Tắc cửa khẩu, nhiều doanh nghiệp vẫn xuất khẩu chuối sang Trung Quốc băng băng nhờ một cách

K.Nguyên Chủ nhật, ngày 16/01/2022 13:41 PM (GMT+7)
Trong khi mặt hàng thanh long, mít Thái xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn do Trung Quốc kiểm soát chặt tại các cửa khẩu để phòng chống dịch Covid-19 thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuối vẫn đáp ứng tốt các đơn hàng nhờ... đường biển.
Bình luận 0

Tại sao xuất khẩu chuối sang Trung Quốc không bị tác động nhiều bởi ùn tắc thời điểm này?

Thông tin tại cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc Marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, trong khi mặt hàng thanh long, mít Thái xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn do Trung Quốc kiểm soát chặt tại các cửa khẩu để phòng chống dịch Covid-19 thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuối vẫn đáp ứng tốt các đơn hàng nhờ... đường biển.

Theo bà Vân, có được điều này là do các doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc chủ động đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển với các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ có liên quan.

"Quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc chủ động ký hợp đồng với các hãng tàu từ trước, do vậy trong những trường hợp khẩn cấp, các hãng tàu sẽ ưu tiên cho những khách hàng lâu năm trước" - bà Vân nói.

Về việc cước vận tải tăng cao, bà Vân cho biết, đây là vấn đề của toàn cầu, giá vận tải ở đâu cũng tăng.

Thậm chí chi phí thuê containter rỗng tại Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, do đó, có hiện tượng nhiều container rỗng bị xuất ngược sang Trung Quốc", bà Vân nêu một thực tế.

Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, dù đi đường bộ, đường biển hay đường sắt, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đều phải đáp ứng được những yêu cầu từ phía Trung Quốc về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc.

"Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã khai thác tốt đường biển, nhưng một số chủ hàng ngại thay đổi nên vẫn chấp nhận rủi ro đưa hàng đi đường bộ" – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Tắc cửa khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc vẫn xuất hàng băng băng nhờ một cách - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu chuối sang Trung Quốc chủ động đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường biển. Trong ảnh: Đóng gói chuối xuất khẩu tại nông trại chuối KDA. Ảnh: kdiholdings.

Bình Thuận khuyến cáo không đưa thanh long lên cửa khẩu chờ xuất sang Trung Quốc

Ngày 15/1, ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản hỏa tốc gửi Sở NNPTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban quản lý các khu công nghiệp; Liên minh Hợp tác xã; Hiệp hội Thanh long Bình Thuận; các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long trên địa bàn khuyến cáo tạm dừng đưa hàng hóa xuất khẩu lên cửa khẩu biên giới tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu, lối mở biên giới các tỉnh phía Bắc được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân, Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị các đơn vị khẩn trương thông báo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa đến các doanh nghiệp, hợp tác xã để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sở NNPTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu. 

Quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm việc sử dụng mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói không đúng quy định. 

Tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo, đáp ứng thị trường tiêu thụ.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động nghiên cứu, cập nhật những yêu cầu của thị trường xuất khẩu; xem xét lựa chọn các phương thức xuất hàng khác như qua cảng biển nhằm giảm tải cho cửa khẩu đường bộ; thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, liên hệ chủ hàng phía Trung Quốc để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch như tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại... 

Chủ động thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trên vỏ bao bì bọc quả thanh long và thùng carton đựng thanh long, kiểm soát chặt chẽ từ khâu thu hoạch, phân loại, đóng gói, bốc xếp hàng hóa, đảm bảo không có virus COVID-19. 

Đồng thời, chỉ vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu khi đã ký hợp đồng mua bán với đối tác Trung Quốc.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 17/1/2022 đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các lối mở, cửa khẩu tại khu vực Móng Cái sẽ tạm dừng tiếp nhận mặt hàng hoa quả; thủy sản đông lạnh; những mặt hàng dễ hư hỏng, khó bảo quản; những mặt hàng chưa đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc. Thời gian tạm dừng dự kiến kéo dài đến Tết Nguyên đán 2022.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem