Rệu rã cán bộ "ăn rơ" với kẻ cắp

Chủ nhật, ngày 14/10/2012 06:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chỉ có một cách trả lời: Bộ không gương mẫu hoặc lãnh đạo không giỏi, cấp dưới không làm việc, làm việc lơ mơ hoặc cố tình a tòng với kẻ cắp, kẻ cướp và thường xuyên “lấy báo cáo thay tay chân”.
Bình luận 0

Kẻ cướp chặt rồi tẩu tán ngon lành 3 cây sưa “ngàn tỷ” cách bản doanh một khu bảo tồn ở Quảng Bình gần cây số. Cổ thụ rừng phòng hộ Nam Đông, Thừa Thiên - Huế bị đốn như ngả rạ từ ngày có đường cái quan chạy qua. Nhưng chỗ rừng bị phá nhiều nhất, cây cổ thụ đáng giá nhất cũng chỉ cách trạm bảo vệ rừng 300m.

Ai cũng biết, tiếng cưa máy loại nặng trong khung cảnh rừng sâu hoang vắng có thể nghe vang xa đến 3 cây số. Vậy mà người ta không nghe, không nhìn, không ý kiến gì hết. Có lẽ người ta đang bận đếm tiền hay chia chác, hay đơn giản đã gục hết bên bàn nhậu hoặc đang ngả ngớn đánh tá lả (?!).

Khai thác quặng sắt ở Bắc Kạn với xe ủi, xe xúc và lán trại công nhân, rịch ràng hàng năm liền, quặng tặc tập kết một núi quặng đến 2.000 tấn, chính quyền huyện xã bảo “không có thông tin”, không thấy “dân phản ảnh” (!). Chắc không ai quên vụ một mỏ than bị cướp ròng rã 10 ngày với hàng ngàn tấn than, kẻ cướp huy động cả xe tải nặng, ban giám đốc mỏ vẫn không biết!

Người Trung Quốc không cần mặc đồ người nhái hay đặc công mà với giấy tờ hợp pháp vào nuôi cá sát sườn quân cảng Cam Ranh nhiều năm... Thịt bẩn từ miền Bắc tập kết vào Đồng Nai, có người xây cả mấy bể lớn để ngâm thịt bẩn vào hóa chất cho... thơm, tươi. Cơ sở sản xuất quy mô ấy hoạt động đàng hoàng trước mắt chính quyền xã.

Bộ trưởng không thể về một lâm trường ra chỉ thị, kiểm tra hoặc thức đêm thức hôm canh gác ngăn bọn lâm tặc, bọn cướp than, quặng sắt hay bọn luồn sâu một cách hợp pháp vào cạnh quân cảng cần bảo mật bậc nhất của nước ta. Để làm việc đó đã có một hệ thống chính quyền, đoàn thể từ trên xuống dưới.

Nhưng tại sao tất cả những chuyện như trên, rất nhiều, vô khối những chuyện như trên vẫn xảy ra hàng ngày hàng giờ? Chỉ có một cách trả lời: Bộ không gương mẫu hoặc lãnh đạo không giỏi, cấp dưới không làm việc, làm việc lơ mơ hoặc cố tình a tòng với kẻ cắp, kẻ cướp và thường xuyên “lấy báo cáo thay tay chân”.

Sợ nhất là nghe giải trình với những động từ chia ở thì tương lai. Sẽ làm, sẽ kiểm tra, sẽ điều chỉnh, sẽ trừng phạt nghiêm khắc... nhưng thường là “sẽ làm” lại đồng nghĩa với “không làm” hoặc không bao giờ làm!

Không thể quản lý đất nước chỉ bằng chỉ thị, nghị quyết. Mà phải có một đội ngũ cán bộ, nhân viên từ trên xuống dưới có thực tài, có tâm huyết vì nước vì dân thực thi các chỉ thị, nghị quyết nhiều như trấu ấy!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem