Sinh viên học ngành này thu nhập hấp dẫn, mới ra trường nhận 10-15 triệu/tháng, về sau có thể được 40 triệu/tháng

Tào Nga Chủ nhật, ngày 04/06/2023 06:01 AM (GMT+7)
Đây là một ngành học hấp dẫn với triển vọng việc làm rộng mở tại các doanh nghiệp nội địa lẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Sinh viên ra trường nhận lương thưởng hấp dẫn.
Bình luận 0

Học ngành Công nghệ thực phẩm ở đâu, điểm chuẩn bao nhiêu?

Chia sẻ về lý do ngành Công nghệ thực phẩm đang hot thời gian gần đây, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm – đồ uống rất tiềm năng, chiếm tỉ lệ cao nhất (35%) trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng, đạt 15% GDP và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, Công nghệ thực phẩm đang là một ngành học hấp dẫn với triển vọng việc làm rộng mở tại các doanh nghiệp nội địa lẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, ngành Công nghệ thực phẩm là một ngành khoa học chuyên về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,…

Sinh viên học ngành này ra trường nhận lương thưởng hấp dẫn, doanh thu các công ty luôn cao ngút - Ảnh 1.

Sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm. Ảnh: HOU

Sinh viên muốn theo ngành học này cần có đam mê và sở thích về công nghệ sản xuất các sản phẩm thực phẩm; yêu thích nghiên cứu về thực phẩm; nhạy bén, nhanh nắm bắt được tâm lý, nhu cầu ẩm thực; tính cẩn thận, tỉ mỉ và nhẫn nại; ham tìm tòi, học hỏi; có tư duy sáng tạo, khả năng phân tích cao.

Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, sinh viên theo học ngành này sẽ học các môn cốt lõi về kỹ thuật, công nghệ, khoa học thực phẩm và nhiều môn lựa chọn về công nghệ chế biến các sản phẩm thực phẩm như: sữa và sản phẩm từ sữa (phô mai, kem…), đường và bánh kẹo, trà – cà phê – cacao, thịt và các sản phẩm từ thịt (xúc xích, đồ hộp, pate…), sản phẩm từ thủy sản, dầu béo,…

Người học sẽ được đào tạo để trở thành những kỹ sư có tay nghề cao, nắm bắt được kỹ thuật và công nghệ sản xuất thực phẩm hiện đại, có thể thiết kế quy trình sản xuất, thiết kế sản phẩm thực phẩm; đảm bảo chất lượng quy trình và sản phẩm; có thể vận hành và triển khai sản xuất thực phẩm quy mô công nghiệp.

Hiện nay có nhiều trường đào tạo ngành này như Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc Gia TP.HCM; Trường Đại học Quốc tế - Đại học quốc gia TP.HCM; Trường  Đại học Công nghiệp TP.HCM; Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM; Trường Đại học Mở Hà Nội...

Điểm chuẩn vào khoa Công nghệ thực phẩm cũng khá phù hợp với năng lực của thí sinh. Ví dụ như năm 2022, các trường lấy dao động từ 16,5-23 điểm.

Học Công nghệ thực phẩm ra làm gì, lương bao nhiêu?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS Tạ Thị Thu Thuỷ, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Mở Hà Nội cho hay: "Phổ việc làm của ngành Công nghệ thực phẩm rất rộng, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người và thuộc 4 mảng (chế biến và bảo quản thực phẩm, phân tích chất lượng thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, tư vấn) nên các bạn phải luôn luôn có ý thức trau dồi kiến thức (kiến thức cơ bản, kiến thức liên ngành) và trau dồi kỹ năng (tay nghề chế biến thực phẩm và các kỹ năng mềm để xử lý các vấn đề liên quan).

Sinh viên học ngành này ra trường nhận lương thưởng hấp dẫn, doanh thu các công ty luôn cao ngút - Ảnh 2.

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm, sinh viên được tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp lớn. Ảnh: NTCC

Sinh viên học Công nghệ thực phẩm sau tốt nghiệp có công việc đa dạng như tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp (Sản xuất cồn, rượu bia, nước giải khát, chế biến sản phẩm từ sữa, sản phẩm lên men từ thịt, hải sản, rau củ quả, sản xuất bánh kẹo, đường, chế phẩm tinh bột...); nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn (giảng dạy trình độ cao đẳng ngành công nghệ thực phẩm; nghiên cứu ứng dụng tạo sản phẩm mới, tư vấn chuyển giao công nghệ); kiểm định (tham gia kiểm nghiệm, phân tích chất lượng thực phẩm); kinh doanh (kinh doanh và tư vấn kỹ thuật sản phẩm thực phẩm)...".

Theo PGS.TS Tạ Thị Thu Thuỷ, tỉ lệ sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm của trường sau tốt nghiệp có việc làm lên tới 92% với mức thu nhập ban đầu lên tới 10-15 triệu/tháng. Ở cấp quản lý có thể lên tới 30-40 triệu đồng/tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem