Cổ vật và sắc phong bị đánh cắp ở Việt Nam được tuồn qua Trung Quốc như thế nào?

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 13/04/2023 08:00 AM (GMT+7)
Anh Trần Ngọc Đông - người phát hiện ra vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán trên sàn đấu giá cổ vật của Trung Quốc đã có những chia sẻ với Dân Việt về con đường tuồn cổ vật, sắc phong bị đánh cắp từ Việt Nam ra nước ngoài.
Bình luận 0

Anh nhìn nhận như thế nào chuyện sắc phong ở nhiều di tích (đình, đền, chùa) ở các làng quê bị đánh cắp, xảy ra nhiều năm qua?

- Trước hết, tôi rất đau xót trước tình trạng này. Việc bị đánh cắp cổ vật nói chung, sắc phong nói riêng là mất những di sản có giá trị rất lớn đối với cộng đồng, với việc bảo tồn văn hóa. Và việc để mất những cổ vật đó cũng là lỗi rất lớn của người đương thời đối với tiền nhân. Thời phong kiến, cứ hễ đình, đền mà bị mất vật gì quý trong đình, đền, chùa, miếu… là ông Lý Trưởng bị mất chức và bị kỷ luật rất nặng chứ không phải chuyện chơi đâu.

Sắc phong là văn bản của nhà vua ban để phong chức tước cho quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng cho các vị thần, thành hoàng được thờ tự trong các đình, đền của làng. Trong các loại sắc phong thì sắc phong thần được coi là quan trọng nhất.

Cổ vật và sắc phong bị đánh cắp ở Việt Nam được tuồn qua Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.

Anh Trần Ngọc Đông - người đã phát hiện ra việc sắc phong của Việt Nam được rao bán ở Trung Quốc. Ảnh: FBNV.

Xưa kia sắc phong có ý nghĩa to lớn với làng xã về mặt tinh thần và tâm linh. Người ta coi sắc phong như "linh hồn" của di tích, như "thánh chỉ" của vua phong sắc cho thần để thần che chở, hộ vệ cho làng… vì thế được toàn dân giữ gìn cẩn thận coi như bảo vật. Sắc là tài sản chung của cả làng, cả xã nên thường được lưu giữ tại đình, đền.

Ngày xưa, các cụ thường cất sắc phong trong một ống quyển, ống quyển ấy lại được đặt trong một hòm sắc để ở nơi cao nhất của ngôi đình. Hàng năm, Xuân Thu nhị kỳ, làng mở hội, sắc được các chức sắc mở ra phơi trong bóng mát, không để ánh nắng mặt trời chiếu rọi trực tiếp. Nếu chẳng may sắc phong thần bị hỏng thì cả làng phải chịu tội. Vì thế nếu có bị thất lạc rách hỏng sắc phong do thiên tai, giặc giã chức sắc của làng phải trình bẩm để xin lại phó bản để thờ.

Sắc phong không chỉ là cổ vật, di sản mà còn là kho tư liệu có giá trị lớn về mặt lịch sử. Trong sắc phong luôn ghi rõ thời gian ban sắc, người được ban sắc và địa phương được ban sắc, dựa vào đó người ta có thể biết di tích có lịch sử bao nhiêu năm, vị thần được thờ trong di tích có công trạng như thế nào. Đó là lí do mà khi mất sắc phong, người dân cứ đau đáu đi tìm. Nhiều địa phương còn cử hẳn một ban làm nhiệm vụ đến các viện nghiên cứu để tìm kiếm sắc phong của làng và xin sao y bản chính lại.

Cổ vật và sắc phong bị đánh cắp ở Việt Nam được tuồn qua Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 2.

Sắc phong Việt Nam được rao bán trên sàn đấu giá cổ vật của Trung Quốc. Ảnh: Fb Trần Ngọc Đông.

Theo như tôi biết thì đền Quốc tế ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bị mất cắp 39 sắc phong vào tháng 5/2021. Ngôi đền này trước đó có 40 sắc phong do các đời vua nhà Lê, nhà Nguyễn ban cho nhưng bị thất lạc mất 1 sắc phong. Lúc sắc phong bị đánh cắp, những người được giao nhiệm vụ trông nom ngôi đền rất buồn. Bác Trưởng BQL đền buồn tới mức đổ bệnh, không ăn không ngủ được. Bác ấy cảm thấy việc để mất những đạo sắc mà tiền nhân truyền lại là như mất đi linh hồn của ngôi đền, mất đi linh hồn của làng... và rất có lỗi với tiền nhân. Và chính tôi là người đã hứa với bác ấy sẽ cố gắng tìm giúp trong khả năng có thể của mình.

Ngoài ra, làng Bạch Xá (Duy Tiên, Hà Nam) từng bị mất 15 sắc; Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) bị mất 10 sắc; Hoàn Dương (Phú Xuyên, Hà Nội) 3 sắc… Hầu hết đều bị mất trong khoảng vài năm trở lại đây. Tôi phát hiện ra, có những sắc phong vừa bị mất hồi tháng 4 thì tháng 8 đã xuất hiện trên các trang rao bán cổ vật của Trung Quốc.

Là người tìm hiểu kỹ về việc sắc phong bị đánh cắp, anh thấy con đường đi của sắc phong bị đánh cắp ra nước ngoài như thế nào?

- Qua tìm hiểu, tôi phát hiện ra rằng, việc sắc phong bị đánh cắp ở Việt Nam được tuồn qua Trung Quốc rất nhanh. Trước hết, các sắc phong chủ yếu do kẻ xấu ở địa phương vì tiền bạc mà bán rẻ lương tâm xông vào di tích để trộm cắp. Sau khi trót lọt, chúng sẽ bán các sắc phong này cho các "đầu nậu" buôn cổ vật. Người ta gọi những người này bằng những cái từ mỹ miều là "trùm cổ vật" chứ thực ra họ là những con buôn không hơn không kém. Các con buôn này sau khi mua được sắc phong, do không biết chữ Hán nên lại giả đóng vai người làng, lân la lên các group (diễn đàn) về cổ vật để hỏi xem ý nghĩa và niên đại của sắc phong rồi mới bán cho các lái buôn Trung Quốc.

Cổ vật và sắc phong bị đánh cắp ở Việt Nam được tuồn qua Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 3.

12 sắc phong được rao bán trên sàn đấu giá cổ vật của Trung Quốc dịp này có niên đại từ thời Lê đến thời Nguyễn. Ảnh: Fb Trần Ngọc Đông.

Ngay cả Công ty Shanghai Yangming Auction Co., Ltd có đăng tải thông tin Phiên đấu giá cổ vật "Giấy cũ phồn hoa – Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm" có 12 sắc phong của Việt Nam ngày 22/4/2023 tại Trung Quốc tới đây cũng chỉ là đơn vị trung gian. Họ tổ chức đấu giá để ăn hoa hồng chứ họ không phải là chủ sở hữu của những sắc phong này.

Có một điều rất nguy hiểm đó là các sắc phong này khi về đến tay các tay buôn cổ vật Trung Quốc thì họ sẽ nghiễm nhiên coi đây là những sắc phong thuộc thời phong kiến của họ. Và Trung Quốc có luật chống chảy máu cổ vật rất chặt chẽ, nghiêm minh. Những ai mà vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng. Vì thế, việc tuồn cổ vật ra bên ngoài rất khó khăn. Và đó cũng là lí do sắc phong bị đánh cắp ở Việt Nam được bán sang Trung Quốc thì dừng lại ở đó và không di chuyển sang các nước khác. Thực ra, lần này may sàn đấu giá cổ vật này đăng tải những hình ảnh này lên mạng thì mình mới biết thôi chứ họ không đăng lên cũng rất khó để mò ra.

Với tôi, việc bị mất cắp sắc phong đã là một chuyện đau lòng, việc sắc phong bị rao bán trên các trang thương mại điện tử của nước ngoài như những món hàng lại càng đau lòng hơn. Lúc này, câu chuyện đã không còn đơn thuần là việc bị mất cắp nữa mà là câu chuyện văn hóa bị chà đạp.

Từ việc sắc phong bị đánh cắp đến việc sắc phong bị rao bán ở nước ngoài, anh có thấy việc bảo quản cổ vật nói chung, sắc phong nói riêng tại các di tích ở làng quê đang rất có vấn đề?

- Đúng, việc bảo quản sắc phong và cả cổ vật ở các làng quê hiện đang rất có vấn đề. Trước nay, chúng ta vẫn quen bảo quản theo ý thức hệ. Tức là sắc phong và cổ vật thờ tự trong đền, đình là vật thiêng, có sự bảo hộ của thánh, thần nên không ai dám sờ tới, nếu sờ tới sẽ bị thánh trừng phạt. Ngày xưa thì việc này đúng là rất hiệu quả nhưng ngày nay nhiều thứ đã khác.

Bây giờ kẻ gian là những thành phần bất hảo, họ không có ý thức tâm linh như ngày xưa nên không sợ bị thánh thần quở phạt, sợ bị quả báo về sau mà tiền bạc đối với chúng mới là thứ tối thượng nhất. Trong khi đó, việc bảo quản các sắc phong lại đang rất thô sơ, sơ sài… Đa số các địa phương đều giao cho BQL là những cụ cao niên của làng trông nom, các di tích lại không gắn camera hay hệ thống báo động chống trộm, nên trộm đột nhập đánh cắp rất dễ. Mất rồi cũng không có ai chịu trách nhiệm. Người có lòng tự trọng thì thấy có lỗi với tiền nhân, người không có tự trọng thì xem việc đó không liên quan đến mình.

Nói thế để thấy nhận thức của chính quyền địa phương và của người dân trong việc bảo vệ sắc phong, cổ vật đang rất yếu. Chưa có một sự phối hợp nào thật khoa học và đồng bộ để bảo quản sắc phong một cách tuyệt đối cẩn mật cả. Ngoài ra, công tác kiểm kê, thống kê di sản hàng năm của Bộ VHTTDL cũng đang chưa thực sự hiệu quả, nói cách khác là còn mang tính hình thức. Trong câu chuyện này, việc nâng cao nhận thức và có những quy định chặt chẽ trong bảo quản cổ vật là trách nhiệm của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, việc này hiện đang diễn ra rất tự phát và Bộ VHTTDL gần như chưa đưa ra được các phương án để hỗ trợ các địa phương trong bảo quản sắc phong.

Đã đến lúc, chúng ta phải nâng cao dân trí của mình lên để bảo vệ di sản, bảo vệ cổ vật mà cha ông truyền lại. Và rất cần những quy định riêng, rất cụ thể về vấn đề này. Ví dụ, khi để xảy ra một vụ mất cắp cổ vật thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm như thế nào, hàng năm phải kiểm kê ra sao. Một việc rất quan trọng nữa là cần phải tiến hành sao y bản chính để tránh trường hợp bị hư hỏng, thất lạc bởi những lí do khách quan. Ngoài ra, cần phải nghĩ xem có cần một cơ sở lưu trữ tài liệu nào đó làm trung gian khi các di tích không đủ năng lực để bảo quản cổ vật.

Theo anh, làm cách nào để có thể hồi hương được những sắc phong bị đánh cắp đang được rao bán trên các trang thương mại của nước ngoài?

- Việc hồi hương sắc phong bị đánh cắp đang được rao bán trên các trang thương mại nước ngoài, trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ VHTTDL. Bộ VHTTDL cần phải kết hợp với Bộ Ngoại giao để tìm ra các phương án nhằm hồi hương các sắc phong này phù hợp với quy định của nước sở tại. Trung Quốc họ có những quy định rất chặt chẽ trong việc đưa cổ vật của họ ra khỏi lãnh thổ chứ không như Việt Nam mình. Quy định của Việt Nam mình trong vấn đề này đang có rất nhiều kẽ hở lắm. Chính quyền địa phương cũng phần phải phối hợp với Bộ VHTTDL, thậm chí tìm ra con em của làng có đủ tiềm lực tài chính để huy động họ cùng tham gia.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem