Quảng Ninh: Xây khu neo đậu tránh trú bão gần 500 tỷ đồng, nhưng cứ có bão lại "đẩy" tàu đi?

Hoàng Trình Chủ nhật, ngày 02/08/2020 11:23 AM (GMT+7)
Chỉ cần có gió cấp 9, lực lượng chức năng huyện Cô Tô lại yêu cầu các tàu cá không được neo đậu tại Khu neo đậu tránh trú bão và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ trên địa bàn huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh).
Bình luận 0

Anh Trần Văn Hồng là chủ tàu thu mua cá TH-92.686 (từ Thanh Hóa ra Cô Tô), đang cho tàu neo đậu tàu trong Khu neo đậu tránh trú bão và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ. Vừa nghe thông tin về cơn áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2, anh tất tả giục anh em thuyền viên chuẩn bị cho tàu vào bờ tránh gió.

Vì sao đầu tư gần 500 tỷ, Khu neo đậu tránh trú bão cứ có bão lại phải đuổi tàu đi? - Ảnh 1.

Nhiều ngư dân và chuyên gia về khai thác thủy sản cho rằng nếu đầu tư thêm vào Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ trên địa bàn huyện Cô Tô cũng vẫn không thể tránh trú bão.

Anh Hồng cho biết, tàu của anh cũng như nhiều tàu cá khác đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng… thường xuyên neo đậu tại Khu neo đậu tránh trú bão và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ để tránh gió. 

Tuy nhiên, mỗi khi có bão hoặc chỉ cần có gió cấp 9 trở lên, lực lượng Biên phòng và chính quyền huyện Cô Tô lại ra thông báo không cho neo đậu tại đây.

"Có khu neo đậu này cũng rất tiện, nhưng do không có núi che chắn nên khi có gió cấp 6-7, tàu bé không thể neo đậu mà phải chạy vào khu Kho Gạo. Nếu có gió cấp 9 trở lên, những tàu cỡ lớn 200-300CV cũng phải chạy qua khu vực Cửa Đối của Vân Đồn để tránh bão", anh Hồng cho biết.

Đã có kinh nghiệm nhiều năm đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển Cô Tô, anh Nguyễn Xuân Quý, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Cô Tô cho biết, kể từ khi được đưa vào hoạt động, khu neo đậu tránh trú bão này không chỉ giúp ngư dân Cô Tô mà còn giúp ngư dân các tỉnh khác đánh cá tại vùng biển này làm nơi neo đậu. 

Tuy nhiên do đầu tư còn dang dở, tàu thuyền chỉ có thể neo đậu trong điều kiện thường, chưa thể tránh trú bão được. Ngoài ra khu hậu cần nghề cá cũng chưa được đầu tư, bởi vậy, cá, tôm đánh lên sẽ được các tàu chủ động bảo quản và mang về địa phương để bán.

"Do tường chắn sóng thấp, lại có đến 3 mặt giáp biển nên khi có sóng lớn, sóng đánh qua bờ kè rất nguy hiểm. Nếu có bão thì thường là triều cường, ngoài sóng còn có gió giật 4 hướng rất mạnh nên không có tàu nào chịu được nếu tránh trú tại đây. 

Khu neo đậu này được tính toán là khu neo đậu cấp vùng lại quá nhỏ, nhiều khi không đủ chỗ để các tàu cá neo đậu. Nếu được đầu tư thêm, xây thêm tường chắc song hay xây thêm kè cũng chỉ tránh được gió lên đến cấp 9", anh Qúy nói.

Vì sao đầu tư gần 500 tỷ, Khu neo đậu tránh trú bão cứ có bão lại phải đuổi tàu đi? - Ảnh 2.

Nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Theo thông tin từ UBND huyện Cô Tô, Dự án Khu neo đậu tránh trú bão và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá vịnh Bắc Bộ giai đoạn I tại huyện đảo Cô Tô được khởi công từ năm 2009, thời gian thực hiện 5 năm. 

Tổng mức đầu tư của dự án đã được điều chỉnh là 466,73 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Biển Đông - Hải đảo, chương trình hỗ trợ mục tiêu đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão, ngân sách tỉnh, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Năm 2012, giai đoạn I của dự án được hoàn thành, gồm: Khu neo đậu, tránh trú cho các tàu khai thác thủy hải sản tại ngư trường Bắc vịnh Bắc Bộ.

Đến cuối năm 2015, giai đoạn II của dự án triển khai, tổng mức đầu tư trên 61 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình hỗ trợ có mục tiêu đầu tư khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá của Trung ương. 

Dự án bao gồm các hạng mục: San tôn nền; hệ thống đường giao thông; hệ thống thoát nước mặt; hệ thống thu gom nước thải, bể xử lý nước thải; hệ thống cấp nước; hệ thống sân bãi tập kết; hệ thống cấp điện; khu nhà quản lý, điều hành; các hạng mục cụm phụ trợ gồm tường rào, sân bê tông nội bộ, nhà trực, bể chứa nước sinh hoạt.

Vì sao đầu tư gần 500 tỷ, Khu neo đậu tránh trú bão cứ có bão lại phải đuổi tàu đi? - Ảnh 3.

Do chưa có khu hậu cần, ngư dân phải mua thực phẩm, gas, nước… của các tàu bán lẻ ở gần đó.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Cô Tô cho biết, dự án tại Cô Tô được thực hiện lồng ghép vừa là Khu neo đậu kết hợp Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Do mới được đầu tư giai đoạn 1 nên chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu ban đầu đặt ra.

"Hiện nay, UBND huyện Cô Tô đang hoàn thiện thủ tục để thu hút các nhà đầu tư dự án khu dịch vụ hậu cần nghề cá theo hình thức PPP. Với tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng khu dịch vụ hậu cần nghề cá gồm nhà máy sản xuất đá lạnh, khu chế biến thủy sản. 

Còn phần đê chắn sóng phía Bắc do Sở NN&PTNT tỉnh đề xuất và cũng sớm được triển khai trong thời gian tới", ông Tuấn cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ tại huyện Cô Tô (gọi tắt là dự án hậu cần nghề cá) đã từng được Kiểm toán Nhà nước (Khu vực VI) và Thanh tra huyện Cô Tô tiến hành kiểm toán, thanh tra, qua đó kiến nghị xử lý về kinh tế gần 3,2 tỷ đồng.

Vì sao đầu tư gần 500 tỷ, Khu neo đậu tránh trú bão cứ có bão lại phải đuổi tàu đi? - Ảnh 4.

Thanh tra tỉnh Quảng Ninh khẳng định, trách nhiệm tập thể của những sai phạm trên thuộc về UBND huyện Cô Tô và Ban Quản lý dự án.

Sau đó, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh chỉ lựa chọn kiểm tra thực tế hiện trường khối lượng xây lắp thuộc gói thầu đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu 600CV và hạng mục khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá (hệ thống phao neo) đã phát hiện ra nhiều sai phạm tại dự án.

Được biết, UBND tỉnh Quảng đang đề xuất đầu tư thêm các hạng mục để hoàn thiện khu neo đậu, tránh trú bão Bắc vịnh Bắc Bộ với tổng mức đầu tư thêm gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về thủy sản và ngư dân đánh giá sẽ không hiệu quả nếu tiếp tục đầu tư vào dự án này.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem