Quốc hội thông qua, cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Quốc hội đồng ý cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Hoàng Thành
Thứ năm, ngày 18/06/2020 10:38 AM (GMT+7)
Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL để quyết định những vấn đề được phân quyền, để thực hiện phân cấp.
Sáng 18/6, với 449/457 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,96% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Trước khi biểu quyết thông qua, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã được ban hành VBQPPL để quyết định những vấn đề được phân quyền, để thực hiện phân cấp hoặc quy định những biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm riêng của địa phương.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ban hành VBQPPL để quyết định những vấn đề đặc thù ở địa phương không phải là phổ biến, chỉ phát sinh ở một số ít địa phương và thực tế đã có giải pháp để xử lý.
Đối với trường hợp luật phân quyền cho chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, nếu cần thiết ban hành VBQPPL để thực hiện thì luật phải giao cụ thể, do đó đây không phải là vấn đề mới.
Riêng trường hợp HĐND, UBND cấp huyện ban hành VBQPPL để phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chưa được quy định trong Luật BHVBQPPL.
Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp huyện được ban hành VBQPPL để phân cấp cho cấp dưới như thể hiện tại Điều 30 của dự thảo Luật.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là đề nghị quy định rõ hơn về thời gian cơ quan chủ trì soạn thảo gửi văn bản tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và phạm vi, chủ thể, thời hạn thực hiện phản biện xã hội của MTTQVN để bảo đảm tính khả thi.
Theo Chủ nhiệm UB Tư Pháp Lê Thị Nga, hiện nay, việc phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL đang được thực hiện theo quy định của Luật MTTQVN. Dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về hoạt động phản biện xã hội của MTTQVN và các tổ chức thành viên trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL tại Điều 6.
Các vấn đề về thời gian gửi văn bản, phạm vi, chủ thể, thời hạn phản biện xã hội thuộc trình tự, thủ tục thực hiện phản biện xã hội, hiện đang được quy định tại Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, quy định rõ trong Nghị quyết liên tịch số 403.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) quy định, VBQPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng VBQPPL của chính cơ quan Nhà nước đã ban hành văn bản đó, hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền.
Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành. Văn bản bãi bỏ VBQPPL phải được đăng Công báo, niêm yết theo quy định.
Cũng theo Luật này, một văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể được ban hành để đồng thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cùng cơ quan ban hành trong 3 trường hợp:
Để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; Nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ có liên quan chặt chẽ với nhau để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với văn bản mới được ban hành; Để thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được phê duyệt. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.