Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn ký kết MoU, hợp tác phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao

Minh Huệ Thứ ba, ngày 13/12/2022 05:00 AM (GMT+7)
Nhân chuyến viếng thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Vương quốc Hà Lan, ngày 12/12/2022, tại Thủ đô Amsterdam, Tập đoàn Hoàng gia De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về Quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện giữa hai tập đoàn.
Bình luận 0

Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn ký kết MoU, phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao

Lễ ký kết MoU có sự chứng kiến đặc biệt của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ngoài ra, Lễ ký kết còn có sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ và các quan chức bộ, ngành của hai nước Hà Lan và Việt Nam.

Tham dự Lễ ký kết MoU, đại diện phía De Heus là ông Koen De Heus - Tổng Giám đốc toàn cầu. Đại diện phía Hùng Nhơn là ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc.

Theo thoả thuận, De Heus và Hùng Nhơn có kế hoạch hợp tác, xây dựng và phát triển các dự án liên quan đến nông nghiệp như: Chăn nuôi giống gia súc, gia cầm; Phát triển nguồn nguyên liệu (ngô, sắn) cung cấp cho lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi; Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình HTX của Hà Lan tại Việt Nam.

Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn ký kết MoU, hợp tác phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1.

Tập đoàn Hoàng gia De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược toàn diện, với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và các quan chức bộ, ngành của hai nước Hà Lan và Việt Nam.

Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, giống gia cầm chất lượng cao cho thị trường Việt Nam, 2 tâp đoàn sẽ phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi theo mô hình công nghệ cao giai đoạn 2022-2030. Trong đó, Hùng Nhơn sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, theo các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới. 

Phía De Heus sẽ cung cấp cho các trang trại chăn nuôi heo giống và gà giống chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu đến năm 2030, chuỗi liên kết sẽ đạt công suất khoảng 7.500 heo giống cụ, kỵ tại khu vực Tây Nguyên; 30.000 con heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt tại Tây Ninh. Tổng mức doanh thu dự kiến khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

Chia sẻ về quyết định chọn Hùng Nhơn là đối tác chính của De Heus tại Việt Nam, ông Koen De Heus, Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn De Heus cho biết: "Hùng Nhơn là doanh nghiệp uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung. Đặc biệt, mô hình hoạt động của Hùng Nhơn phù hợp với kế hoạch phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh của De Heus tại Việt Nam, với mục tiêu trở thành bạn đồng hành của người chăn nuôi và doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi. De Heus mong muốn hợp tác với Hùng Nhơn để cùng đồng hành thực hiện các mục tiêu này".

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ: "De Heus là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp với các thương hiệu thức ăn dinh dưỡng động vật nổi tiếng toàn cầu như De Heus, Windmill, Koudijs... Do vậy, được hợp tác với De Heus là vinh dự cho Hùng Nhơn. Qua việc hợp tác này, Hùng Nhơn nhận được sự hỗ trợ về công nghệ chăn nuôi tiên tiến của Hà Lan. Từ đó, phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn của Hùng Nhơn trong tương lai".

Được biết, trong chiến lược hợp tác, De Heus và Hùng Nhơn đã thành lập chuỗi Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại 3 tỉnh Tây Nguyên gồm: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai và sắp tới là 2 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum. 

Tổ hợp dự kiến sẽ áp dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ, giết mổ heo và sản xuất phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và các tổ chức quốc tế chuyên ngành.

"Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á", ông Hùng khẳng định.

Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn ký kết MoU, hợp tác phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tới thăm và làm việc với Trung tâm Nhà vườn Thế giới (World Horti Center - WHC) tại tỉnh Nam Hà Lan. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ ngày 11 - 13/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến viếng thăm và làm việc tại Vương quốc Hà Lan. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là dịp để hai nước khẳng định mối quan hệ quan hệ Đối tác toàn diện, trong tổng thể quan hệ tốt đẹp với Liên minh châu Âu (EU), nhất là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023.

Trong buổi hội đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Hà Lan như cảng biển, công nghệ đóng tàu, kết nối về logistics, hạ tầng chiến lược;

Đề nghị Hà Lan ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng biển, cảng hàng không và trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình trung tâm Brainport; đề xuất hai bên sớm ký hiệp định hợp tác lao động.

Thủ tướng Mark Rutte khẳng định Hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước; nhấn mạnh các doanh nghiệp Hà Lan ngày càng quan tâm đến Việt Nam, nơi có ổn định chính trị và môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi; đánh giá cao nỗ lực phát triển nghề cá bền vững của Việt Nam, ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh, làm sâu sắc hợp tác hai nước trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững. Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ và các khoản vay ưu đãi để giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững, hệ thống logistics, chuyển đổi xanh, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý nước, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp hướng tới sinh thái, hiện đại, thông minh; Chính phủ Hà Lan hỗ trợ về tài chính, công nghệ đào tạo nguồn nhân lực trong khuôn khổ "Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng" (JETP) trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, nhằm giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả và thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu; hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem