Tây Ninh: Nông dân vừa nhổ mì chạy lụt vừa tất tả đi tìm nơi tiêu thụ

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 16/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Mực nước hồ Dầu Tiếng dâng cao làm ngập úng cây khoai mì (sắn) đã đến kỳ thu hoạch. Nông dân vừa nhổ mì chạy lụt vừa tất tả đi tìm nơi tiêu thụ.
Bình luận 0

Vừa nhổ mì chạy lụt vừa tất tả đi tìm nơi tiêu thụ 

Ông Võ Văn Ten, nông dân trồng mì (sắn) ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu cho biết, địa bàn huyện tiếp giáp với lòng hồ Dầu Tiếng.

Lâu nay, nhiều nông dân trong huyện chọn cách canh tác cây mì trên vùng đất bán ngập lòng hồ, hoặc trong đảo Nhím thuộc lòng hồ Dầu Tiếng.

Giống mì được nông dân chọn trồng khoảng 8 tháng thì cho thu hoạch.

Đến nay, mì vừa đến kỳ thu hoạch cũng là thời điểm mưa lớn, nước hồ Dầu Tiếng dâng cao.

Ông Ten có 5ha mì trong vùng bán ngập lòng hồ. Nhờ chủ động được thời vụ, diện tích mì của ông Triết đã thu hoạch gần hết.

"Mì của tôi thu hoạch tới đâu thì nhà máy thu mua tới đó", ông Ten nói.

Một ruộng mì của nông dân Tây Ninh bị ngập nước. Ảnh Minh Dương

Một ruộng mì của nông dân Tây Ninh bị ngập nước. Ảnh Minh Dương

Thời điểm này, các nhà máy chế biến mì thu mua khoai mì loại ít tạp chất và độ chữ bột đủ 30% với giá khoảng 3.000 đồng/kg. 

Tuy nhiên, ông Ten kể, với một số diện tích mì bị ngập nước và không đủ chữ bột, giá bán sẽ thấp hơn, lại còn bị trừ tiền tạp chất.

Nhờ khả năng thâm canh, củ mì lại được giá, nhiều nông dân vẫn chọn trồng cây mì. Diện tích trồng mì hầu như luôn hiện diện trên vùng nguyên liệu tỉnh Tây Ninh.

Việc nhổ mì chạy ngập nhiều năm qua cũng không còn lạ gì với bà con trồng mì ở Tây Ninh.

Vấn đề là nông dân là phải tìm được nhân công nhổ mì chạy ngập càng nhanh càng tốt.

Bà Nguyễn Thị Lý, nông dân trồng mì ở xã Phan (huyện Dương Minh Châu) giải thích, củ khoai mì chỉ cần ngập nước hơn 1 ngày là dễ bị hư hỏng.

Tuy nhiên việc "đánh cược" với thời tiết không phải lúc nào người nông dân cũng thắng vì lao động nông thôn ngày càng ít dần.

Nông dân vừa nhổ mì chạy lụt vừa tất tả đi tìm chỗ tiêu thụ

Nông dân vừa nhổ mì chạy lụt vừa tất tả đi tìm chỗ tiêu thụ. Ảnh Trần Khánh

Giá mì ngập nước giảm thấp

Bà Lý kể, việc nhổ mì trong mùa mưa thường rất vất vả. Củ mì lại dính đầy bùn đất nên khi vác lên xe rất nặng.

Chưa kể, nông dân vừa nhổ mì phải vừa tất tả đi tìm chỗ tiêu thụ vì không phải nơi nào cũng thu mua giá cao cho mì bị ngập nước.

Lý do là mì bị ngập thường dính theo nhiều bùn, đất; độ chữ bột không cao... Cơ sở thu mua loại mì này phải trừ tạp chất.

Trừ ít thì nhà máy chịu thiệt mà trừ nhiều thì nông dân không chịu. Nhiều nông dân, vì thế đã chuyển hướng bán cho các điểm thu mua nhỏ lẻ với giá 1.900-2.000 đồng/kg.

"Thời gian này, vẫn còn nhiều người đang tranh thủ vừa nhổ mì chạy lụt vừa tất tả đi tìm chỗ thu mua để tránh thua lỗ", bà Lý nói.

Củ mì ngập nước dễ lẫn tạp chất, chữ bột thấp, nên giá bán giảm. Ảnh: Trần Khánh

Củ mì ngập nước dễ lẫn tạp chất, chữ bột thấp, nên giá bán giảm. Ảnh: Trần Khánh

Ông Võ Văn Ten cho biết, giá mì 3.000 đồng/kg (loại 30% chữ bột) là mức giá khá ổn định. Nguyên nhân là việc khống chế dịch Covid-19 ở biên giới khiến lượng mì Campuchia hạn chế nhập vào nội địa.

Các nhà máy chế biến hiện đã hoạt động trở lại cho vụ sản xuất mới. "Khi dịch bệnh được kiểm soát, mì từ Campuchia về nhiều hơn thì giá trong nước sẽ giảm theo", ông Ten nói.

Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, từ cuối tháng 9, các nhà máy chế biến ở miền Trung, miền Nam đã chạy máy vụ mới 2021-2022.

Một số nhà máy khu vực phía Bắc sẽ chạy máy trễ hơn, trong nửa cuối tháng 10/2021.

Đầu tháng 10, tình hình xuất khẩu hàng qua các cửa khẩu khu vực Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn.

Xe hàng phải chờ hàng tuần mới được giao sang, nguyên nhân do phía bạn siết chặt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nhất là trong thời điểm diễn ra lễ Quốc khánh ở Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, cuối tháng 9, mì ở Tây Ninh có giá 3.000-3.100 đồng/kg. Sang đầu tháng 10, giá mì có xu hướng tăng nhẹ lên khoảng 3.050-3.150 đồng/kg.

Trong khi đó, giá mì khu vực miền Trung có xu hướng giảm nhẹ khoảng 50 đồng/kg, xuống còn 2.600-2.650 đồng/kg.

Giá mì ở khu vực Tây Nguyên giảm mạnh hơn, từ 100-200 đồng/kg, dao động ở mức 2.600-2.700 đồng/kg.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem