Hai anh em ruột ngộ độc botulinum vẫn liệt cơ sau 3 tuần điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Bạch Dương Thứ năm, ngày 01/06/2023 16:05 PM (GMT+7)
Sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng liệt cơ của 2 anh em ruột bị ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.
Bình luận 0
Sau 3 tuần, hai bệnh nhân ngộ độc botulinum vẫn liệt cơ - Ảnh 1.

Bệnh nhân ngộ độc botulinum tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn trong tình trạng gần như liệt hoàn toàn. Ảnh: BVCC

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân là 2 anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi, thường trú tại Hậu Giang) nhập viện khoảng 3 tuần trước.

Người em nhập viện ngày 18/5, trong tình trạng bệnh nặng, sức cơ tứ chi 1/5, liệt cơ hoàn toàn, thở máy qua nội khí quản. Bệnh viện đã điều trị tích cực, mở khí quản sớm, tăng cường kiểm soát nhiễm trùng, chống huyết khối, điều trị dinh dưỡng và các hỗ trợ khác.

Sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng liệt dây thần kinh cơ vẫn không cải thiện, sức cơ tứ chi vẫn 1/5, đang được kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.

Người anh, nhập viện trong tình trạng khá hơn, tỉnh táo. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn tiến xấu hơn, sức cơ tứ chi 2/5-3/5. Bệnh nhân cũng được mở khí quản sớm, ngăn ngừa huyết khối và nhiễm trùng.

Đây là 2 bệnh nhân nằm trong chùm ca bệnh người lớn ngộ độc botulinum tại TP.HCM vừa qua. Người bệnh có triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, đau bụng, choáng váng sau một ngày ăn bánh mì kẹp chả lụa. Sau đó, các dấu hiệu nặng hơn, xuất hiện nhìn đôi, đau cơ và nhập viện với chẩn đoán ngộ độc botulinum.

Trong quá trình điều trị, gia đình bệnh nhân khá khó khăn, vì trước thời điểm nhập viện, một người chưa có bảo hiểm y tế. Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và cơ quan bảo hiểm xã hội, để giải quyết tình huống đặc biệt này.

Theo Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho hai bệnh nhân ngộ độc botulinum tại đây 130 triệu đồng.

Với trường hợp người em chưa có bảo hiểm y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã trực tiếp liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang, và nhận được sự hỗ trợ tích cực. Sau 2 giờ trao đổi, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 1/5 cho người em.

 2 trường hợp trong chùm 3 ca ngộ độc botulinum xảy ra khi TP.HCM này cạn kiệt thuốc giải độc. Mặc dù TP đã được nhận 6 lọ thuốc giải độc, do Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ. Nhưng do nhận thuốc quá trễ, các bệnh nhân đều không được chỉ định sử dụng. Ngay trong ngày nhận được thuốc, một trường hợp 45 tuổi nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, cho rằng việc chậm trễ cung ứng thuốc giải botulinum, không thể cứu chữa được bệnh nhân, là chuyện "rất đau buồn". Bệnh nhân đã bị lỡ thời gian vàng cấp cứu.

Theo các chuyên gia, thuốc giải là phương án tốt nhất, nhưng phải dùng đúng thời điểm, sử dụng khi bắt đầu có triệu chứng yếu liệt, giúp trung hòa chất độc trong máu.

Theo bà Lan, không chỉ thuốc giải độc botulinum, các loại huyết thanh kháng bệnh dại, thuốc giải độc rắn hay nhiều loại khác cũng thiếu triền miên. Nguyên nhân là bệnh viện thường dự trù hằng năm các loại thuốc này, nhưng luôn đối diện nguy cơ chậm và thủ tục, xin số đăng ký từ Bộ Y tế rất phức tạp. Trong khi giá thuốc lên đến vài nghìn USD một lọ, rất đắt đỏ, thuốc nhập về không dùng, hết hạn phải hủy bỏ.

Để tránh xảy ra việc này, Việt Nam phải dự trữ quốc gia về thuốc phòng ngừa ngộ độc botulinum và một số thuốc hiếm khác, trong đó, Bộ Y tế phải là đầu mối dự trữ và điều tiết.

Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Y tế như kinh phí dự trữ quốc gia, danh mục dự trữ quốc gia, bà Phạm Khánh Phong Lan kiến nghị Chính phủ sớm cho ý kiến, hoặc giao Bộ Tài chính có hướng dẫn chi tiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem