Sơn La: Nhà văn hóa bỏ hoang gần 11 năm chỉ sau một lần họp dân

Châu Sơn - Tuệ Linh Chủ nhật, ngày 27/10/2019 13:16 PM (GMT+7)
Nhà văn hóa bản Tường Cà (xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) được đưa vào sử dụng từ năm 2008 với giá trị xây dựng trên 800 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã gần 11 năm, nhà văn hóa này mới chỉ họp dân được một lần, để rồi sau đó các hạng mục bị phá hoại, hỏng hóc và nhà văn hóa trở thành nhà hoang cho cỏ mọc…
Bình luận 0

Theo phản ánh của nhân dân, chúng tôi tìm tới bản Tường Cà (nay là bản Cà sau khi sáp nhập từ tháng 8/2019), một trong những bản tái định cư thủy điện Hòa Bình được di chuyển đến đây từ cuối năm 2005. Khi đó, mấy chục hộ vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình đã phải hy sinh nơi “chôn rau cắt rốn” để nhường đất cho dự án.

img

Đường vào bản tái định cư Tường Cà.

Để đảm bảo cho cuộc sống mới của các hộ tái định cư bản Tường Cà, huyện Phù Yên đã đầu tư một số công trình dân sinh cho bản, trong đó có nhà văn hóa bản được đầu tư xây dựng sau mấy năm các hộ đến tái định cư tại nơi ở mới.

Thời điểm xây dựng, thay vì đầu tư xây dựng tại nơi thuận tiện, trung tâm bản cho người dân đi lại nhà văn hóa lại được đặt xa bản, nằm thấp dưới đường vào bản phía bên ta luy âm và đối diện với khu nghĩa địa của bản Cà. Do vậy, công trình được mong mỏi bấy lâu lại chỉ có thể họp dân được một lần rồi từ đó đến nay cứ thế bị bỏ quên thành nhà hoang cho cỏ mọc, gây lãng phí tiền nhà nước đầu tư…

img

Nhà văn hóa bản được xây dựng cho bản tái định cư Tường Cà đã bị bỏ hoang như này gần 11 năm.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau gần 11 năm bị bỏ hoang, ngoài các hạng mục, hệ thống, thiết bị điện của nhà văn hóa đến nay đã không còn gì. Toàn bộ phần mái, trần nhà văn hóa đã bị sập đổ hoàn toàn. Cửa ra vào và cửa sổ của nhà văn hóa cũng đã bị phá hỏng, chỉ còn sót lại mấy khung cửa sổ đã mục hỏng. Do bị tác động của thời gian và bàn tay con người nên gạch lát nhà văn hóa từ trong ra ngoài cũng bị cậy lên hoặc vỡ gần hết. Thậm chí, bên trong và ngoài hành lang nhà văn hóa còn đầy phân gia súc…

img

img

Cây cỏ mọc um tùm cả ngoài và trong nhà văn hóa.

Cũng tại bản Tường Cà, cách đó chỉ hơn chục mét là dãy nhà xây lớp học cắm bản cũng được đầu tư xây dựng phục vụ cho 2 bản đã sáp nhập. Tuy nhiên, một số phòng học bị mưa bão gây tốc mái, không có tổ chức, cá nhân nào đứng ra tu sửa, bảo trì, trông chờ vào nhà nước nên cũng đã từng bị bỏ hoang, khiến cho công trình ngày một hư hỏng thêm. Thậm chí, đến nay lớp học đã được lợp tôn nhưng các trang thiết bị, hệ thống điện của lớp học cũng đã hỏng hết và bỏ không rất hoang phí …

img

img

Nhà lớp học cắm bản Tường Cà cũng từng bị bỏ hoang. Hiện tại trang thiết bị của một số phòng học đã bị hỏng hết.

Ông Đinh Văn Muôn, hộ tái định cư bản Tường Cà, thông tin: "Khi xây dựng nhà văn hóa, dân chúng tôi không được tham gia ý kiến về địa điểm. Do vậy, nhà văn hóa được xây dựng xa bản, nằm đối diện với nghĩa địa của bản khác và thấp hơn đường nội bản. Khi nhân dân thắc mắc thì cán bộ nói xây ở đó để cho cả các hộ bản Cà dùng chung vì khi đó bản sở tại này chưa có nhà văn hóa. Tuy nhiên, nhà văn hóa cũng chỉ họp dân được một lần là bỏ không cho đến bây giờ".

img

Toàn bộ cửa sổ của nhà văn hóa đã bị mất hết.

Trong khi đó, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phù Yên cho hay công trình nhà văn hóa bản Tường Cà được đầu tư xây dựng từ năm 2008 thuộc nguồn vốn Dự án 1382 về ổn định đời sống của nhân dân vùng chuyển dân sông Đà xây dựng thủy điện Hòa Bình (nay là Đề án 1460 theo Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 23-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Công trình khi đó được xây dựng với mục đích là nơi sinh hoạt chung của cả bản Cà và bản tái định cư Tường Cà. Cũng do việc xây dựng xa bản, chưa đúng với nhu cầu sử dụng của nhân dân nên mới xảy ra việc nhà văn hóa bị bỏ hoang như vậy.

img

Phần mái, trần của nhà văn hóa cũng không còn.

Ông Đinh Văn Lịch, Phó Bí thư, Phó trưởng bản Cà, cho biết: "Nhà văn hóa nằm ở vị trí đó không nhận được sự đồng tình của nhân dân. Khi xây dựng xong cũng không có sân, phía sau là con suối Cà chảy qua, phía trước là nghĩa địa của bản Cà. Mặc dù trước đó, ban quản lý bản Tường Cà đã tuyên truyền, vận động nhân dân nhưng cũng không ai đến đó họp và kết quả là nhà văn hóa đã bị bỏ không. Mãi sau này, huyện lại tiếp tục đầu tư xây cho bản Tường Cà nhà văn hóa khác nằm ở trung tâm bản".

img

Sau khi nhà văn hóa trước đó xây dựng bị bỏ hoang, huyện Phù Yên lại tiếp tục đầu tư nhà văn hóa khác ở khu trung tâm bản.

Được biết tại địa bàn các xã khó khăn của huyện Phù Yên vẫn còn nhiều bản đang chưa có nhà văn hóa được xây dựng kiên cố như nhà văn hóa bản Tường Cà. Thậm chí, ngay cả các huyện và thành phố Sơn La, còn nhiều tổ, bản đến nay vẫn chưa có nhà văn hóa, người dân phải mượn tạm nhà của các đơn vị để sinh hoạt. Vậy mà tại địa bàn huyện Phù Yên lại để hoang phí một nhà văn hóa được xây dựng kiên cố với giá trị đầu tư không phải nhỏ cho cỏ mọc um tùm và hỏng hóc theo thời gian

Cả ông Hà Văn Săng, Bí thư Đảng ủy xã và ông Nguyễn Văn Sỹ, Chủ tịch UBND xã Tân Lang thừa nhận việc để hoang nhà văn hóa bản Tường Cà nhiều năm như vậy là gây lãng phí tiền nhà nước đầu tư. Tới đây xã sẽ trình huyện xin kinh phí tu sửa lại để dùng làm nhà văn hóa sinh hoạt chung cho 2 bản đã sáp nhập, thay vì để hoang cho cỏ mọc.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem