"Ròm" - từ tội đồ thành người hùng của điện ảnh Việt

Dạ Vũ Thứ bảy, ngày 26/09/2020 15:00 PM (GMT+7)
Bộ phim "Ròm" chính thức công chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 25/9/2020. Theo số liệu thống kê chưa chính thức, phim đã đạt doanh thu khoảng 10 tỉ đồng ngay trong ngày đầu ra mắt và là phim có số lượng vé đặt trước cao nhất (hơn 20 nghìn vé) trong năm 2020.
Bình luận 0
"Ròm" - từ tội đồ thành người hùng của điện ảnh Việt - Ảnh 1.

Hiếm có một bộ phim nào lại có hành trình ra rạp đầy khó khăn, trắc trở và lâu dài như "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy. Để có được gần 90 phút chiếu trên màn ảnh rộng tại các rạp trên cả nước, đoàn làm phim đã phải đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt, máu và cả một thời thanh xuân 8 năm trời. Nhưng có lẽ, những thành quả bộ phim đem lại giờ đây là phần thưởng xứng đáng cho họ - những người trẻ dũng cảm của điện ảnh Việt.

Từ tội đồ với hình phạt nặng nhất mà một bộ phim phải chịu...

Chỉ một năm trước đây thôi, "Ròm" còn đang là một tội đồ với án phạt 40 triệu vì phát hành mà chưa được cấp phép phổ biến, dù bộ phim đã giành giải cao nhất tại Liên hoan phim Busan. Bản phim dự thi còn bị buộc tiêu hủy như một tang vật gây án nghiêm trọng. Đó có lẽ là một trong những hình phạt nặng nề nhất mà một bộ phim phải chịu. 

Nhưng những nhà làm phim và sản xuất phim đã không bỏ cuộc sau sự cố đó. Họ vẫn âm thầm thực hiện các thủ tục để xin cấp phép cho "Ròm" được chính thức công chiếu tại Việt Nam. Cuối cùng, bộ phim cũng qua được vòng kiểm duyệt để được trình chiếu. 

Tuy nhiên, một khó khăn lại xuất hiện. Thời điểm dự kiến ra rạp rơi đúng vào đỉnh điểm của dịch Covid-19 nên phim lại phải dời lịch chiếu. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp – người gắn bó với "Ròm" và Trần Thanh Huy từ những ngày đầu – đã chia sẻ: "Không biết là xui rủi hay may mắn nhờ Covid mà "Ròm" đang từ một người chịu án phạt giờ lại trở thành "người hùng" của điện ảnh Việt Nam, được cả làng điện ảnh mong chờ, vì đây là bộ phim duy nhất dám ra rạp vào thời điểm tất cả các phim lớn đều cẩn thận vì sợ khán giả không ra rạp vào mùa này. "Ròm" có vẻ như một trường hợp "không còn gì để mất". Bộ phim đã "chạy" không ngừng nghỉ từ 8 năm về trước, cho đến ngày hôm nay đạo diễn cùng những người làm phim vẫn đang tiếp tục "chạy" và chúng tôi mong hành trình ấy sẽ bớt khó nhọc khi có khán giả ở bên cạnh!".

"Ròm" - từ tội đồ thành người hùng của điện ảnh Việt - Ảnh 2.

Hành trình gian khó của tuổi thanh xuân

Đạo diễn trẻ Trần Thanh Huy từng là học trò của đạo diễn kì cựu Nguyễn Vinh Sơn tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Ý tưởng cho câu chuyện trong phim "Ròm" đến với Huy trong quá trình làm phim tốt nghiệp với phiên bản ban đầu là phim ngắn "16 giờ 30". Phim ngắn này đã đem lại cho anh thành công đầu đời là thủ khoa chuyên ngành đạo diễn và một loạt giải thưởng tại các liên hoan phim ngắn trong nước, vinh dự được chọn chiếu tại LHP Cannes năm 2013. 

Từ thắng lợi ban đầu đó, đạo diễn ấp ủ mong muốn làm phim dài từ chính ý tưởng về những đứa trẻ bán vé dò tại vùng lao động nghèo của Sài Gòn. Dự án phim "Ròm" đã hình thành với thành phần chính đa số là những người trẻ đầy nhiệt huyết. Đối với họ đây đều là phim đầu tay, vì vậy họ dồn hết tâm huyết tuổi trẻ vào quá trình làm bộ phim này. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn xúc động nói về bộ phim dài đầu tay của học trò: "Để có được phim dài "Ròm" là cả một thời thanh xuân!".

"Ròm" - từ tội đồ thành người hùng của điện ảnh Việt - Ảnh 3.

Hãy cùng điểm qua những con số biết nói về bộ phim: 8 năm thực hiện (từ khi hình thành ý tưởng đến khi hoàn thiện), 27 bản dựng, 2 D.O.P (giám đốc hình ảnh – Nguyễn Vinh Phúc và Nguyễn Khắc Nhật), 7 quay phim, 89 ngày quay. Nhưng đằng sau những con số đó là biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của những con người đã làm nên "Ròm" – một bộ phim không có những yếu tố ăn khách thời thượng như diễn viên đẹp, yêu đương lãng mạn hay kĩ xảo hiện đại. 

Với đề tài gai góc và kén khán giả về một hiện thực đời sống khốc liệt, nhem nhuốc, lộn xộn của tầng lớp lao động nghèo dưới đáy xã hội, "Ròm" – như đạo diễn Dustin Nguyễn nhận định - là một sự đầu tư liều lĩnh, mạo hiểm trong thời buổi ngày nay. Nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan (HKFilm) đã đặt cược vào bộ phim mà hầu như không ai tin tưởng sẽ là một bộ phim tốt, bởi ông đã nhìn thấy quyết tâm của đạo diễn và những người trẻ làm phim này. 

Đạo diễn Trần Thanh Huy nói về tác phẩm tâm huyết của mình: "Đây là câu chuyện về tầng lớp thấp nhất trong xã hội. Nhưng trong tầng lớp thấp nhất đó có một thứ rất quan trọng: Họ không bao giờ bỏ cuộc, họ luôn luôn cố gắng, họ luôn luôn vươn lên, họ luôn luôn chạy và họ sẽ không bao giờ dừng lại!". 

Đó cũng chính là tinh thần, ý chí của những nhà làm phim "Ròm" trên hành trình gian khổ của tuổi thanh xuân theo đuổi niềm đam mê điện ảnh.

"Ròm" - từ tội đồ thành người hùng của điện ảnh Việt - Ảnh 4.

... Tới người hùng của điện ảnh Việt bằng sự ấn tượng đến mức choáng váng

Với tất cả những gian nan mà bộ phim phải vượt qua, cộng với giải thưởng danh giá tại LHP Busan năm 2019, "Ròm" trở thành một hiện tượng của điện ảnh Việt và là một trong những phim được trông đợi nhất năm 2020. Đối với những khán giả được xem "Ròm" trên màn ảnh rộng, đó thực sự là những trải nghiệm đáng giá và khó quên. 

Có thể nói ngay rằng, câu chuyện của "Ròm" không phải là một câu chuyện dễ tiếp nhận với nhiều khán giả - những người ít tiếp xúc đời sống dưới đáy xã hội với những tệ nạn như lô đề, đòi nợ, giang hồ… Một hiện thực xô bồ, ngổn ngang và khốc liệt với những đứa trẻ bụi đời làm nghề bán vé dò, đoán số đề, với những người lao động nghèo sống trong chung cư lụp xụp giữa lòng Sài Gòn sôi động. Những khuôn hình đầy ắp hình ảnh của một thế giới vẫn ngày ngày tồn tại xung quanh chúng ta nhưng lại đầy những góc khuất ít người biết tới, những âm thanh ồn ã của cuộc sống đời thường mà ta vẫn nghe hàng ngày song những tiếng kêu đầy ẩn ức có mấy ai quan tâm để ý.

"Ròm" - từ tội đồ thành người hùng của điện ảnh Việt - Ảnh 5.

Đạo diễn Trần Thanh Huy chỉ đạo một cảnh quay của "Ròm".

Thật đáng ngạc nhiên và ấn tượng với những gì các nhà làm phim trẻ đã cảm nhận và đưa lên màn ảnh. Tất cả những ngóc ngách, con hẻm nhỏ, bãi đất hoang, mái nhà lợp ngói trên chung cư cũ, chợ búa, xóm nổi trên sông…, bối cảnh bộ phim rải rác khắp nơi trên đất Sài Gòn và được thể hiện rất thật lên màn ảnh. 

Trải rộng về địa hình, lại quay ở nhiều thời điểm, thời tiết mưa nắng khác nhau nên việc quay phim gặp rất nhiều khó khăn. Không có nhiều kinh phí cho thiết bị máy móc, đèn đóm đắt tiền, các nhà quay phim phải tận dụng ánh sáng tự nhiên một cách tốt nhất, vì vậy đoàn phải quay đúng thời điểm, đúng vị trí để có được những cảnh quay hiệu quả. Đạo diễn Phan Đăng Di đã gọi cách làm của đoàn làm phim "Ròm" là một thứ điện ảnh "du kích", tức là quay bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. 

Thời gian quay phim dài và phải quay bằng nhiều loại máy khác nhau (trong đó phần lớn là quay bằng máy Canon Red Pro 5.0). Chính vì thế đến khâu hậu kì, việc cân màu giữa các dòng máy khác nhau khá vất vả và nhờ phần lớn vào tay nghề của Bùi Công Anh – người chỉnh màu cho phim. Hầu hết các cảnh quay đều thực hiện trong những con hẻm rất nhỏ nên khó thao tác và buộc phải cố định máy quay trên xe máy.

"Ròm" - từ tội đồ thành người hùng của điện ảnh Việt - Ảnh 6.

Khi xem phim, khán giả sẽ có cảm giác hơi chóng mặt và nghiêng ngả trong nhiều phân đoạn phim. Đó là cảm giác rất chân thực theo từng hành động, bước chạy của các nhân vật, và cũng là chủ đích của các nhà làm phim. Chính D.O.P Nguyễn Vinh Phúc đã đề xuất ý tưởng với đạo diễn là sử dụng gần như toàn bộ cảnh quay trong phim bằng góc máy nghiêng. Thủ pháp độc đáo ấy đã góp phần quan trọng trong việc miêu tả cuộc sống bấp bênh, không bằng phẳng dễ dàng của những người lao động tầng lớp thấp trong xã hội. 

Hình ảnh rõ ràng là một điểm mạnh không thể phủ nhận của bộ phim, gây ấn tượng, thậm chí làm người xem choáng váng. Nhà quay phim đã sử dụng nhiều ống kính góc rộng đẩy sát vào gần nhân vật để khán giả có thể thấy rõ từng biểu cảm trên gương mặt diễn viên, cảm nhận được cả hơi thở của nhân vật trong từng cú máy.

Đặc biệt ấn tượng là cảnh quay Ròm đánh nhau với Phúc dưới bùn. Đây là một trong những cảnh khó nhất nhưng cũng được đoàn phim tâm đắc nhất. Để thực hiện cảnh quay chỉ dài vài phút nhưng rất kì công này, hai diễn viên Trần Anh Khoa (Ròm) và Anh Tú Wilson (Phúc) đã phải tập luyện rất kĩ càng và trong quá trình quay còn bị xây xát khắp người. Họ đã không ngại xả thân trong bối cảnh khắc nghiệt đầy bùn đất, sỏi đá và nước bẩn để đem lại những thước phim không thể chân thực hơn cho người xem. 

Một số khán giả cho rằng cảnh này quá bạo lực, nhưng điều không thể phủ nhận là hiệu quả thị giác và cảm xúc của cảnh quay đến người xem là vô cùng ấn tượng. Nỗ lực của các diễn viên và cả đoàn làm phim xứng đáng được trân trọng và nhìn nhận một cách công bằng, vượt lên những định kiến thông thường.

"Ròm" - từ tội đồ thành người hùng của điện ảnh Việt - Ảnh 7.

Bên cạnh thế mạnh về hình ảnh thì âm thanh – âm nhạc trong phim cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Bài hát "Chạy" của Wowy rất hợp với ý nghĩa và tinh thần của bộ phim, như thể được viết riêng cho "Ròm" vậy. Những ca từ gắn liền với hình ảnh chạy của các nhân vật, như kể câu chuyện về chính cuộc sống của họ: "Chạy vì miếng ăn, chạy vì nhà cửa, chạy vì một nửa và vì gia đình cha mẹ tương lai…". 

Đạo diễn Trần Thanh Huy đã rất nhạy cảm và đúng đắn khi mời Wowy tham gia phim với cả hai vai trò là ca sĩ và diễn viên. Tài năng và sức ảnh hưởng của Wowy đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút các khán giả trẻ đến rạp xem phim này.

"Ròm" - từ tội đồ thành người hùng của điện ảnh Việt - Ảnh 8.

Ngoài ra, âm nhạc trong phim còn thành công nhờ quyết định mạnh bạo của nhà sản xuất đồng ý cho đạo diễn làm hậu kỳ âm thanh và nhạc tại Pháp. Với sự hợp tác rất hiệu quả của những nghệ sĩ giỏi như nhà thiết kế âm thanh Phạm Anh Khoa, giám sát âm thanh Boris Chapelle và đặc biệt là nhạc sĩ tài năng Tôn Thất An, phần âm thanh và âm nhạc trong phim đã thể hiện rất sống động không khí của cuộc sống đô thị náo nhiệt nhưng cũng có những khoảng lặng đáng giá. 

Nhạc sĩ Tôn Thất An mời thêm một ca sĩ opera người Pháp với giọng ngân đặc biệt, hòa quyện với nhạc cụ dân tộc và lời Rap của Wowy, mix lại thành một bản phối sang trọng hơn, độc đáo hơn. Đạo diễn Trần Thanh Huy rất hài lòng với kết quả này, anh vô cùng trân trọng những gì họ đã làm cho bộ phim và cảm thấy thật may mắn khi có những người nghệ sĩ cùng đồng hành với mình trên một con đường. Huy nói: "Đó là một khoảng thời gian mà tôi đã được sống trọn vẹn với nghề Điện ảnh!".

Nhiều nhà làm phim Việt Nam đã thể hiện tinh thần ủng hộ và cổ vũ mạnh mẽ với bộ phim "Ròm". Ngay trong buổi chiếu ra mắt báo giới, rất đông người nổi tiếng của giới showbiz như Mỹ Tâm, Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn – Cát Phượng… đã đến xem và bày tỏ tình cảm yêu mến, khâm phục với những người làm phim. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định: "Ròm là một phim truyền cảm hứng vì nó đem lại cảm xúc rất mãnh liệt!". Còn đạo diễn Dustin Nguyễn thì dự đoán: "Nếu Ròm thành công về mặt thương mại thì nó sẽ tạo một sức mạnh cho rất nhiều nhà làm phim trẻ".



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem