toàn cầu ở mức "hạn chế" hơn, với mức giá mềm hơn. Song trên thực tế, phải nói rằng các nước châu Á coi cá độ là phạm pháp kể trên đều là các thị trường màu mỡ của các nhà cái.
Đơn vị Việt Nam mua quyền phát sóng khi thương thảo bản quyền truyền hình có thể cho bên bán biết, luật pháp Việt Nam cấm quảng cáo cá độ, rượu, thuốc lá… để họ có thể xử lý ngay từ khi khởi thảo hợp đồng. Nói chung, bây giờ giữa người mua quảng cáo (A1), người tổ chức (A2), người bán bản quyền truyền hình (A3), người mua quyền phát sóng (A4) tạo thành rất nhiều đường mua bán để vận hành.
Thế còn gặp trường hợp lỡ mua quyền phát sóng phải gánh luôn cả quảng cáo hãng cá độ trên thì sao? Thì cứ phát và đóng phạt hành chính chứ sao, tin tốt cho các nhà đài là mức phạt nhẹ hều, có vài chục triệu đồng.
8/20 đội bóng ở giải Premier League quảng cáo cho các hãng cá cược trên ngực áo cầu thủ. Chưa có công nghệ quảng cáo ảo nào xử lý thay, xóa hay che được các quảng cáo này. Vậy mà kênh K+ vẫn phát giải Premier League tì tì nhiều năm nay đó thôi, có sao đâu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.