Sầu riêng ngày càng được ưa chuộng nhờ kiểm soát lượng đường, giảm nguy cơ ung thư, cơ hội cho Việt Nam

P.V Thứ ba, ngày 05/01/2021 08:30 AM (GMT+7)
Theo nguồn freshplaza.com, quy mô thị trường trái sầu riêng toàn cầu sẽ đạt 28,6 tỷ USD vào năm 2025 và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,2% trong giai đoạn năm 2019 - 2025.
Bình luận 0

Theo freshplaza.com, sự tăng trưởng của thị trường trái sầu riêng được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng về ẩm thực, cùng với sự mở rộng của ngành du lịch. 

Ngoài ra, nhận thức về lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng đối với trái sầu riêng được nâng cao cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu sản phẩm. 

Loại quả này giúp kiểm soát lượng đường và giảm nguy cơ ung thư do có đặc tính chống oxy hóa, chống trầm cảm và chống lão hóa. 

Trong số các sản phẩm làm từ trái sầu riêng, thì sản phẩm bột và sầu riêng dạng nhuyễn cấp đông chiếm thị phần lớn, trong năm 2018 các sản phẩm này chiếm 70% trong số các sản phẩm được làm từ trái sầu riêng. 

Thái Lan và Malaysia là những thị trường sản xuất sầu riêng và xuất khẩu sầu riêng dạng nhuyễn đông lạnh trên toàn thế giới. 

Do sản phẩm này dễ vận chuyển hơn là cung cấp trái sầu riêng tươi, bảo quản được lâu hơn, vì vậy các sản phẩm này dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn dự báo.

Hiện, 100% sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc đến từ Thái Lan với khối lượng và giá trị năm 2018 tăng gần gấp đôi so với năm 2017.

Năm 2018, nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan vào Trung Quốc đạt 432.000 tấn với trị giá 1,1 tỉ USD, qua đó đưa sầu riêng trở thành loại trái cây nhập khẩu có giá trị lớn thứ hai tại Trung Quốc, sau quả anh đào (cherry).

Hồi tháng 6/2020, những container sầu riêng đông lạnh của Việt Nam cũng được xuất khẩu sang Australia và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Hiện, Việt Nam đang xúc tiến đàm phán để có thể xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, khi đó, cơ hội cho trái sầu riêng Việt Nam sẽ rộng mở hơn.

Kiểm soát lượng đường, giảm nguy cơ ung thư, trái sầu riêng đang được cả thế giới ưa chuộng - Ảnh 1.

Nông dân TP.Cần Thơ thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Cùng với tiềm năng xuất khẩu từ sầu riêng, theo dự đoán, xuất khẩu rau quả trong năm 2021 sẽ có nhiều thuận lợi nhờ các hiệp định thương mại tự do. Theo ước tính, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,26 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2019. 

Năm 2020, ngành hàng rau quả của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, do đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp tới đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ tại nhiều thị trường. 

Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả năm 2021 được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực. 

Bộ Công Thương khuyến cáo, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2021, doanh nghiệp xuất khẩu nên tăng cường đầu tư vào sản phẩm chế biến, bảo quản hàng rau quả đáp ứng các yêu cầu về xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, thiên tai dự báo vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2021.

Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến lớn nhất đối với hàng rau quả của Việt Nam. Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng rau quả và đáp ứng đúng các tiêu chuẩn mà phía Trung Quốc yêu cầu.

 Đáng chú ý, mặc dù trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, nhưng đều tăng trưởng khá trong 11 tháng năm 2020, điều này khẳng định chất lượng hàng rau quả của Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu cao tại các thị trường này.

 Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Úc tăng rất mạnh trong 11 tháng năm 2020, đạt 57,9 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được coi là thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn đối với ngành hàng rau quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem